"Việt Nam có mối đe dọa rõ ràng, điều đó càng thêm động lực"

08/09/2014 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - "Không ai nên đánh giá thấp Việt Nam, họ có một mối đe dọa rõ ràng và điều đó càng cung cấp cho họ thêm động lực", nhà phân tích Wezeman nhận xét.
Hải quân Nhân dân Việt Nam vững chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trước mọi thế lực ngoại bang xâm lược. Ảnh: Vietnamnews.
Hải quân Nhân dân Việt Nam vững chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trước mọi thế lực ngoại bang xâm lược. Ảnh: Vietnamnews.

Reuters ngày 7/9 dẫn lời các chuyên gia quân sự bình luận, Việt Nam đang xây dựng năng lực ngăn chặn Trung Quốc (bành trướng) trên Biển Đông bằng lực lượng tàu ngầm của mình. Người Việt sẽ sớm có lực lượng ngăn chặn đáng tin cậy và buộc Bắc Kinh phải cân nhắc 2 lần trước khi xô đẩy đẩy nước láng giềng nhỏ hơn nó nhiều lần trên Biển Đông.

Theo Reuters, là một bậc thầy của chiến tranh du kích, Việt Nam đã sở hữu 2 trong 6 tàu ngầm Kilo của Nga và sẽ nhận được chiếc thứ 3 trong tháng 11 này với gói thỏa thuận trị giá 2,6 tỉ USD ký kết với Moscow năm 2009. 3 chiếc còn lại sẽ được Nga bàn giao trong vòng 3 năm. 

Trong khi kim ngạch thương mại thường niên giữa Trung Quốc và Việt Nam đã tăng lên 50 tỉ USD, người Việt từ lâu đã cảnh giác với (dã tâm bành trướng của) Trung Quốc, đặc biệt là tuyên bố yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Bắc Kinh với hầu hết Biển Đông giàu năng lượng. Vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Hà Nội.

Người Việt có khả năng kiểm soát các khu vực ngoài khơi bờ biển và xung quanh các căn cứ quân sự của mình ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông một khi lực lượng tàu ngầm này bắt đầu hoạt động hoàn toàn, các chuyên gia cho biết. Điều này sẽ làm phức tạp thêm tính toán của Trung Quốc đối với bất kỳ hành động nào chống lại Việt Nam ở Trường Sa hay trong một cuộc đụng độ vũ trang ở Biển Đông, mặc dù hải quân Trung Quốc lớn hơn nhiều, bao gồm cả 70 chiếc tàu ngầm.

"Ngăn chặn trên biển có nghĩa là tạo tâm lý răn đe bằng cách đảm bảo một đối thủ hải quân mạnh hơn mình không bao giờ thực sự biết được nơi tàu ngầm của bạn có thể xuất hiện", Collin Koh từ trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam từ Singapore nói với Reuters. "Đó là chiến tranh bất đối xứng cổ điển sử dụng bởi phía yếu hơn so với phía mạnh hơn, và tôi nghĩ người Việt Nam hiểu rất rõ. Câu hỏi đặt ra là liệu người Việt có thể hoàn thiện nó khi tác chiến dưới nước hay không".

Việt Nam đã không lãng phí thời gian của mình với đơn đặt hàng vũ khí lớn nhất với trung tâm của một chương trình phát triển sức mạnh hải quân. Từ quân cảng được che chở ở vịnh Cam Ranh, 2 chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên đã được nhìn thấy miệt mài huấn luyện ngoài khơi bờ biển Việt Nam, theo các nhà ngoại giao trong khu vực.

Một thủy thủ đoàn Việt Nam đã được đào tạo trên tàu Kilo thứ 3 của mình trong vùng biển ngoài khơi St Peterburg trước khi nó được đưa về vịnh Cam Ranh vào tháng 10, hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin hồi tháng trước. Chiếc tàu ngầm thứ 4 đang trải qua thử nhiệm trên bến cảng nhà máy đóng tàu Admiralty của Nga trong khi 2 chiếc cuối cùng đang được Nga chế tạo.

Tàu ngầm chạy thử tại bến cảng của nhà máy đóng tàu Admiralty.
Tàu ngầm chạy thử tại bến cảng của nhà máy đóng tàu Admiralty.

Trong khi cánh tùy viên quân sự và các chuyên gia trong khu vực đang cố gắng để đánh giá Việt Nam làm thế nào để phát triển các thủy thủ đoàn một cách nhanh chóng để làm chủ các tàu ngầm tiên tiến, một số tin rằng sẽ không mất bao lâu nữa người Việt sẽ đưa tàu ngầm ra khơi xa ngoài Biển Đông.

