Để tinh thần, thể chất luôn khỏe mạnh hãy lưu ý 9 bước sau

04/11/2014 07:49
Phạm Ngà
(GDVN) - Nếu mong muốn cơ thể luôn khỏe mạnh, hãy chú ý đến 9 bước dưới đây để cơ thể bạn được chăm sóc một cách toàn diện nhất!

Chăm sóc bộ não

Khi cơ thể đến thời kì lão hóa, chúng ta sẽ gặp phải hàng loạt các vấn đề như: chứng hay quên, giảm nhanh nhạy và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Các nhà nghiên cứu Thụy Điển cho rằng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức.

Nghiên cứu của họ cho thấy những đối tượng tập luyện hay vận động ít nhất 20 phút 2 lần một tuần (hoặc nhiều hơn) ở tuổi trung niên sẽ giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và các hình thức khác của chứng mất trí lên đến 60%.

Về mặt dinh dưỡng, một nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học bang Louisiana cho thấy rằng một loại axit béo omega-3 rất quan trọng đối với não bộ con người trong việc chống lại bệnh Alzheimer hay teo não.

Những gì bạn nên làm

Hãy lên kế hoạch tập luyện về mặt tinh thần và thể chất.

Ít nhất 10 phút tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Bổ sung các thực phẩm có chất chống oxy hóa từ bên ngoài như hạnh nhân, rau lá xanh, và quả việt quất,…

Nếu bạn không ăn đủ các loại cá giàu axit béo omega-3 như cá hồi (ít nhất là 2 bữa 1 tuần), hãy bổ sung vào cơ thể 1.000 mg dầu cá hàng ngày.

Chăm sóc làn da

Một số vấn đề về da mà khi lão hóa, chúng ta hay gặp phải đó là nếp nhăn, những đốm nâu, nghiêm trọng hơn là ung thư da.

Các nghiên cứu cho thấy ánh nắng mặt trời và hút thuốc lá có thể gây ra sự thiếu hụt collagen và elastin cùng với những thay đổi trong DNA. Đây là nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư da.

Tránh các yếu tố gây stress là chìa khóa quan trọng nhất giúp da luôn khỏe đẹp.

Các chất chống oxy hóa cũng sẽ giúp da tránh được những tổn thương bên ngoài.

Những gì bạn có thể làm

Uống ít nhất một tách trà xanh (một chất chống oxy hóa hiệu quả) hàng ngày, bổ sung đầy đủ vitamin C và E.

Sử dụng kem chống nắng phổ rộng (giúp bảo vệ chống lại cả hai tia UVA và UVB) với chỉ số chống nắng SPF 30 mỗi ngày.

Có thể bôi trà xanh cùng vitamin C và E -dưỡng chất được tìm thấy trong nhiều sản phẩm chống lão hóa, giúp tăng cường khả năng chống lại gốc tự do của da.

Chăm sóc răng và nướu

Lão hóa cơ thể có thể khiến chúng ta bị bệnh nướu răng, rụng răng hay ung thư vòm miệng. 

Các nghiên cứu cho thấy: răng có thể tồn tại suốt cuộc đời mỗi người. Một vòm miệng khỏe mạnh có thể sản xuất lượng lớn nước bọt - có chứa các khoáng chất có thể ngăn chặn, thậm chí đảo ngược giai đoạn đầu của quá trình sâu răng. 

Nếu bạn gặp phải chứng khô miệng (một hiệu ứng phụ thường gặp của thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống huyết áp cao), sâu răng có thể lây lan nhanh hơn, và bạn sẽ cần phải nỗ lực chăm sóc răng miệng nhiều hơn những gì vẫn thường làm.

Những gì bạn nên làm

Bất cứ lúc nào chúng ta ăn, vi khuẩn còn sót lại sẽ bám trên bề mặt răng của bạn. Hãy đánh răng sau khi ăn càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

Đánh răng cũng giúp loại bỏ vết bẩn từ các loại thực phẩm và đồ uống như quả việt quất, cà phê, trà hay rượu vang đỏ.

Hãy chải trong 2 phút trên toàn bộ nướu răng và răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng 1 lần trong ngày với nước có chứa fluoride.

Nên cố gắng gặp nha sĩ và làm sạch răng 2 lần trong năm (hoặc thường xuyên hơn nếu cần thiết), kiểm tra kỹ lưỡng mỗi năm một lần đối với các bệnh nướu răng, sâu răng, và dấu hiệu của ung thư miệng.

Chăm sóc 2 lá phổi

Phổi làm việc không hiệu quả có thể dẫn đến tình trạng mất năng lực hiếu khí.

Với việc luyện tập thể dục thường xuyên, bạn có thể tối đa hóa khả năng hiếu khí của phổi.
Nếu cơ thể đang làm việc bình thường, bạn có thể chỉ cần 50% khả năng hiếu khí để làm một việc gì đó, tùy thuộc vào tuổi và giới tính.

