Trung-Nga-Iran đang tìm kiếm sự thống trị khu vực khi Mỹ thụt lùi

27/05/2015 14:03
Nguyễn Hường
(GDVN) - Trung Quốc, Nga và Iran đang lợi dụng khoảng thời gian chững lại của Mỹ để tăng cường sự thống trị chính trị và quân sự của mình trong khu vực của họ.

Tờ The Wall Street Journal ngày 26/5 bình luận, việc Nga quyết định bán S-300 cho Iran bất chấp sự phản đối của Mỹ không chỉ khiến chính quyền Washington cảm thấy bối rối mà còn là bằng chứng mới nhất về mối đe dọa mới đang nổi lên đối với trật tự thế giới và an ninh do Mỹ thiết lập từ nhiều thập kỷ qua: Sự gia tăng quyền lực khu vực. 

Trung Quốc, Nga và Iran đang lợi dụng khoảng thời gian chững lại của Mỹ để tăng cường sự thống trị chính trị và quân sự của mình trong khu vực của họ. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh WSJ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh WSJ. 

Ba quốc gia này cùng có một mục tiêu chung là làm giảm ảnh hưởng của Mỹ, lái những nước láng giềng theo ý định chính trị của họ và cuối cùng trở thành những kẻ thống trị khu vực, giảm ảnh hưởng của các nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ và sự trỗi dậy của những kẻ khủng bố Hồi giáo.

Hai mươi ba năm qua, Lầu Năm Góc đã bảo vệ thành công chiến lược của mình, trong đó đặt ra mục tiêu quan trọng nhất trong lĩnh vực an ninh của Mỹ là tăng cường sức mạnh trong khu vực. Nhưng tới nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã gánh thất bại liên tiếp ở châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á.

Tại Trung Đông, Iran đang cố gắng trở thành thế lực thống trị vùng này thông qua sự tham gia trực tiếp và gián tiếp vào các cuộc xung đột ở Lebanon, Iraq, Syria và Yemen. Tehran cũng sử dụng tham vọng hạt nhân của mình như một đòn bẩy để đạt được sự nhượng bộ từ phương Tây. 

Ở châu Á, Tập Cận Bình đang từng bước biến "giấc mơ Trung Quốc" thành hiện thực với tham vọng đưa nước này lên vị trí lãnh đạo trong khu vực Đông Á mà ông cho rằng họ xứng đáng nhận được. 

Tập Cận Bình cũng bỏ qua chiến lược thận trọng "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, thúc đẩy chính sách đối ngoại thực dụng giúp bảo vệ lợi ích của dân tộc "cơ bắp" mới, thúc đẩy nhanh chóng các chương trình củng cố sức mạnh quân sự hỗ trợ các yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) cứng rắn của mình.

Tại châu Âu, Nga đã khiến nỗ lực mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng của NATO phải thất bại khi một loạt đồng minh trong khu vực của Mỹ bày tỏ nguyện vọng không muốn tham gia các chương trình trừng phạt Nga, kết nạp các thành viên mới vì không muốn có quan hệ căng thẳng với Moscow.

Wall Street Journal cho rằng trật tự thế giới mới đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn trật tự thế giới cũ bởi theo thời gian, các cường quốc khu vực từ chối các giá trị dân chủ có thể phát triển thành mối đe dọa toàn cầu như Nhật Bản và Đức đã từng làm trong thế kỷ trước. 

Ông Obama sắp rời Nhà Trắng và Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ cần một chiến lược khẩn cấp để ngăn chặn và đối phó với các mối đe dọa đang gia tăng này, The Wall Street Journal bình luận./.

Nguyễn Hường