Trung Quốc uy hiếp láng giềng từ Trường Sa, đối đầu trên biển dễ lặp lại

21/02/2015 09:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc triển khai các căn cứ hải quân, đường băng quân sự có thể đe dọa các nước láng giềng trực tiếp thông qua lực lượng tàu hải cảnh, tàu cá.
Ảnh chụp vệ tinh đá Tư Nghĩa, quần đảo Trường Sa ngày 15/11/2014.
Ảnh chụp vệ tinh đá Tư Nghĩa, quần đảo Trường Sa ngày 15/11/2014.

Xung quanh động thái xây dựng cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc trên 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc cất quân xâm lược năm 1988, 1995 gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Su Bi, Châu Viên và Vành Khăn, nhiều học giả quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy và mối đe dọa nguy hiểm cho hòa bình ổn định trong khu vực, cũng như an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước láng giềng.  Tờ Foreign Policy ngày 20/2 bình luận, hoạt động xây dựng nhanh "chóng mặt" Trung Quốc đang triển khai ở Trường Sa khiến các nước láng giềng và Hoa Kỳ đang hết sức lo ngại.

Kể từ mùa hè năm ngoái, Trung Quốc đã bận rộn cải tạo các rặng san hô, bãi đá ngầm này thành đảo nhân tạo. Tàu nạo vét hút cát từ lòng biển bơm lên rặng san hô mà trước đó không ai nhìn thấy. Sau đó mọc lên đường băng, doanh trại, các trạm radar quân sự.

Động thái này dấy lên mối quan ngại về xu thế thúc đẩy yêu sách chủ quyền gây quan ngại (vô lý và phi pháp) của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải trọng yếu hàn đầu của thế giới. Bắc Kinh tuyên bố cái gọi là "chủ quyền lịch sử" đối với 90% diện tích Biển Đông dựa vào 1 bản đồ của Trung Hoa dân quốc năm 1947 và khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã đẩy mạnh thực thi yêu sách (phi lý) này trong vài năm qua.

Năm ngoái Trung Quốc đã kéo giàn khoan 981 cùng hạm đội tàu hộ tống hùng hổ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và hạ đặt trái phép, Foreign Policy lưu ý. Tàu Trung Quốc thường xuyên đâm va các tàu cá nước khác trên Biển Đông.

Bây giờ đến hoạt động xây dựng điên cuồng ở Biển Đông mà Bắc Kinh đang triển khai khiến các nước láng giềng gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia đặc biệt quan ngại vì nó có thể thay đổi diện mạo địa chính trị của một vùng bất ổn. Trung Quốc vừa từ chối tham gia vụ kiện đường lưỡi bò mà Philippines khởi xướng, vừa tìm mọi cách ngăn chặn đưa vấn đề Biển Đông ra kỳ họp sắp tới của ASEAN.

Ảnh chụp đảo nhân tạo phi pháp trên đá Gạc Ma ngày 15/11/2014.
Ảnh chụp đảo nhân tạo phi pháp trên đá Gạc Ma ngày 15/11/2014.

James Holmes, một giáo sư về các vấn đề chiến lược học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ bình luận, nếu thực sự Trung Quốc có thể xây dựng căn cứ không quân trên các đảo nhân tạo, tuyên bố lãnh thổ (vô lý và phi pháp) của Bắc Kinh sẽ được "bảo vệ bằng thép". Các quan chức Mỹ cũng ngày càng tập trung vào các mối đe dọa tiềm tàng từ sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực.

Một sĩ quan hàng đầu của hải quân Mỹ cho biết tuần này rằng, ông đang xem xét điều động tàu chiến đóng quân tại Úc, ngoài ra một số chiến hạm mới sẽ được triển khai đến Singapore bắt đầu từ năm 2017. Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giấu tên nói với Foreign Policy, hoạt động xây dựng của Trung Quốc thúc đẩy sự lo lắng lớn hơn trong khu vực về ý định của Bắc Kinh quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nắm thế chủ động can thiệp quân sự nhiều hơn trước sự bành trướng hàng hải của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Đầu tháng này Nhật Bản cho biết đang xem xét mở rộng tuần tra trên Biển Đông. Hành động này nhấn mạnh tính chất "nguy hiểm của trò hề" Trung Quốc đang làm trên biển: Bắc Kinh đang làm dấy lên sự giận dữ của các nước trên khắp châu Á.

