Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: "Tôi thấy không khó gì để từ chối lời mời rượu, bia"

05/02/2019 08:29
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Lạm dụng rượu bia ở nước ta là nguyên nhân thứ 4 trong 8 yếu tố dẫn đến nguy cơ đối mặt với gánh nặng bệnh tật.

LTS: Tỷ lệ sử dụng bia rượu ngày một tăng đang là vấn đề nhức nhối của nhiều gia đình và toàn xã hội.

Nhân dịp đón xuân Kỷ Hợi, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý độc giả bài viết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về tác hại khi lạm dụng bia rượu.

Lạm dụng rượu bia được hiểu là uống đến liều lượng có hại cho sức khoẻ hay với những người không được uống (như trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú).

Trong thực tế hầu hết người uống rượu bia ở nước ta đều đang ở trong tình trạng lạm dụng rượu bia.

Thống kê cho thấy mỗi năm nước ta tiêu thụ hết 360 triệu lít rượu tự nấu (78%), 82 triệu lít rượu nhà máy (17,7%) và 19 triệu lít rượu cao cấp nhập khẩu (4,9%).

Đáng sợ nhất là lượng bia tiêu thụ ở Việt Nam mỗi năm là trên 3 tỷ lít (đứng đầu ASEAN, thứ 3 Châu Á và thứ 28 trong số 200 quốc gia trên thế giới).

Lạm dụng rượu bia dẫn đến những hậu quả khó lường (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Lạm dụng rượu bia dẫn đến những hậu quả khó lường (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Tôi nhận được câu hỏi: Vì sao các nhà khoa học lại khuyên không nên uống lượng rượu bia chứa quá 10g cồn trong 1 giờ (tức là một đơn vị rượu)?

Tôi phải tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu trên thế giới mới có thể trả lời được. Hoá ra 70-85% lượng rượu, bia được hấp thụ ở tá tràng và phần trên của ruột non; khoảng 20% được hấp thụ ở niêm mạc dạ dày. Sau đó rượu, bia theo tĩnh mạch cửa chuyển về gan.

Tại đây 90% được các enzyme chuyển hoá thành axit axetic vô hại, phần còn lại được đào thải qua phổi và thận.

Để chuyển hoá phần cồn có trong rượu bia cần một lượng thích hợp 3 loại enzyme để chuyển cồn thành acetaldehyde (3 enzym đó là Alcohol dehydrogenase, hệ thống Microsomal Ethanol Oxidase và Catalase).

Tiếp theo để chuyển hoá acetaldehyde thành axit axetic cần đến một loại enzyme khác là Alcohol Dehydrogenase.

Vấn đề phải hiểu là nếu trong một giờ uống quá 1 đơn vị cồn thì sẽ tác hại đến gan, vì lượng enzyme không đủ chuyển hoá lượng cồn quá lớn.

Nhẹ thì dần dần dẫn đến xơ gan, nặng thì từ xơ gan chuyển thành ung thư gan. Ngoài ra còn nhiều tác hại lên những cơ quan khác trên cơ thể.

Liều lượng quy định được gọi là đơn vị rượu. Một đơn vị rượu tương đương với 10g cồn, tức là 2/3 lon bia hay chai bia 330ml, 1 cốc bia hơi (5% cồn), 1 ly rượu vang 100 ml (13,5% cồn), 1 chén rượu cất 30 ml (40-43% cồn).

Trừ trẻ em, sản phụ và người lớn hơn 60 tuổi không được uống quá 14 đơn vị/tuần và 2 đơn vị/ngày; với người dưới 60 tuổi không được uống quá 21 đơn vị/tuần; 3 đơn vị/ngày và 1 đơn vị/giờ.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: "Tôi thấy không khó gì để từ chối lời mời rượu, bia" ảnh 2Tỷ lệ tâm thần do rượu bia đang có xu hướng tăng

Không thực hiện được tiêu chuẩn nói trên thì được gọi là lạm dụng rượu bia và các đồ uống có cồn khác.

Lạm dụng rượu bia ở nước ta là nguyên nhân thứ 4 trong 8 yếu tố dẫn đến nguy cơ đối mặt với gánh nặng bệnh tật (sau nguyên nhân huyết áp cao, hút thuốc lá và suy dinh dưỡng).

Lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân gây ra 30 mã bệnh khác nhau và góp phần cùng các tác nhân gây ra tới 200 mã bệnh khác nữa.

Các bệnh quan trọng liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn là gây xơ gan, ung thư gan, ung thư vú, ung thư thanh quản, thực quản, miệng, hầu, họng, viêm tụỵ cấp và mãn tính, rối loạn tâm thần và động kinh, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đột quỵ…

Ngoài ra, còn cần biết là có tới 60% số vụ tai nạn giao thông, 68% số vụ bạo lực gia đình và 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội có nguyên nhân từ lạm dụng đồ uống có cồn.

Có lẽ tôi khác với số đông thích uống rượu, bia. Hồi còn nhỏ bố tôi khuyên không nên uống rượu, bia.

Lớn lên qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đúng là ít có điều kiện tiếp xúc với rượu, bia, thế nên tôi không thấy thích thú gì khi uống rượu, bia.

Trong trường hợp cần xã giao tôi chỉ nhấp miệng một chút hoặc vờ thay bằng nước khoáng và thực tình là chả thấy ngon lành, thích thú gì.

Tôi đã có lần được Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Trung quốc Quách Mạt Nhược thiết quốc yến với nhiều loại cốc trước mặt.

Tôi thưa là không uống được rượu nên chỉ dám chạm cốc tượng trưng, tôi thấy Quách tiên sinh cũng vui vẻ chấp nhận.

Lên công tác Tây Nguyên qua hai nhiệm kỳ Quốc hội tôi đành phải nói dối là yếu gan để tránh bị bà con ép uống rượu cần.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: "Tôi thấy không khó gì để từ chối lời mời rượu, bia" ảnh 3Đừng phung phí sức khỏe!

Tôi thấy không khó gì để từ chối các lời mời rượu, bia khi mình không uống được hoặc chỉ uống theo quy định chưa phải là lạm dụng (như tiêu chuẩn nói trên).

Tôi thấy hầu như chả có nước nào có phong tục hét Dzô Dzô rồi thi nhau uống càng nhiều càng vui, càng oai như tình trạng đang phổ biến ở nước ta.

Số thanh niên mới lớn hầu như không ai không có cảm tình với bia giống như tôi. Nông thôn thì nơi nơi cất rượu và nơi nơi uống rượu.

Rượu ngoại dù quá đắt tiền nhưng vẫn được nhập đủ loại vào thị trường nước ta và thường được coi là sản phẩm quan trọng trong các món quà dùng để biếu xén.

Bên cạnh việc ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến tai nạn giao thông, đến nhân cách thì lạm dụng rượu, bia cũng dẫn đến tổn thất không nhỏ trong ngân sách gia đình nói riêng và ngân sách quốc gia nói chung.

Chúng ta đừng quên tiêu thụ 3 tỷ lít bia là tương đương với 3 tỷ USD (tương đương với khoảng 3% thu ngân sách cả nước).

Trong khi ngành sản xuất rượu, bia chỉ đóng góp cho ngân sách được có 800 triệu USD mà thôi.

Vấn đề với mọi người là khi đã hiểu rõ tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn thì sẽ tự giác biết điều chỉnh hành vi và mức độ của mình đối với rượu bia và các đồ uống khác chứa cồn.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng