Ai chịu trách nhiệm vụ việc 29 trẻ nhỏ cấp cứu sau uống sữa Fami Kid?

21/03/2019 06:19
Tùng Dương
(GDVN) - Cho đến nay chưa có cá nhân, đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm sau vụ việc 29 cháu nhỏ trường Tiểu học Nhã Lộng nhập viện cấp cứu.

Liên quan tới vụ việc này, ngày 19/3, trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Ngô Thị Hồng Luyến - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Nhã Lộng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: “Trường chúng tôi nhận nguồn sữa Fami Vinasoy từ nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bắc Ninh, chi nhánh của công ty đường Quảng Ngãi, sữa được xe của công ty mang biển số: 89C-108.44 đưa đến tận Trường Tiểu học Nhã Lộng ngày 11/3/2019 nên không có chuyện vận chuyển, bảo quản sai quy trình”.

29 cháu học sinh tại lớp 4C và 4D của trường Tiểu học Nhã Lộng bị ngộ độc sau khi uống sữa Fami Kid. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Phú Bình.
29 cháu học sinh tại lớp 4C và 4D của trường Tiểu học Nhã Lộng bị ngộ độc sau khi uống sữa Fami Kid. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Phú Bình.

Về vấn đề nhà trường phát thư ngỏ cho các phụ huynh để mời mua sữa, cô Luyến nói: “Đó là thư mời mua sữa của nhà máy sữa đậu nành Vinasoy cho giai đoạn sau khi các cháu uống thử”.

Còn việc chưa có ý sự đồng ý của phụ huynh nhưng nhà trường đã tự ý cho các cháu dùng sữa khuyến mãi, theo cô Luyến: “Chúng tôi cho các cháu uống thử sữa Fami là triển khai theo kế hoạch số 233/KH-SGDĐT. Kế hoạch này của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên ngày 19/2/2019 với nội dung - Sữa đậu nành học đường Vinasoy năm học 2018 - 2019, chứ nhà trường cũng không tự ý cho các cháu uống”.

Về việc triển khai tại trường, cô Luyến nói: “Giờ ra chơi, các cô giáo sẽ phát sữa cho học sinh trong lớp và các cháu phải uống ngay tại chỗ, không được mang về nhà”.

Cũng theo cô Luyến: “Trong bản hướng dẫn của nhà máy sữa Vinasoy gửi đến các trường có viết rõ cách thử sữa, cách uống sữa và nói rõ đây là loại sữa đậu nành vị Sô-cô-la nên rất khó uống nhất là đối với trẻ nhỏ…

Ngay trong buổi tập huấn uống sữa tại phòng Giáo dục, đại diện nhà máy sữa đậu nành Vinasoy nói rất rõ là sẽ có trường hợp các cháu bị kích ứng với Sô-cô-la và có hiện tượng âm ỷ đau bụng, có cháu sẽ nôn…”.

Những thùng sữa Fami Kid tại Trường Tiểu học Nhã Lộng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Tùng Dương.
Những thùng sữa Fami Kid tại Trường Tiểu học Nhã Lộng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Tùng Dương.

Khi xảy ra việc 29 cháu học sinh tại lớp 4C và 4D của Trường Tiểu học Nhã Lộng bị ngộ độc sau khi uống sữa Fami Kid vị Sô-cô-la vào ngày 15/3/2019, ban giám hiệu nhà trường đã có báo cáo đến lãnh đạo, các phòng ban trong huyện và đơn vị cung cấp sữa.

“Sau khi có thông báo của nhà trường, nhà máy sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy có cử 1 đại diện tên là Lượng - phụ trách kinh doanh và anh Học là đại diện tại Thái Nguyên của nhà máy sữa đến trường Tiểu học Nhã Lộng, nhưng cả hai vị đại diện cũng không có ý kiến gì”, cô Luyến nói.

Đưa sữa có nguồn gốc thực vật vào trường học cho học sinh uống liệu có đúng với chương trình sữa học đường theo hướng dẫn của Bộ Y tế? Ảnh: Tùng Dương.
Đưa sữa có nguồn gốc thực vật vào trường học cho học sinh uống liệu có đúng với chương trình sữa học đường theo hướng dẫn của Bộ Y tế? Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Các em học sinh của 61 trường Tiểu học tại 3 huyện là Đại Từ, Phú Bình và thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) được uống sữa theo chương trình Sữa đậu nành học đường Vinasoy" do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp cùng phòng Giáo dục các huyện, thị xã, tạo điều kiện cho Công ty sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy triển khai chương trình này trên địa bàn tỉnh.

Sau khi tiến hành nghiên cứu, chúng tôi thấy chương trình này là tốt cho học sinh. Được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý cho triển khai tại 3 huyện của tỉnh Thái Nguyên".

Tỉnh Thái Nguyên lấy căn cứ nào để đưa sữa đậu nành Fami Kid về 61 trường Tiểu học tại 3 huyện là Đại Từ, Phú Bình và Thị xã Phổ Yên? Ảnh: Tùng Dương.
 Tỉnh Thái Nguyên lấy căn cứ nào để đưa sữa đậu nành Fami Kid về 61 trường Tiểu học tại 3 huyện là Đại Từ, Phú Bình và Thị xã Phổ Yên? Ảnh: Tùng Dương.

Trong mục số 2 phần III của kế hoạch 233/KH-SGDĐT, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên ngày 19/2/2019 còn nêu rõ: Cấp phát sữa trợ giá từ Vinasoy và nguồn thu của phụ huynh dự kiến triển khai từ ngày 1/4/2019, với giá bán là 2.166 đồng 1 hộp sữa đậu nành Fami Kid 125ml cho đối tượng là học sinh của 3 huyện.

Theo ghi nhận thì 61 trường Tiểu học thuộc 3 huyện Đại Từ, Phú Bình và thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đã phát bản thông báo để phụ huynh đăng kí mua sữa.

Vậy có thể hiểu sự việc ở đây là sau khi chương trình uống miễn phí 10 ngày kết thúc, sẽ tiếp đến giai đoạn 2 là bán sữa cho các em học sinh. Vậy các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thái Nguyên đồng ý cho đưa sữa Fami Kid vào nhiều trường để học sinh uống dựa trên tiêu chí nào?

Ai chịu trách nhiệm vụ việc 29 trẻ nhỏ cấp cứu sau uống sữa Fami Kid? ảnh 529 học sinh bị ngộ độc, dừng uống sữa Fami Vinasoy

Tháng 11/2018, Bộ Y tế đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai chương trình Sữa học đường và nhấn mạnh, sữa dùng trong chương trình phải là sữa tươi.

Theo đó, công văn số 7162/BYT-BM-TE của Bộ trưởng Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về sữa học đường ngày 26/11/2018 nêu rõ: "Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế".

Vậy việc tỉnh Thái Nguyên đưa loại sữa có nguồn gốc thực vật, vị Sô-cô-la vào chương trình sữa học đường có phù hợp với chỉ đạo của Bộ Y tế?

Quy trình và cơ chế kiểm soát chất lượng đầu vào thế nào, và có đảm bảo an toàn tuyệt đối khi trẻ uống, trong khi đại diện nhà cung cấp đã có cảnh báo: Trẻ sẽ có kích ứng, đau bụng, nôn... trong buổi tập huấn uống loại sữa này cho các thầy, cô giáo tại phòng giáo dục?

Cho đến nay đã 6 ngày trôi qua, chưa có bất kỳ đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này.

Tùng Dương