Chất lượng giống nòi đi xuống vì rượu bia là tác hại khó lường nhất

26/05/2018 09:56
Lại Cường
(GDVN) - Theo ý kiến của Cơ quan soạn thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia thì hậu quả suy giảm giống nòi, lối sống, đạo đức xã hội rất khó lượng hóa và khó lường.

Ngày 25/5/2018, Bộ Y tế tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự án Luật Phòng, chống, tác hại rượu bia. Hội thảo có sự tham dự của đại diện ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, rượu bia, các chuyên gia y tế và kinh tế.

Theo ý kiến của đại diện doanh nghiệp tham gia hội thảo cho rằng sản xuất bia, rượu là ngành giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

Đại diện này đã viện ra thực trạng đến nay ngành sản xuất bia đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh được tình trạng nhập lậu, tình trạng đầu cơ và có một phần xuất khẩu.

Dự án luật Phòng, Chống tác hại của rượu, bia đang gặp nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh: Ban tổ chức hội thảo)
Dự án luật Phòng, Chống tác hại của rượu, bia đang gặp nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh: Ban tổ chức hội thảo)

 Giải quyết được công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp sản xuất và lao động trong hệ thống kinh doanh, thương mại, nhà hàng, dịch vụ, vận tải, nông nghiệp, quảng cáo, ... Các doanh nghiệp trong ngành tham gia tích cực các chương trình trách nhiệm xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường ở nhiều địa phương trong cả nước.

Ngành có đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương). Theo Tổng cục Thuế, tổng thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong toàn ngành năm 2017 ước đạt 50 ngàn tỷ đồng chiếm khoảng 1,7% GDP của Việt Nam.

Chất lượng giống nòi đi xuống vì rượu bia là tác hại khó lường nhất ảnh 2Tỷ lệ tâm thần do rượu bia đang có xu hướng tăng

Trả lời về vấn đề này, đại diện cơ quan soạn thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia cho rằng: “Việc đóng thuế là nghĩa vụ bắt buộc của bất kì ngành kinh tế hợp pháp nào.

Nó không mang tính tự nguyện! Sản phẩm rượu bia là một sản phẩm tiêu dùng hợp pháp nhưng gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế, văn hóa và xã hội”.

Đại diện cơ quan soạn thảo cũng đã viện ra dẫn chứng cụ thể, theo đó, mức thuế mà ngành rượu bia đóng góp khi so sánh với những tổn thất kinh tế liên quan đến sức khỏe (chi phí điều trị và khắc phục hậu quả; chi phí y tế gián tiếp do tử vong sớm hay mất khả năng lao động do tàn tật là rất nhỏ.

Các hộ gia đình nghèo cũng lãng phí một phần kinh phí chi tiêu chi rượu bia mà lẽ ra có thể sử dụng cho các mục đích có lợi khác (như đầu tư cho giáo dục, y tế... Ví dụ tại Việt Nam ) năm 2012 chi phí kinh tế cho tiêu thụ bia tương đương gần 3 tỷ USD (2,8 tỷ lít bia tiêu thụ năm 2012), ước tính gần bằng 3% số thu ngân sách của cả nước (chưa kể đến chi phí gián tiếp) trong khi đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát ở Việt Nam năm 2012 theo báo cáo của Hiệp hội bia-rượu-nước giải khát là 950 triệu USD (19.134 tỷ đồng tỷ đồng). Chi phí trực tiếp cho tiêu thụ bia nhiều gấp trên 3 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Di chứng của rượu bia để lại cho xã hội gánh nặng lớn. (Trong ảnh: Các bác sĩ khám cho nạn nhân ngộ độc rượu Lai Châu, Ảnh: Lại Cường)
Di chứng của rượu bia để lại cho xã hội gánh nặng lớn. (Trong ảnh: Các bác sĩ khám cho nạn nhân ngộ độc rượu Lai Châu, Ảnh: Lại Cường)

Bên cạnh đó, tổn thất do bị xói mòn về văn hóa, lối sống, đạo đức và chất lượng giống nòi có nguyên nhân từ lạm dụng rượu bia là những gánh nặng xã hội nghiêm trọng không thể so sánh và rất khó lượng hóa.

Theo thông tin công bố từ phía cơ quan soạn thảo Luật, thống kê của WHO , phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% - 12% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả do rượu, bia thường cao hơn so với chi phí trực tiếp. Sử dụng RB chiếm khoảng 0.5% đến 7.7% chi tiêu của HGĐ năm 2012 (WHO, 2016).

Tại Đức: thiệt hại do rượu, bia hằng năm khoảng 20 tỷ Euro trong khi doanh thu của ngành công nghiệp sản xuất rượu, bia tối đa chỉ đạt 17 tỷ và nộp ngân sách chỉ có 3,5 tỷ (chiếm từ 4-10% tổng thu thuế).

Tại Nam Phi chi cho sử dụng rượu, bia chiếm 10% GDP + chi cho giải quyết hậu quả do rượu, bia gây ra chiếm 2% GDP = 12.

Ngày 25/5/2018 Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp trong ngành rượu, bia để lấy ý kiến về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. 

Hai mục tiêu chính đặt ra đối với Dự Luật này là nâng cao sức khỏe của người dân và phòng, chống những vấn đề xã hội gây ra bởi lạm dụng rượu bia như bạo lực gia đình, uống rượu khi lái xe, gây rối trật tự công cộng...  Theo tờ trình của cơ quan soạn thảo, Dự luật này được tiếp cận từ góc độ sức khoẻ cộng đồng và xã hội, chứ không phải từ góc độ thương mại. 

Mặc dù giới doanh nghiệp đều đồng tình với quan điểm cho rằng lạm dụng rượu bia có thể gây ra những tác hại đối với sức khỏe và các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại về cách tiếp cận và những qui định trong Dự thảo có thể không giải quyết được những vấn đề của lạm dụng rượu, bia và đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

Lại Cường