Ma túy, mại dâm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh

28/05/2018 17:19
Trúc Diệp
(GDVN) - Chiều 28/5/2018, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh về phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm.

Báo cáo trước Đoàn đại biểu Ủy ban Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội cho biết, tình hình ma túy tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa có chiều hướng giảm, diễn biến vẫn phức tạp; tiếp tục xu hướng gia tăng số vụ mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần và xuất hiện nhiều loại ma túy mới.

Số người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố có hồ sơ quản lý tăng. Số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá) rất nguy hiểm và diễn biến phức tạp.

Cụ thể trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã điều tra khám phá 1.407 vụ (giảm 130 vụ,  tỷ lệ 8,46% so với cùng kỳ năm 2016), bắt 3.160 đối tượng (giảm 16 đối tượng, tỷ lệ 0,5% so với cùng kỳ năm 2016) có hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Trong đó, số vụ liên quan đến mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy là 1.306 vụ, 2.631 đối tượng (giảm 151 vụ, tăng 123 đối tượng so với cùng kỳ) và 101 vụ, 529 đối tượng liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 21 vụ, giảm 139 đối tượng so với cùng kỳ).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác y tế tại cơ sở. ảnh: moh.gov.vn
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác y tế tại cơ sở. ảnh: moh.gov.vn

Về hoạt động mại dâm, đại diện Thành phố Hồ Chí Minh tự đánh giá vẫn còn diễn biến khá phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh núp bóng, trá hình như: kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, hớt tóc thanh nữ, massage, karaoke…

Công an thành phố đã triệt phá 140 vụ tổ chức môi giới mại dâm, xử lý 734 đối tượng. Công an các quận, huyện đã tổ chức kiểm tra hành chính 2.142 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện (gồm 24 quán bar, 111 nhà hàng, 195 quán karaoke, 877 khách sạn và 935 cơ sở dịch vụ khác).

Về tình hình HIV, tính đến hết tháng 3, thành phố có số người nhiễm HIV lũy tích là 57.475 người, trong đó còn sống 46.853 người. Toàn thành phố có 24/24 quận huyện có người nhiễm HIV/AIDS.

Tỷ lệ hiện nhiễm là 693 người mắc trên 100.000 dân. So với toàn quốc, số người nhiễm HIV tại thành phố chiếm 23% số người nhiễm.

Phân bố người nhiễm HIV còn sống trên Thành phố Hồ Chí Minh đến hết tháng 03/2018 ở nam giới chiếm 76,7%, tập trung chủ yếu ở độ tuổi 30-39. Về đường lây, chủ yếu qua máu, quan hệ tình dục không an toàn, trong đó 41% không rõ nguyên nhân.

Số người nhiễm HIV phát hiện mới từ đầu năm đến hết tháng 3 là 444 người, nam giới chiếm hơn 80%, tuổi chủ yếu từ 16-29, đường lây chính là quan hệ tình dục không an toàn (chiếm 60,4%).

Đối với nhóm nguy cơ cao, qua triển khai giám sát ghi nhận tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm chích ma túy giảm, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV nhóm phụ nữ bán dâm lại tăng so với năm 2017. Số người mắc bệnh trong nhóm đồng tính nam tăng nhanh trong hai năm gần đây.

Giải thích về những hạn chế trong công tác phòng chống HIV, ma túy và mại dâm, phía Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS có nơi, có lúc còn chưa thường xuyên, sâu rộng và cụ thể trong nhân dân, nên một bộ phận người dân còn chủ quan, sơ hở, mất cảnh giác tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động.

Việc vận động nguồn kinh phí ngoài xã hội hỗ trợ hoạt động phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại các địa bàn quận, huyện chưa được triển khai thực hiện hiệu quả.

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, bên cạnh mặt tích cực, thành phố phải đối mặt với tình hình phức tạp của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy; tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng, có nhiều loại ma túy mới xuất hiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ và phức tạp.

Việc triển khai thực hiện đề án đổi mới công tác cai nghiện gặp khó khăn do các Bộ - Ngành chưa ban hành kịp thời, đầy đủ các tài liệu, chương trình và phương pháp điều trị nghiện, các biện pháp dự phòng và điều trị nghiện ma túy thống nhất theo hướng đổi mới;

Công tác cai nghiện tại cộng đồng được chỉ đạo quyết liệt nhưng gặp nhiều khó khăn như người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng, hơn nữa người nghiện ma túy tổng hợp chiếm khoảng 60-70%, họ dễ bị kích động, loạn thần không làm chủ được hành vi nên không tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng và dễ gây ra hành vi vi phạm pháp luật, gây nhiều hệ lụy cho xã hội…

Về công tác phòng, chống mại dâm, một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống mại dâm trong tình hình mới; đồng thời chưa có biện pháp chế tài về xử lý đối với các đối tượng hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm chuyển giới và các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục.

Trong khi đó, những hành vi này hiện nay đang diễn ra rất phổ biến trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở massage, xông hơi, xoa bóp, karaoke, hớt tóc gội đầu, cà phê đèn mờ… nhằm mục đích cạnh tranh để câu kéo khách.

Về công tác phòng, chống HIV/AIDS, theo ước tính, vẫn còn số lượng lớn người nhiễm HIV ở cộng đồng.

Sự kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng, đặc biệt là các cơ sở y tế sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm, điều trị, khống chế lây nhiễm HIV.

Các Trung tâm Y tế quận, huyện đã được kiện toàn, nhưng việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS thông qua quỹ bảo hiểm y tế chi trả vẫn chưa được triển khai do các cơ sở y tế này đang tiến hành hoàn tất các thủ tục để ký kết hợp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến góp ý với địa phương nên khuyến khích tăng cai nghiện tự nguyện. ảnh: moh.gov.vn
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến góp ý với địa phương nên khuyến khích tăng cai nghiện tự nguyện. ảnh: moh.gov.vn

Trước khi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Y tế cùng đoàn công tác đã làm việc với cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và điều trị HIV/AIDS bằng ARV tại Trung tâm Y tế Dự phòng Quận Gò Vấp; đồng thời kiểm tra công tác cai nghiện tại cơ sở Xã hội Nhị Xuân (Hóc Môn).

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS  và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đánh giá cao tính toàn diện, đầy đủ trong báo cáo của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm.

Bộ trưởng lưu ý trong điều trị ma túy, Thành phố Hồ Chí Minh không nên cho rằng những người nghiện ma túy đá là không nghiện thuốc phiện, chính vì vậy, công tác điều trị Methadone cần được tăng cường đảm bảo cho cả nhóm này.

Về điều trị HIV, cần mở rộng việc điều trị HIV xuống trạm y tế xã phường. Tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền giảm tác hại bởi đây là khâu quan trọng giúp khống chế số lượng người mắc mới.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng góp ý nên khuyến khích tăng cai nghiện tự nguyện, tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước nếu gia đình không có điều kiện.

Cần tăng cường dự phòng bằng cách tuyên truyền người dân, ngăn mua bán ma túy hơn là phát hiện người nghiện rồi mang đi cai nghiện.

Trúc Diệp