"Người Việt Nam đã thay đổi toàn bộ viễn cảnh, họ đã có 2 tàu ngầm, họ có thủy thủ đoàn và họ xuất hiện với cả vũ khí, khả năng và kinh nghiệm được phát triển từ thời điểm này", Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu các hoạt động chuyển giao vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stokholm cho biết. "Từ quan điểm giả định của phía Trung Quốc, khả năng đánh chặn của Việt Nam đã rất hiện hữu".

Không chỉ sở hữu hệ thống phóng ngư lôi tầm ngắn, các tàu ngầm Kilo hiện đại khi lặn xuống có thể phóng tên lửa chống hạm với tầm bắn 300 km. Wezeman ước tính rằng Việt Nam đã nhận được ít nhất 10 trong số 50 tên lửa ngầm đối hạm Klub trong năm nay theo thỏa thuận với Moscow, nhưng không có dấu hiệu cho thấy người Việt mua tên lửa đất đối biển dòng Klub.

Trương Bảo Huy, một chuyên gia an ninh Trung Quốc từ đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông cho biết ông tin rằng các nhà hoạt định quân sự của Bắc Kinh lo ngại về các tàu ngầm Việt Nam. "Ở mức độ lý thuyết, người Việt đang ở thời điểm có thể sử dụng chúng để ngăn chặn (Trung Quốc)". Cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối yêu cầu bình luận điều này khi Reuters liên hệ.

Các quan chức quân sự cấp cao Việt Nam nói với Reutes, họ hài lòng với sự tiến bộ của các hoạt động đào tạo trên biển cũng như khả năng hội nhập của lực lượng tàu ngầm đang diễn ra xuôn xẻ, nhưng nhấn mạnh tàu ngầm Việt Nam sẽ được sử dụng vào mục đích phòng thủ.

"Tàu ngầm không phải vũ khí duy nhất của chúng tôi, nhưng là một phần trong số các vũ khí chúng tôi phát triển để bảo vệ tốt hơn chủ quyền của mình. Trong vấn đề này các tàu ngầm sẽ được sử dụng để phòng thủ", một quan chức quân sự xin giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề nói với Reuters. Ngoài lực lượng tàu ngầm, Việt Nam cũng đã mở rộng đáng kể lực lượng Hải quân trong những năm gần đây với việc mua các tàu khu trục, tàu hộ tống hiện đại được trang bị vũ khí chống hạm và chống tàu ngầm, chủ yếu từ Nga.

Tàu ngầm Việt Nam do Nga chế tạo.
Tàu ngầm Việt Nam do Nga chế tạo.

Việt Nam cũng đã bắt tay vào xây dựng một chương trình chế tạo tàu chiến dựa trên thiết kế của Nga. Việt Nam và Trung Quốc đã tưng có một lịch sử xung đột đẫm máu, gần đây nhất là cuộc Chiến tranh Biên giới 1979 (Trung Quốc xua quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam), đụng độ ở Trường Sa năm 1988 và Hoàng Sa năm 1974 (Trung Quốc cất quân xâm lược các đảo của Việt Nam).

Ngay cả trước khi Việt Nam nhận chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên của mình hồi tháng Giêng, các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam đã được đào tạo ở Nga. Hải quân Ấn Độ cũng đang giúp Việt Nam đào tạo thủy thủ tàu ngầm ở trung tâm tàu ngầm INS Satavahana ở tiểu bang Andhra Pradesh, một quan chức hải quân Ấn Độ nói với Reuters.

Các tàu ngầm Kilo chạy động cơ diesel-điện được coi là dòng tàu ngầm chạy êm nhất và được phát triển liên tục từ những năm 1980. Vasily Kashin, một nhà phân tích chiến lược tại Moscow cho biết, ông tin rằng tàu ngầm Kilo của Việt Nam có công nghệ tiến tiến hơn so với 12 tàu cùng loại của hải quân Trung Quốc.

Một số cựu thủy thủ tàu ngầm phương Tây cho rằng, vị trí của Cam Ranh là nơi lý tưởng cho tàu ngầm Kilo của Việt Nam, bởi đây không chỉ là cảng nước sâu gần quần đảo Trường Sa nhất, mà ngay cả quần đảo Hoàng Sa cũng nằm trong phạm vi tác chiến của nó. Trong khi hầu hết Biển Đông nông cạn gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng tàu ngầm, Cam Ranh lại là 1 cảng nước sâu lý tưởng ra khơi từ bờ thềm lục địa Việt Nam.

"Không ai nên đánh giá thấp Việt Nam, họ có một mối đe dọa rõ ràng và điều đó càng cung cấp cho họ thêm động lực", nhà phân tích Wezeman nhận xét từ Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm.

Hồng Thủy