Giật mình tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh tại Việt Nam do rượu bia

08/09/2016 13:23
Lê Phương
(GDVN) - Kết quả điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 ở Việt Nam cho thấy hiện còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Đánh giá về tình trạng bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam hiện nay, GS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng "kép" về bệnh tật.

Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đang giảm, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng.

“Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% các trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó đứng đầu là tử vong do tim mạch sau đó là các bệnh ung thư, đái tháo đường và bệnh đường hô hấp mạn tính.

Các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh là do liên quan đến: Hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu-bia và chế độ ăn không hợp lý”, Thứ trưởng Long cho hay.

GS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đang giảm, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Ảnh: L.P.
GS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đang giảm, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Ảnh: L.P.

Theo GS. Long, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm gây ra sự gia tăng nhanh chóng chi phí khám chữa bệnh và quá tải bệnh viện. Chi phí điều trị cho bệnh không lây nhiễm trung bình cao gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ bị biến chứng.

“Chính vì lý do trên, năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố “Bệnh không lây nhiễm là vấn đề ưu tiên của toàn cầu và khu vực, bệnh không lây nhiễm là khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Thái Bình Dương", GS. Long nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo kết quả điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam năm 2015, nhiều người không khỏi giật mình khi 77,3% số nam giới và 11,0% số nữ giới hiện tại đang sử dụng rượu bia, tỷ lệ chung cho cả hai giới là 43,8% và có hướng tăng theo thời gian.

Tỷ lệ sử dụng rượu bia là vậy, nhưng đáng buồn là tỷ lệ ăn thiếu rau và trái cây đang ở mức báo động. Theo đó, 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây theo khuyến cáo của WHO, tỷ lệ này ở nam giới cao hơn nữ giới.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, việc sử dụng thiếu rau và trái cây, đồng nghĩa với việc thiếu chất xơ sẽ gây nhiều tác hại cho cơ thể, đặc biệt là có thể thúc đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển bệnh ung thư.

Ngoài hai vấn đề trên, các yếu tố như việc người dân sử dụng muối, tỷ lệ thừa cân béo phì, tăng đường huyết, tăng cholesterol trong máu... hiện đang ở mức quá cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều căn bệnh không lây nhiễm gia tăng.

Trước thực tế trên, các chuyên gia khuyến cáo, để tăng cường can thiệp phòng chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, cần đặc biệt chú trọng đến các chính sách pháp luật về phòng chống rượu bia, thuốc lá như: kiểm soát quảng cáo khuyến mại rượu, kiểm soát giờ và điểm bán rượu bia, ...

Ngoài ra, cần can thiệp hiệu quả nhằm giảm tiêu thụ muối thông qua các chương trình giáo dục, truyền thông, cảnh báo về tác hại của việc ăn nhiều muối đối với sức khỏe ngay trên bao bì...

Lê Phương