Truyền thông quốc tế bình luận chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ

23/05/2016 05:34
Phong Vân
(GDVN) - Theo báo Nhật, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định rõ ràng chủ quyền và kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp giải quyết vấn đề Biển Đông.

Hãng tin BBC của Anh ngày 22/5 cho hay, cùng ngày Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi hành chuyến thăm Việt Nam, dự tính sẽ tìm kiếm tăng cường quan hệ song phương về mặt quân sự để ứng phó với "vai trò ảnh hưởng ngày càng tăng" (gia tăng bành trướng) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nguồn ảnh: Reuters/BBC
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nguồn ảnh: Reuters/BBC

Ông Obama là vị Tổng thống Mỹ thứ ba đến thăm Việt Nam sau khi hai nước Việt-Mỹ khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Dư luận quốc tế cho rằng, ông Barack Obama sẽ tận dụng chuyến thăm lịch sử này để dỡ bỏ một lệnh cấm cuối cùng còn sót lại sau Chiến tranh Việt Nam - cấm vận vũ khí sát thương.

Mặc dù đây là việc làm bình thường, tất yếu phải đi đến của quan hệ hai nước, nhưng BBC cho rằng, nó có thể “khiến cho Bắc Kinh bất mãn”.

Ngoài ra BBC cũng cho rằng, ông Barack Obama sẽ còn đề cập đến vấn đề nhân quyền. Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng rất coi trọng, thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013 và Việt Nam cũng luôn sẵn sàng đối thoại với Mỹ về vấn đề này - PV.

Hành động bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đã đặc biệt gây lo ngại cho các nước xung quanh Biển Đông và cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, hợp tác quân sự giữa Mỹ với các nước đồng minh châu Á là một nỗ lực để ông Barack Obama thúc đẩy thực thi chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương.

BBC cho hay, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang bày tỏ trông đợi cộng đồng quốc tế tham gia giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.

Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 22/5, hôm Thứ Bảy 21/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: "Các hành động gần đây đã gây tổn hại đến sự tin cậy của rất nhiều nước trong khu vực, đã làm trầm trọng thêm căng thẳng".

Chủ tịch nước nói: "Mong muốn cộng đồng quốc tế bao gồm Nhật Bản tiếp tục có những đóng góp thực tế và mang tính xây dựng".

Ngày 6/5/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida. Nguồn ảnh: VTV/TTXVN
Ngày 6/5/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida. Nguồn ảnh: VTV/TTXVN

Được biết, đây là lần đầu tiên ông Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài sau khi lên làm làm Chủ tịch nước. Mặc dù không điểm danh chủ thể hành động gây căng thẳng ở Biển Đông, nhưng theo báo Nhật và Trung Quốc, phát biểu của Chủ tịch nước đang chỉ rõ các hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chủ tịch nước khẳng định rõ ràng rằng, chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa "hoàn toàn có căn cứ pháp lý và lịch sử", tiếp tục kêu gọi giải quyết vấn đề này dựa trên luật pháp quốc tế.

Chủ tịch nước cho rằng: "Nhật Bản là một trong những đối tác lâu dài quan trọng nhất", trông đợi Nhật Bản tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA), nhất là trên phương diện phát triển ngành công nghệ cao, hạ tầng cơ sở.

Theo báo Nhật, ngày 23/5 Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Dự kiến, ngoài vấn đề Biển Đông, hai bên sẽ còn bàn đến việc phê chuẩn Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hãng tin Reuters Anh dẫn lời Trợ lý Cố vấn An ninh của Tổng thống Barack Obama cho hay, mặc dù giữa Mỹ-Việt còn tồn tại khác biệt, nhưng mục đích chuyến thăm này của ông Obama là nâng cấp tương đối lớn quan hệ hai nước.

Dư luận quốc tế cho rằng, Việt-Mỹ sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng. Trong hình là máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: Internet
Dư luận quốc tế cho rằng, Việt-Mỹ sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng. Trong hình là máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: Internet

Evan Medeiros, cựu Cố vấn hàng đầu về các vấn đề châu Á của ông Barack Obama thì cho rằng, hành trình của chuyến thăm này là thông qua tăng cường hợp tác với Việt Nam để thể hiện lập trường đối với Trung Quốc.

Evan Medeiros nói: "Chuyến thăm này sẽ phát đi tín hiệu quan trọng đối với Trung Quốc, khẳng định hành động của Mỹ ở khu vực này và sự quan tâm ngày càng tăng của Mỹ đối với các hành động của Trung Quốc".

Phong Vân