Giết yến cũng không dập được dịch H1N1 như mong muốn!

26/04/2013 09:28
Theo Lao động
“Có giết hết chim yến mang mầm bệnh? Tôi khẳng định chắc rằng, không thể thực hiện được và tiêu huỷ không xuể”, TS-BS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh - người đã có bề dày kinh nghiệm trong phòng, chống dịch lở mồm long móng, SARS, A/H5N1, H1N1 - khẳng định sau quyết định tiêu huỷ khoảng 10.000 con chim yến tại Ninh Thuận do dịch cúm A/H5N1.
- Thưa ông, cúm A/H5N1 được phát hiện trên đàn chim yến. Nhiều người cho rằng, quyết định tiêu huỷ yến là không hợp lý, quá vội vàng vì đó là chim trời, việc chống dịch đối với chim đang đi “trật lề”?

TS-BS Lê Trường Giang:
Ở VN, lâu nay chỉ phát hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nuôi. Vì thế, khi dịch bệnh xảy ra, việc tiêu huỷ cũng dễ dàng với mục đích: Tránh lây lan virus cho con khác và từ đó tránh lây lan trong cộng đồng. Cơ quan chức năng tiến hành khoanh vùng tiêu huỷ tất cả các con vật có hay không mầm bệnh và đảm bảo không có con nào chạy thoát ra ngoài để lây cho con khác. Việc tiêu huỷ gia cầm, thuỷ cầm (vịt chạy đồng...), trâu, bò, lợn dễ dàng thực hiện vì đó là vật nuôi.

Lấy mẫu chim yến nhiễm bệnh ở Ninh Thuận. Ảnh: Lưu Phong
Lấy mẫu chim yến nhiễm bệnh ở Ninh Thuận. Ảnh: Lưu Phong

Riêng với chim trời, đặc biệt là chim yến thì lại khác hoàn toàn. Khoanh vùng để tiêu huỷ chim yến liệu có làm được không? Có giết hết được chim yến mang mầm bệnh? Tôi xin khẳng định chắc rằng, không thể thực hiện được và tiêu huỷ không xuể. Nguy hiểm ở chỗ, khi tiêu huỷ không khéo chim bị động ổ sẽ bay sang chỗ khác và mang theo mầm bệnh phát tán rộng hơn lây cho những đàn mới và cứ thế dịch sẽ lan rộng.

- Trên thế giới, liệu có cách tiêu hủy chim nhiễm bệnh như Việt Nam hay không?

TS-BS Lê Trường Giang:
Tôi đọc nhiều sách về phòng, chống dịch nhưng chưa có nước nào hoặc tổ chức nào triển khai chiến dịch tiêu diệt chim mang mầm bệnh cả. Đừng nghĩ chỉ có chim yến bị nhiễm bệnh, lâu nay cũng có nhiều loại chim như chim sẻ, bồ câu cũng bị nhiễm virus chết nhưng chúng ta không để ý. Như vậy, dịch bệnh đối với chim thì không có gì mới vì nó đã tồn tại từ trước đến nay. Khi nuôi chim yến, chúng ta phải lường trước được việc này và chắc chắn chim yến cũng không thoát khỏi quy luật nhiễm bệnh.

- Dân hoang mang, chính quyền lúng túng trong việc xử lý dịch cúm từ chim trời. Theo ông, động thái chống dịch bây giờ là gì?

TS-BS Lê Trường Giang:
Đối với chim yến, tập tục sống của nó ở trên trời nên khó lây bệnh từ gia cầm nuôi. Đến thời điểm này, chưa ai nghiên cứu để trả lời câu hỏi: Nguồn lây của chim yến phát xuất từ đâu khi chim yến bay trên trời không xuống dưới đất, không kiếm ăn dưới đất nhưng virus thì ở mặt đất. Theo tôi, có thể chim yến bị lây từ loại chim khác đã mắc bệnh hoặc có thể bị lây từ nguồn khác như từ người nuôi khi thu hoạch khai thác tổ yến... Môi trường ở dưới đất mới lây cho chim trên trời khi bay về tổ.

Khi nuôi chim yến, cơ quan chức năng phải tính đến việc chim nhiễm bệnh chắc chắn sẽ xảy ra và khi bị nhiễm thì phải xử lý như thế nào. Chính vì không có dự báo nên khi gặp tình huống trên lại bị lúng túng xử lý. Công việc bây giờ không phải là trả lời câu hỏi tại sao yến nhiễm bệnh mà là việc chính quyền sở tại hoặc cấp trung ương nên có những ý kiến, hội thảo, hội nghị của các cơ quan chuyên môn đưa ra những hướng xử lý, hướng dẫn những quy định để đối phó với dịch này hiệu quả nhất.

- Vậy, nếu không tiêu huỷ thì cứ để cho chim yến tự thân chống bệnh thì có an toàn? 


TS-BS Lê Trường Giang:
Giết yến sẽ không mang lại kết quả dập được dịch như mong muốn. Việc tiêu huỷ chỉ mang lại sự an tâm và cảm giác tâm lý an toàn cho người dân. Nhưng nếu không giết thì nguy cơ sẽ lây nhiễm cho những con chim khác và lây nhiễm cho gia cầm, thuỷ cầm và những người trực tiếp nuôi, thu hoạch yến. Cần phải nhớ rằng, đặc điểm của dịch bệnh: Nếu dịch lây lan rộng thì sự miễn dịch sẽ mạnh hơn. Con nào mạnh thì qua đi, con nào yếu thì tự chết.

Lấy mẫu chim yến chết tại chuồng nuôi ở Bình Thuận. Ảnh: Lưu Phong
Lấy mẫu chim yến chết tại chuồng nuôi ở Bình Thuận. Ảnh: Lưu Phong

Còn nếu chúng ta giết không hết, có nhiều con chạy thoát thì tiếp tục lây lan và dịch sẽ kéo dài.

Ở góc độ khác, theo quy luật phòng, chống dịch lâu nay, nếu không tiêu huỷ có thể dịch sẽ phát triển rộng hơn nhưng nó sẽ kết thúc nhanh hơn vì sự miễn dịch sẽ nhanh chóng xuất hiện.

- Cúm A/H5N1 quá nguy hiểm, đe doạ đến sức khoẻ cho con người. Không giết chim thì làm sao bảo vệ được người?

TS-BS Lê Trường Giang:
Thay vì giết chim trời khó như... đếm sao thì chúng ta nghĩ đến phương án có động thái bảo vệ người. Cụ thể, bảo vệ người tiếp xúc trực tiếp với yến như người nuôi, khai thác, sơ chế. Theo đó, phải nâng cao năng lực phòng ngừa bệnh cho những người này bằng cách trang bị kiến thức, dụng cụ bảo hộ lao động, dung dịch sát khuẩn... Nếu tuân thủ quy trình tự sát khuẩn như tắm rửa thay đồ sau khi tiếp xúc với yến sẽ hạn chế sự lây lan không chỉ cho chính bản thân mà cho người xung quanh.

Thông qua đợt dịch lần này, cơ quan thú y phối hợp với y tế triển khai hướng dẫn những biện pháp phòng thủ, phòng ngừa lây nhiễm cho người. Quy định bắt buộc cơ sở nuôi chim yến phải có những phương tiện, trang bị dụng cụ gì để bảo vệ cho con người trước dịch bệnh thì là điều đáng làm.

- Xin cảm ơn ông!
Theo Lao động