Hiệu quả rõ rệt từ đề án Bệnh viện vệ tinh

01/05/2016 08:28
Linh Phương
(GDVN) - Sau 3 năm thực hiện bệnh viện vệ tinh, theo các bệnh viện tuyến trung ương mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt...

Bệnh nhân chuyển tuyến đã giảm, tuyến dưới đã làm chủ được các kỹ thuật khó.

Nỗ lực không ngừng

Thực hiện Quyết định số 92/TTg ngày 9/1/2013 về việc Phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020, ngày 11/3/2013, Bộ trưởng Bộ y tế đã ký ban hành Quyết định 774/QĐ-BYT phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, với mục tiêu chung là nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp thiết bị y tế, giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên.

Trước mắt ưu tiên 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi.

Việc triển khai hiệu quả Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh trong thời gian qua đã góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: giadinh.net.vn.
Việc triển khai hiệu quả Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh trong thời gian qua đã góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: giadinh.net.vn.

Trong đó quy định bệnh viện hạt nhân là bệnh viện tuyến trên có đủ năng lực, được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh để giúp bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Giáo sư Trần Bình Giang là một trong những bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức gắn bó với công tác chỉ đạo tuyến, trong đó có đề án bệnh viện vệ tinh với công tác chuyển giao kỹ thuật mới cho tuyến dưới.

Giáo sư Giang kể, nếu như hơn mười năm về trước, Bệnh viện Việt Đức chỉ loay hoay mổ cấp cứu cho bệnh nhân vì thực tế bệnh nhân chuyển tuyến luôn quá tải.

Hầu như cứ tai nạn là bệnh nhân được chuyển thẳng về bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ đều quay cuồng vào tiếp nhận bệnh nhân và mổ cấp cứu.

Bao năm liền bệnh viện không triển khai được kỹ thuật mới nào. Đến khi xác định phải chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho tuyến dưới thì đến nay các bệnh viện Vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức đã làm chủ được công nghệ, số bệnh nhân của các tỉnh này giảm chuyển tuyến rõ rệt. Bệnh viện đã có thời gian để phát triển kỹ thuật chuyên sâu như ghép tạng.

Các kỹ thuật phẫu thuật khó như phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi trước đây tại BV Đa khoa tỉnh Hà Giang 100% bệnh nhân phải chuyển tuyến thì đến nay chỉ còn 30%. Tại Lào Cai, 100% chuyển tuyến đến nay còn 20%, tại Bắc Giang còn 40% bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Trước đây, với chấn thương này đã số bệnh nhân chuyển về đến Việt Đức là phải cắt bỏ chân vì đã bị hoại tử. Đây là kỹ thuật khó nhưng cần phải được xử lý tại chỗ vì chân chỉ cần 6 tiếng không được nuôi là bị hoại tử.

Kỹ thuật mổ máu tụ trong não trước chuyển giao 1 năm tại Quảng Ninh có 14% phải chuyển về tuyến trên thì nay không còn bệnh nhân nào phải chuyển, tại Thái Bình và Lào Cai cũng tương tự các bệnh viện đã làm chủ kỹ thuật này.

Học nghề nhờ cầm tay chỉ việc

Nói về đề án Bệnh viện vệ tinh, Bác sĩ Nguyễn Đức Hoành - Trưởng khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch, lồng ngực của Bệnh viện Thuỵ Điển – Uông Bí, Quảng Ninh cho biết, theo kế hoạch của đề án Bệnh viện vệ tinh, các bác sĩ bên cạnh được cử đi đào tạo thường xuyên, các bác sĩ còn được các thầy tuyến trên về tận nơi “cầm tay chỉ việc” nên chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, đồng thời tự tin hơn khi thực hiện các kỹ thuật mới.  

Được biết, dù mới được thành lập tháng 4/2015 nhưng Khoa đã triển khai, làm chủ được nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu như: Đặt stent động mạch vành, động mạch chủ; mổ cắt phổi, thuỳ phổi; bắc cầu động mạch; thông tĩnh mạch; xử lý vết thương tim; đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn...

Mới đây nhất là thực hiện thành công phẫu thuật lõm ngực và dự định trong năm nay 2016, bệnh viện sẽ tiến hành phẫu thuật tim hở. 

Ngoài ra, các phương pháp điều trị hiện đại khác như nút mạch gan trong điều trị ung thư hay nong can thiệp động mạch ngoại biên, suy tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch chi, đặt bit-coils… đã được thực hiện thường quy tại bệnh viện.

Có thể nói, đây được xem như một bước tiến lớn trong công tác khám, điều trị cho bệnh nhân của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và cũng là tin vui cho người bệnh khu vực Đông Bắc của tổ quốc.

Đây là một trong những thành tựu của bệnh viện vệ tinh, người dân không còn phải lên tận Trung ương mà vẫn được hưởng các dịch vụ kỹ thuật y khoa như tuyến trên.

Linh Phương