Ý tưởng "Một vành đai, một con đường" tắc ngay ở Đông Nam Á

12/06/2016 09:45
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhà ga đường sắt cao tốc từ điểm khởi đầu ở Côn Minh đã sắp hoàn thành thì phần đường sắt chạy qua lãnh thổ Lào đến nay vẫn chưa có...
Hình minh họa: ccpa.com.cn.
Hình minh họa: ccpa.com.cn.

Ngày 11/6 tờ Minh Kính xuất bản tại Hồng Kông cho hay, các dự án xây dựng đường sắt cao tốc Trung Quốc trúng thầu trên khắp Đông Nam Á, chỗ nào cũng trục trặc hoặc đình trệ. Nhiều khả năng gió đã đổi chiều.

Ngày 2/12 năm ngoái, ông Trương Đức Giang - Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc cùng với nguyên Chủ tịch Lào Choummaly Sayason tham dự lễ động thổ tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh - Viêng Chăn sau nhiều lần bị trì hoãn.

Tuy nhiên chỉ nửa năm sau, tuyến đường sắt cao tốc này lại rơi vào trạng thái bị đình trệ và không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động thi công phần đường sắt cao tốc trên lãnh thổ Lào được tiếp tục.

Trong khi tuyến đường sắt cao tốc mà Trung Quốc trúng thầu tại Thái Lan cũng gặp không ít trục trặc, tuyến đường sắt nối Malaysia với Singapore hai bên vẫn do dự không quyết. Điều này cho thấy ý tưởng "Một vành đai, một con đường" của ông Tập Cận Bình không dễ triển khai ở Đông Nam Á.

Trung Quốc có tham vọng xây dựng 3 tuyến đường sắt cao tốc xuyên Đông Nam Á từ Côn Minh, Vân Nam đến Singapore, tổng chiều dài trên 3000 km. Tuyến phía Đông dự kiến chạy qua Việt Nam, sang Campuchia đến Bangkok, Thái Lan.

Tuyến phía Tây chạy qua Myanmar sang Bangkok, Thái Lan. Tuyến giữa chạy từ Côn Minh, Vân Nam qua Lào sang Bangkok, sau đó xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ Bangkok qua Malaysia rồi sang Singapore.

Đến nay tuyến phía Đông gần như đình trệ hoàn toàn do Việt Nam cảnh giác và không hứng thú với dự án này, tuyến phía Tây cũng chẳng khá hơn bởi người Myanmar cũng chẳng mặn mà gì với đầu tư từ Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ còn hy vọng vào tuyến giữa qua Lào.

Trong khi nhà ga đường sắt cao tốc từ điểm khởi đầu ở Côn Minh đã sắp hoàn thành thì phần đường sắt chạy qua lãnh thổ Lào đến nay vẫn chưa có động tĩnh nào bắt đầu thi công. Trong khi đó Lào là quốc gia không có biển, toàn quốc chỉ có 4 km đường sắt.

Tuyến đường sắt cao tốc mà Trung Quốc dự kiến xây dựng xuyên Lào với địa hình núi rừng trùng điệp sẽ phải đào 76 đường hầm, xây dựng 154 cây cầu, trong đo có 2 cây cầu lớn vượt sông Mê Kông nên chi phí cao hơn rất nhiều so với các dự án đường sắt cao tốc ở các quốc gia khác.

Trung Quốc đã đồng ý đầu tư 70% tuyến đường sắt cao tốc chạy qua Lào, 30% còn lại Lào lo, tương đương khoảng 2 tỉ USD.

Hồng Thủy