Trung Quốc đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, đặc biệt là phát triển lực lượng hải quân và uy hiếp Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Malaysia. Indonesia cũng đóng tàu cho Philippines trong khi Úc củng cố quan hệ quân sự với Hoa Kỳ và Nhật Bản trước các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Taylor Fravel, một chuyên gia về chính sách hàng hải Trung Quốc từ Viện Massachusetts bình luận, những nỗ lực đảo hóa các rặng san hô mà Trung Quốc triển khai các căn cứ hải quân, đường băng quân sự có thể đe dọa các nước láng giềng trực tiếp thông qua lực lượng tàu hải cảnh, tàu cá hoạt động xa bờ.

Nó có thể thiết lập tiền đề cho sự tái diễn giai đoạn "giao tranh thủy pháo" giữa tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam với lực lượng chức năng Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 năm ngoái. Thậm chí điều này còn liên quan đến tuyên bố trong tháng này rằng Trung Quốc đã phát hiện một mỏ khí đốt tự nhiên quy mô lớn ở Biển Đông.

Ảnh chụp vệ tinh đảo nhân tạo bất hợp pháp Trung Quốc xây trên đá Châu Viên ngày 15/11/2014.
Ảnh chụp vệ tinh đảo nhân tạo bất hợp pháp Trung Quốc xây trên đá Châu Viên ngày 15/11/2014.

Tuy nhiên theo Fravel, những tiền đồn này không có khả năng tạo ra một vùng nhận diện phòng không trong khu vực. Nói về mặt quân sự, những đảo nhân tạo Trung Quốc mới xây dựng (bất hợp pháp) vẫn dễ bị tổn thương khi bị tấn công. Đó là những mục tiêu cố định nhưng lại không có khả năng phòng thủ đáng kể.

Trong khi về mặt pháp lý, các học giả hầu hết cho rằng những thay đổi Bắc Kinh đang tạo ra không hỗ trợ gì cho yêu sách (vô lý, phi pháp) của Trung Nam Hải ở Biển Đông. Có điều, cho dù các hoạt động cải tạo không củng cố được lập luận pháp lý của Trung Quốc, nhưng nó lại tạo ra một thực tế mới "có gai" trên thực địa, ngay cả khi Washington tiếp tục thúc giục giải pháp ngoại giao cho tranh chấp Biển Đông còn Philippines đang chờ đợi ngày ra tòa.

Còn đài DW của Đức ngày 20/2 dẫn lời Zachary Abuza, một nhà nghiên cứu độc lập về an ninh khu vực Đông Nam Á cho rằng, mục đích các hòn đảo nhân tạo sẽ cung cấp cho Trung Quốc khả năng thực thi yêu sách của mình với 90% diện tích Biển Đông trong phạm vi đường 9 đoạn. Những hòn đảo nhân tạo này sẽ cho Trung Quốc khả năng triển khai sức mạnh lớn hơn nhiều, đó là căn cứ hải quân, không quân và hải cảnh.

Đồng thời các điểm đảo này cũng trở thành cơ sở hậu cần nghề cá và thăm dò dầu khí ngoài khơi. Học giả Ian Storey từ Singapore cho biết, đại đa số các học giả quốc tế đều cho rằng hoạt động cải tạo của Trung Quốc không làm thay đổi giá trị pháp lý của các rặng san hô ở Trường Sa theo tinh thần Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Abuza cũng lập luận rằng, Trung Quốc muốn xây dựng các căn cứ không - hải quân (phi pháp) ở Trường Sa trước, sau đó mới tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không. Nhưng các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS nhấn mạnh rằng, các đảo nhân tạo này chỉ có thể giúp Trung Quốc "tuần tra hàng hải, giám sát hàng không" lớn hơn một chút, chứ không thể thực hiện vùng nhận diện phòng không như từng tuyên bố ở Hoa Đông.

Trung Quốc đã không thể ngăn cản máy bay Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ ở Hoa Đông mặc dù có đầy đủ khả năng quân sự từ đại lục. Vì vậy khó có thể tưởng tượng được Bắc Kinh có thể thực thi điều này ở Biển Đông chỉ dựa vào một vài căn cứ bé nhỏ (phi pháp) ở Trường Sa.
 

Hồng Thủy