Cục An toàn thực phẩm kịch liệt lên án vụ cà phê nhuộm pin, vụ vinaca

25/04/2018 06:56
Lại Cường
(GDVN) - Cục An toàn thực phẩm lên án vụ cà phê nhuộm pin và thuốc ngừa ung thư làm bằng than tre, thực hiện thành công "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm".

Chiều 24/4, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về việc triển khai công tác hậu kiểm để đảm bảo an toàn thực phẩm theo Nghị định 15 của Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã nêu quan điểm của Cục về vụ cà phê trộn pin và sản phẩm Vinaca làm từ bột than tre. Đồng thời cho biết, từ đầu năm đến nay, trong số những cơ sở sản xuất, kinh doanh bị kiểm tra, tỷ lệ cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm là gần 20%.

Ông Phong cho rằng trong 2 vụ việc như ở Hải Phòng cũng như vụ cà phê ở Đắk Nông, cơ quan cảnh sát vào điều tra là rất cần thiết và kết quả như thế nào phải công khai kết quả xử lý vi phạm.

Theo thông tin cung cấp tới báo chí của Cục An toàn thực phẩm, sau khi Nghị định 15 thay thế cho Nghị định 38 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực vào tháng 2 vừa qua, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyển từ tiền kiểm sang tập trung vào hậu kiểm.

Theo số liệu từ Cục An toàn thực phẩm, tính tới ngày 24/4, tổng số các đoàn thanh tra, kiểm tra trên cả nước đã thanh kiểm tra, hậu kiểm 158.952 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Qua kiểm tra, phát hiện số cơ sở vi phạm là 31.138 cơ sở (xấp xỉ 20%), số tiền phạt gần 20 tỷ đồng.

Các đoàn đã đình chỉ 72 cơ sở, đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm có vi phạm. Số cơ sở phải khắc phục lỗi sai ghi nhãn là 231, số cơ sở có sản phẩm bị tiêu hủy là 1.482; đã tiêu hủy 1.590 sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm như hết hạn sử dụng, không rõ xuất xứ.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm cung cấp thông tin cho báo chí chiều ngày 24/4 (Ảnh: LC)
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm cung cấp thông tin cho báo chí chiều ngày 24/4 (Ảnh: LC)

Tính đến thời điểm hiện tại, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành 15 quyết định xử phạt đối với 15 cơ sở vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm với số tiền hơn 934 triệu đồng, dừng lưu thông 8 lô sản phẩm, tiêu hủy 2 lô sản phẩm vi phạm, giám sát việc thu hồi và tiêu hủy 22 loại nhãn sản phẩm với gần 102 tấn sản phẩm của 4 cơ sở sản xuất sữa nghi nhiễm vi khuẩn salmonella theo cảnh báo của từ Ban thư ký mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN).

Đặc biệt, Cục An toàn thực phẩm đã chuyển 6 vụ việc vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, trong 6 vụ vi phạm này có 4 vụ khi cơ quan chức năng lấy mẫu thực phẩm hậu kiểm phát hiện sản phẩm có hoạt chất chính không đạt 70% chất lượng theo công bố; 2 vụ nghi làm giả tài liệu khi làm thủ tục hành chính, trong đó có sản phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Các vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra.

Còn với 1.590 sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm bị thu hồi, Cục An toàn thực phẩm cho biết, tập trung chủ yếu là các sản phẩm bao gói sẵn, trong đó có cả các sản phẩm sữa nhập khẩu, thực phẩm chức năng.

Cục An toàn thực phẩm kịch liệt lên án vụ cà phê nhuộm pin, vụ vinaca ảnh 2

Giảm thủ tục hành chính, tăng trách nhiệm cho doanh nghiệp thực phẩm

Trong khuôn khổ buổi cung cấp thông tin cho báo chí, Cục An toàn thực phẩm cũng đã cho biết tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 với chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm" được triển khai từ ngày 15/4 - 15/5/2018.

Tr ong tháng an toàn thực phẩm, các đoàn thanh tra, kiểm tra tổ chức phải toor chức đầy đủ thành phần, chuyên môn và đủ thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm kịp thời các vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Lại Cường