Barack Obama: Đại dịch Ebola đang đe dọa an ninh toàn cầu

17/09/2014 12:28
Theo BBC
(GDVN) - Tổng thống Mỹ đã gọi đợt dịch Ebola ở Tây Phi là ‘mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu’ trong bài diễn văn thông báo Mỹ sẽ đóng góp nhiều

“Thế giới đang nhìn vào nước Mỹ,” ông Obama nói và nhấn mạnh đối phó với dịch Ebola cần ‘nỗ lực toàn cầu’.
Các biện pháp mà Mỹ thông báo bao gồm triển khai 3.000 binh sỹ đến các nước Tây Phi và xây dựng các cơ sở y tế mới.

Ebola đã giết chết 2.461 người trong năm nay, tức phân nửa số người nhiễm bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

Hình ảnh này được chụp vào16/9/2013, tại thủ đô Monrovia của Liberia: các nhân viên y tế đang thu dọn thi thể của một bệnh nhân vừa qua đời vì Ebola. (nguồn BBC)
Hình ảnh này được chụp vào16/9/2013, tại thủ đô Monrovia của Liberia: các nhân viên y tế đang thu dọn thi thể của một bệnh nhân vừa qua đời vì Ebola. (nguồn BBC)

Trong khi đó, các quan chức Mỹ đánh giá rằng trận dịch Ebola lần này là một cuộc khủng hoảng y tế ở mức độ ‘chưa từng thấy trong thời hiện đại’.
Sự lan truyền nhanh chóng của Ebola cũng đồng nghĩa với việc ngân quỹ cần thiết để chống dịch đã tăng gấp 10 lần trong tháng qua, điều phối viên về Ebola của Liên Hiệp Quốc nói và cho biết họ cần đến 1 tỷ đô la Mỹ để chống dịch.

Các biện pháp chống dịch mà ông Obama công bố hôm thứ Ba ngày 16/9 bao gồm: Xây dựng 17 cơ sở y tế với 100 giường bệnh cùng với khu cách ly mỗi nơi ở Liberia; Đào tạo 500 nhân viên y tế mỗi tuần; Xây dựng một cầu hàng không để đưa hàng viện trợ vào các nước có dịch nhanh hơn; Cung cấp các gói thiết bị y tế gia đình đến hàng trăm ngàn hộ dân.

Virus Ebola chỉ lây truyền qua đường tiếp xúc gần gũi. Không có cách chữa trị hay vacccine phòng ngừa. Trận dịch bùng phát ở Guinea trước khi lan đến các nước láng giềng như Sierra Leone và Liberia.

Ông Obama nói rằng đợt bùng phát đã lên đến mức dịch ở Tây Phi khi mà các bệnh viện và trạm xá ‘hoàn toàn quá tải’ và bệnh nhân ‘đang chết ngoài đường theo đúng nghĩa đen’.

Ông kêu gọi các nước khác tăng cường phản ứng vì diễn biến dịch ngày càng tồi tệ sẽ dẫn đến ‘những hệ lụy nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, an ninh cho tất cả chúng ta’.

Có mối ‘đe dọa tiềm tàng’ đối với an ninh toàn cầu nếu những quốc gia này sụp đổ, ông nói.

“Thế giới biết làm sao để chiến đấu với căn bệnh này. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta có những bước đi phù hợp chúng ta có thể cứu mạng người. Nhưng chúng ta phải hành động nhanh chóng,” ông nói.

Trước đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết 3.000 quân lính Mỹ được triển khai ở Tây Phi sẽ không trực tiếp chăm sóc cho các bệnh nhân Ebola. Một phần trong số họ sẽ đóng quân ở một căn cứ chuyển tiếp ở Senegal trong khi những binh sỹ khác sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ huấn luyện, kỹ thuật và hậu cần đến mọi địa điểm ở Liberia.

Hôm thứ Ba ngày 16/9, một ủy ban của Hạ viện Mỹ đã nghe điều trần của Tiến sỹ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, và Tiến sỹ Kent Brantly, người nhiễm Ebola nhưng đã hồi phục sau khi được áp dụng cách điều trị thử nghiệm.

Tiến sỹ Fauci nói 10 người tình nguyện tham gia vào một chương trình nghiên cứu vaccine riêng rẽ không có dấu hiệu bệnh trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu.

Tại một cuộc họp báo về Ebola, bà Joanne Liu, chủ tịch MSF, nói thế giới cần có phản ứng phối hợp dưới một sự chỉ huy rõ ràng.
“Cơ hội của chúng tôi kiềm chế được trận dịch này đang khép lại dần,” bà nói, “Chúng ta cần nhiều nước đứng ra chống dịch, chúng ta cần triển khai lực lượng nhiều hơn và chúng ta cần làm ngay bây giờ.”

Trước đó, WHO đã hoan nghênh cam kết của Trung Quốc gửi một đội công tác lưu động đến Sierra Leone bao gồm các nhà dịch tễ học, các thầy thuốc và y tá.

“Nhu cầu cấp thiết nhất trước mắt là triển khai nhiều nhân viên y tế hơn,” bà Margaret Chan, tổng giám đốc WHO cho biết trong một thông cáo báo chí.

Tổ chức Thầy thuốc Không Biên giới (MSF) kêu gọi các nước khác theo bước Mỹ trong cuộc chiến chống dịch vì phản ứng của thế giới tiếp tục ‘bị bỏ lại phía sau một cách nguy hiểm’.

Theo BBC