"Việt Nam cần hiện đại hóa quốc phòng đều đặn 1, 2 thập kỷ nữa"

01/09/2015 08:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Hợp đồng mua vũ khí khí tài của Việt Nam luôn luôn bao gồm các điều khoản về chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo và dịch vụ.
Giáo sư Carl Thayer, ảnh: VTV.
Giáo sư Carl Thayer, ảnh: VTV.

Defense News ngày 31/9 bình luận, những nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang đang phải trả lời những câu hỏi khó về nhu cầu quân sự trong tương lai trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ sau năm 1975, hệ thống vũ khi khí tài của Việt Nam vẫn chủ yếu có nguồn gốc từ Nga, gần đây nhất là 6 tàu ngầm lớp Kilo 636MV.

Richard Bitzinger, một thành viên cao cấp là điều phối viên chương trình Biến đối quân sự trường S. Rajaratnam, Singapore bình luận: "Việt Nam có một lực lượng vũ trang lớn nhưng hầu hết vẫn còn trang bị các loại vũ khí từ những năm 1970, 1980, đặc biệt là quân đội. Lực lượng vũ trang của Việt Nam phải đầu tư đều đặn mua sắm vũ khí trong 1, 2 thập kỷ tới nếu muốn tái cơ cấu đầy đủ khả năng quân sự".

Hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp ở Biển Đông gần đây làm trầm trọng thêm những lo ngại từ Việt Nam, nhất là kể từ khi Bắc Kinh ngang nhiên kéo giàn khoan 981 vào hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái.

Các tập đoàn quốc phòng của Mỹ đã tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam, nhưng vẫn vấp phải một số rào cản nhất định. Tuy nhiên Tony Beitinger, nhà phân tích từ trung tâm Hải quân và cố vấn quốc tế AIM cho biết, lệnh cấm vũ khí sát thương của Mỹ với Việt Nam có thể sẽ được lật ngược.

Chính quyền Obama đã nới lỏng lệnh cấm này trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, nhưng hầu hết trong tâm được đặt vào vấn đề an ninh hàng hải và vũ khí có tính chất phòng thủ thích hợp cho Cảnh sát biển Việt Nam. Điều này bao gồm một khoản viện trợ 18 triệu USD cho Cảnh sát biển Việt Nam mua tàu tuần tra của Mỹ.

Lầu Năm Góc cũng đã công bố 425 triệu USD cho chương trình Đối tác Thái Bình Dương. Kinh phí này sẽ bao gồm các trang thiết bị, vật tư, đào tạo và xây dựng quy mô nhỏ.

"Đây là những sáng kiến rất khiêm tốn. Tài trợ cho chương trình Đối tác Thái Bình Dương sẽ được thực hiện trong năm đợt: 50 triệu USD năm tài chính 2016, 75 triệu USD 2017, 100 triệu USD cho 3 năm 2018, 2019, 2020. Các quỹ này sẽ được trải ra cho 5 nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam", Giáo sư Carl Thayer từ Úc cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị Trung Quốc đâm hỏng trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 năm ngoái. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị Trung Quốc đâm hỏng trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 năm ngoái. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

Ông Thayer cho biết thêm: "Không chắc chắn Việt Nam có muốn hoặc có thể mua máy bay chiến đấu phản lực từ Hoa Kỳ hay không, nhưng có khả năng các công ty quốc phòng Mỹ có thể giúp Việt Nam sở hữu máy bay tuần tra hàng hải, máy bay do thám không vũ trang và tàu tuần tra hải quân".

Lockheed Martin đã công khai thúc đẩy việc bán máy bay tuần tra hàng hải Sea Hercules trong khi Boeing cho thấy hãng này có khả năng đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa lực lượng giám sát, trinh sát của Việt Nam. Ngoài ra có một số mảng thích hợp với thương mại quốc phòng Việt - Mỹ, bao gồm ra đa ven biển, vệ tinh thông tin liên lạc, hậu cần hàng hải, bảo trì thiết bị điện tử.

Khu vực còn nhiều vấn đề của thương mại quốc phòng Việt - Mỹ bao gồm hệ thống phòng không cho tàu hải quân và công nghệ tác chiến chống tàu ngầm, ông Carl Thayer cho biết.

Beitinger nhấn mạnh: "Việc trang bị hệ thống khí tài vũ khí phương Tây cho Hải quân Việt Nam sẽ cho phép khả năng tương tác tuyệt vời giữa Việt Nam với Hải quân trong khu vực từ Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Philippines và Hoa Kỳ", tuy nhiên sẽ có những thử thách về đào tạo, hỗ trợ hậu cần.

Hợp đồng mua vũ khí khí tài của Việt Nam luôn luôn bao gồm các điều khoản về chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo và dịch vụ. Việt Nam cũng đã hỗ trợ một đề nghị của Malaysia để thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa các thành viên ASEAN. 

Việt Nam và Indonesia cũng đã thảo luận về hượp tác sản xuất máy bay vận tải, máy bay giám sát hàng hải và máy bay trực thăng đa năng. Việt Nam, Philippines đã thảo luận về hợp tác sản xuất thiết bị quân sự không xác định, trong khi Việt Nam cũng đã tiếp cận Singapore để tìm kiếm hỗ trợ việc lưu trữ an toàn bom mìn, đạn dược.

Bình luận về bài báo này của Defense News, Thời báo Hoàn Cầu ngày 1/9 rêu rao: Ai cũng biết rằng mua bán vũ khí lâu này được xem là "dự báo thời tiết" trong quan hệ giữa 2 quốc gia. Nhưng dù vũ khí tiên tiến của Mỹ có được trang bị cho Việt Nam thì đối với quân đội Trung Quốc mà nói cũng chỉ như trứng chọi đá, không thể thay đổi được cán cân lực lượng quân sự Trung - Việt?!

Hồng Thủy