Vương Nghị chụp mũ "một số quốc gia cá biệt" gây căng thẳng Biển Đông

03/05/2013 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Vương Nghị nói rằng ông ta cảnh báo "một số thế lực và quốc gia cá biệt chớ có sinh sự", khuấy căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời rêu rao về cái gọi là "chủ quyền" hết sức phi lý và phi pháp đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc (ảnh: AFP)
Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc (ảnh: AFP)
Thông tấn xã Đài Loan ngày 3/5 đưa tin, trong chuyến công du Indonesia ngày hôm qua 2/5, Vương Nghị, tân Ngoại trưởng Trung Quốc lại công khai chụp mũ cho "một số quốc gia và thế lực cá biệt" khuấy động căng thẳng Biển Đông, bất chấp một thực tế chính Bắc Kinh mới là kẻ leo thang, gây căng thẳng trên vùng biển này.
Khi hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà, Ngoại trưởng Marty Natalegawa, Vương Nghị nói rằng ông ta cảnh báo "một số thế lực và quốc gia cá biệt chớ có sinh sự", khuấy căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời rêu rao về cái gọi là "chủ quyền" hết sức phi lý và phi pháp đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vương Nghị khẳng định một cách ngoan cố rằng Trung Quốc sẽ "bảo vệ" cái gọi là chủ quyền ấy một cách "rõ ràng, kiên quyết, nhất quán". Cũng trong phiên hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia, Vương Nghị nêu ra nguyên tắc 3 điều bất biến, nhưng những điều đó lại trái ngược hoàn toàn với những gì Trung Quốc đã và đang làm khiến Biển Đông trở nên căng thẳng. Nói cách khác, giới chức Trung Quốc đang nói một đằng làm một nẻo.  Thứ nhất, ông Nghị nói rằng Trung Quốc "duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông", đây là một điều trái ngược hoàn toàn giữa thực tế những gì Trung Quốc đã làm căng thẳng trên Biển Đông với những phát ngôn chính thức, đặc biệt kể từ sau khi Bắc Kinh thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi pháp và phi lý hồi tháng 6 năm ngoái. Thứ hai, Vương Nghị nói Trung Quốc nỗ lực hết sức trong việc thực hiện "hiệu quả" Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC), trong khi thực tế chính Bắc Kinh thường xuyên vi phạm các thỏa thuận chung đã đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc thông qua DOC năm 2002, đồng thời tìm mọi cách né tránh đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn. Thứ ba, Ngoại trưởng Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi "đàm phán tay đôi" với từng nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, một con bài chính trị nhằm làm suy yếu sức mạnh đoàn kết của ASEAN quá ư lộ liễu. Chuyến công du 4 nước Đông Nam Á và những phát ngôn của Vương Nghị cho thấy giới chức Trung Quốc thực sự cảm thấy lo lắng và lúng túng khi thấy ASEAN đang trở nên thống nhất hơn trong quan điểm đối với vấn đề Biển Đông. Tham vọng của Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông thành ao nhà, dường như vẫn không có gì thay đổi, và bằng các thủ đoạn khác nhau, Trung Quốc vẫn không ngừng tìm cách chia rẽ, gây rối nội bộ ASEAN trong quan điểm giải quyết tranh chấp lãnh hải trong khu vực.

Hồng Thủy