Phụ huynh chủ quan khiến gia tăng bệnh tay chân miệng

24/06/2011 06:48
Bệnh tay chân miệng (TCM) đang “vào mùa” với số trẻ đến khám và nhập viện ngày càng tăng...

Theo báo cáo của các cơ sở y tế, bệnh tay chân miệng (TCM) đang “vào mùa” với số trẻ đến khám và nhập viện ngày càng tăng. Ðáng lo ngại, so với thời điểm này hàng năm, năm nay có nhiều trẻ bị biến chứng nặng và đã có 3 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã có 17 trẻ tử vong do mắc bệnh TCM (TP.HCM: 11 ca, Đồng Nai: 4 ca, Quảng Ngãi: 2 ca). Đặc biệt tại TP.HCM, số trẻ mắc bệnh TCM đang tăng chóng mặt. Trong tháng 5, có tuần thành phố có hơn 300 trẻ mắc TCM (tăng 300% so với cùng kỳ năm 2010). Bệnh đã bùng phát và lan rộng ra 24/24 quận, huyện của TP.

Theo Sở Y tế TP.HCM trong các mẫu gửi sang Đài Loan làm xét nghiệm có 2/5 mẫu dương tính với chủng virút EV71 mới thuộc tiểu nhóm B thay vì nhóm C như những trường hợp đã thấy ở Việt Nam trước đây. Đối với các em nhỏ, sức đề kháng không cao, khi nhiễm virut nhóm B bệnh diễn biến nhanh, biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).


Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ còn chủ quan, lơ là trong việc vệ sinh cho trẻ. Theo thống kê, 70% số trẻ mắc bệnh TCM hiện không đi học, 30% số trẻ mắc bệnh có đến trường, nhưng khởi phát bệnh mắc từ nhà.

Chính sự chủ quan hoặc thiếu hiểu biết về dấu hiệu bệnh mà nhiều trẻ khi đến cơ sở y tế khám và điều trị đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã biến chứng bởi triệu chứng ban đầu sốt, ho, đau họng, biếng ăn... cho rằng bị cảm cúm, hoặc do xuất hiện những vết loét ở miệng, lưỡi, lợi lại thường nhầm lẫn với với bệnh viêm loét miệng thông thường. Hay khi vùng mông, gối, lòng bàn tay, bàn chân có những mụn bóng nước người nhà nghĩ trẻ mắc thủy đậu, nhiễm trùng da, dị ứng... Cách vệ sinh, chăm sóc trẻ lại không được chú ý trong khi đó, bệnh lây lan nhanh nên dễ phát tán ra cộng đồng.

Hiện tại, bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccin phòng bệnh, chính vì vậy, để phòng bệnh, biện pháp cơ bản nhất là cần giữ gìn vệ sinh cho trẻ như: vệ sinh khử khuẩn sàn nhà và đồ chơi cho trẻ hàng ngày bằng dung dịch; rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Khi trẻ có triệu chứng như nổi bóng nước ở miệng, tay chân… cần đưa trẻ tới khám bác sĩ ngay để có hướng xử lý thích hợp.

Theo Sức khỏe & Đời sống