Những gì bạn nên làm

Hoạt động với cường độ cao có thể không cần thiết.

Có thể đi bộ với tốc độ nhanh một cách thường xuyên để duy trì khả năng hiếu khí ở người lớn tuổi.

Chăm sóc các cơ

Nếu không được chăm sóc, các cơ sẽ bị yếu dần, giảm khối lượng, mất tính linh hoạt, mất thăng bằng.

Các nghiên cứu cho thấy sức mạnh cơ bắp tối đa đạt được trong những năm chúng ta 20 và 30 tuổi.

Nếu ít vận động, bạn sẽ bắt đầu mất đi sức mạnh của các cơ sau tuổi 50 ở mức 2-5% mỗi thập kỉ.

Nhưng nếu tăng cường vận động cơ bắp thông qua các hoạt động như tập tạ, bạn có thể duy trì sức mạnh và sự linh hoạt các cơ đến tận khi 90 tuổi.

Những gì bạn nên làm

Có chế độ tập luyện hợp lý, có thể học nhảy, chơi các môn thể thao như tennis, bóng chuyền hay yoga để các cơ được hoạt động và rèn luyện liên tục.

Chăm sóc đôi bàn chân

Đôi bàn chân có thể gặp phải các vấn đề như khô da, sưng, cứng khớp, biến dạng khớp ngón chân,...gây đau đớn cho người bị.

Đôi chân của bạn cũng có thể thay đổi kích thước khi bạn già đi do tích nước hoặc dây chằng giãn ra.

Trong nhiều trường hợp, việc đi giày không phù hợp có thể dẫn tới các vấn đề liên quan tới bệnh bunions và hammertoes (biến dạng ngón chân và khớp ngón cái).

Những gì bạn nên làm

Đo kích thước bàn chân hàng năm.

Thay đổi các loại giày và chiều cao của gót chân cho phù hợp.

Với bệnh bunions và hammertoes, có thể lựa chọn loại giày hỗ trợ cùng với nẹp chỉnh để cân bằng vị trí của chân.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo nên giữ ẩm cho chân hàng đêm với sản phẩm tẩy da chết nhẹ nhàng hoặc lotion dưỡng ẩm để giữ cho chúng mềm mại và dẻo dai.

Chăm sóc trái tim khỏe mạnh

Khi chúng ta già, tim có thể làm việc yếu đi gây bệnh tim, đau tim, đột quỵ. 

Các nghiên cứu cho thấy cao huyết áp là thủ phạm số 1 khi nói đến các vấn đề về tim.

Một chế độ ăn quá nhiều natri có liên quan đến cao huyết áp.

Đối với cholesterol, tổng số lượng lí tưởng là dưới 200mg/ dL, với HDL lớn hơn 60 mg/ dL và LDL khoảng 70mg/ dL.

Hai yếu tố nguy cơ này có liên quan mật thiết với nhau. Huyết áp cao gây áp lực lên thành động mạch, sản sinh nhiều cholesterol.

 Điều này thu hút các tế bào viêm, tạo ra mảng bám động mạch có thể dẫn đến cục máu đông, đau tim và đột quỵ. 

Những gì bạn có thể làm

Ăn chế độ ăn uống ít muối và chất béo bão hòa. Tăng cường nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. 

Chăm sóc đôi mắt

Lão hóa cơ thể khiến mắt bị khô, lão thị, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp.

Những người thường xuyên ăn các loại thực phẩm chức chất chống oxy hóa sẽ giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng (một rối loạn dẫn đến mất dần thị lực).

 Axit omega-3 và omega-6 giúp mở ra các tuyến quanh mắt, tăng cường nước giúp cải thiện chứng khô mắt ở nhiều người.

Những gì bạn có thể làm

Gặp bác sĩ chuyên khoa về mắt thường xuyên để nắm bắt dấu hiệu sớm các bệnh về mắt.
 Ăn nhiều rau lá xanh và xem xét việc bổ sung dầu cá. Bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi ánh nắng mặt trời có thể giúp giảm nguy cơ đục thủy tinh thể.

Chăm sóc xương chắc khỏe

Lão hóa cơ thể gây loãng xương và gãy xương.

Ở tuổi 30, cơ thể của bạn ngừng lưu trữ canxi, vì vậy, nếu bạn không bổ sung canxi trong chế độ ăn uống, khung xương của bạn sẽ yếu dần.

Một nguyên nhân khác khiến xương giòn là do chúng ta lười tập thể dục.

Xương là mô sống, giống như cơ bắp, nó cần phải được quan tâm và chăm sóc để phát triển.

 Những gì bạn có thể làm
Có thể vận động cơ thể giúp xương chắc khỏe như chơi quần vợt, thể thao hay đơn giản là nhảy múa. 

Phụ nữ cần từ 1.000 đến 1.200 mg canxi trong chế độ ăn uống hàng ngày hoặc bổ sung vào cơ thể 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D và 350-400 mg magiê.

Phạm Ngà