Nhận diện những hóa chất cực độc dùng bảo quản thực phẩm

08/10/2014 09:24
QUÁCH HOÀNG (TH)
(GDVN) - Nitrit và nitrat, formaldehyt (thường gọi là foc-môn)… là những chất cực độc và có thể gây ung thư, quái thai, tử vong…
Các hóa chất bảo quản
Có nhiều cách được áp dụng để bảo quản thực phẩm như phơi, sấy khô, làm lạnh, đóng bao gói, muối và ngâm tẩm hóa chất. Mỗi một phương pháp có những ưu điểm và nhược điểm riêng, trong đó việc sử dụng hóa chất bảo quản là một biện pháp hiện đại, tiện ích và lợi điểm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực tế cho thấy, mục đích khi bảo quản thực phẩm bằng hóa chất không những giúp để được lâu hơn mà còn vì mục đích lợi nhuận. Các hóa chất bảo quản có thể là những hợp chất tự nhiên nhưng cũng có khi là những hợp chất hóa học tổng hợp. 

Những hợp chất bảo quản tự nhiên thường lưu giữ được dưỡng chất và mùi vị của thực phẩm và ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên được khuyên dùng. Nhưng do giá thành đắt nên đã không ít người sử dụng hóa chất bảo quản tổng hợp vì giá rẻ hơn rất nhiều.

Hiện nay, các loại hóa chất thường được nhưng kẻ trục lợi dùng để bảo quản thực phẩm như: axit benzoic, axit ascorbic (vitamin C), sulfur dioxit (SO2), BHA (butyl hydroxyanisol), các chất kháng khuẩn như canxi propionat, natri nitrat (NaNO3), natri nitrit (NaNO2), K2-EDTA. Ngoài ra còn một số chất khác cũng đã từng xuất hiện như: formaldehyt, glutaraldehyt để diệt côn trùng, rượu ethanol và metyl chloro isothiazolinon...

Axit benzoic.
Axit benzoic.
Tùy loại thực phẩm mà người ta chọn loại hóa chất nào. Với rau củ quả, người ta thường sử dụng các hợp chất của bromit vì chúng có thể ức chế hoạt động của enzym phân hủy và ngăn ngừa sự tác động của vi sinh vật. Các chất khác cũng được sử dụng là acrylonitrit, carbon disulfit, carbon tetraclorit, etylen dioxit, hydro cyanit, phosphin, sulfuryl florit... áp dụng với các loại quả như nho, chuối, cam, chanh...
Với bảo quản ngũ cốc, người ta thường sử dụng phương pháp phơi và sấy khô. Trong một số trường hợp, người ta sử dụng hoá chất mà hay gặp là cloro pyrifot metyl, methyl bromide (CH3Br) và phosphin.
Việc bảo quản thịt cá thường là khó nhất vì hàm lượng nước, hàm lượng đạm và chất béo cao. Chúng lại có nhiều men phân huỷ nên việc bảo quản không đơn giản. Người ta thường dùng clorin và clorin dioxit. Hai chất này có khả năng diệt vi khuẩn E. coli, listeria monocytogenes, pseudomonas, lactobacillus, E. coli, salmonella, aeromonas hydrophila. Người ta cũng sử dụng một số chất khác như axit lactic, axit axetic, axit propionic và các hợp chất nitrat.
Mục đích sử dụng hóa chất bảo quản đó là làm bất hoạt các enzym phân hủy tự có trong thực phẩm, ức chế sự phá hủy của các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, mốc, ngăn ngừa côn trùng phá hoại.

Hóa chất bảo quản thực phẩm gây ung thư, quái thai

Táo, lê, cam, quýt kể cả nho bày bán cả tháng trời nhưng vẫn không hề hư hỏng và màu sắc vẫn không thay đổi nhiều. Đặc biệt là trái cây nhập ngoại lưu thông trên thị trường nhiều ngày do tốn thời gian vận chuyển nên hầu hết đều được giới kinh doanh trái cây phun lên một lớp hóa chất bảo quản giữ trái cây tươi lâu.

Theo giới chuyên môn, các loại hóa chất này có tác dụng vừa chống mốc vừa bảo quản hàng hóa lâu bị hư hại. Hóa chất này có gốc clo, peroxit rất độc hại cho người sử dụng vì nó không mùi, không vị, không màu nên rất khó phát hiện. Những loại hóa chất này thẩm thấu rất mạnh vào bên trong củ quả. 

Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó Khoa Công nghệ Hóa học Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết các chất trên “bị” đưa vào củ quả ngoài tính chất diệt côn trùng, diệt tất cả vi khuẩn (kể cả vi khuẩn có lợi) nên ngăn chặn được quá trình chuyển hóa các tế bào, các vitamin bị chậm chuyển hóa cũng như chống ôxy hóa làm củ quả tươi lâu.

Thông tin từ Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho thấy, tại một số địa phương ở các tỉnh phía Bắc, nhất là vùng giáp biên giới, người ta còn sử dụng cả chất 2,4D (thuốc diệt cỏ) để tẩm ướp củ quả nhằm mục đích bảo quản được lâu. 

Theo tiến sĩ Lê Quang Hưng, Trưởng Bộ môn Cây công nghiệp Đại học Nông Lâm TPHCM, chất 2,4D nếu sử dụng liều lượng cao sẽ có công dụng diệt cỏ. Sử dụng nồng độ thấp sẽ trở thành chất kích thích cực mạnh làm cho củ quả tăng kích thước nhanh bất thường. Ngoài ra, còn có công dụng làm chậm quá trình lão hóa, tươi lâu cũng như giữ được màu sắc củ quả khá tốt. Nó còn diệt cả côn trùng, vi khuẩn... nên bị giới kinh doanh trái cây lợi dụng.

Theo các chuyên gia hóa học, hai chất NaNO3 và NaNO thường được sử dụng để bảo quản thực phẩm là nhóm tác nhân có thể gây ra ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng bởi nó có thể gây ra đột biến DNA và sự thoái biến tế bào. 

Bên cạnh đó người ta cũng thấy hợp chất này có nguy cơ gây ra các biến thể bệnh lý khác của DNA như bệnh Alzheimer, Parkinson do nó làm sai lạc hay biến đổi DNA bởi tác dụng của các nitrosamin, các hợp chất sinh ra khi thêm các nitrat vào những thực phẩm giàu protid.

Ngoài ra chúng còn gây ra các biểu hiện của nhiễm độc thực phẩm và thiếu máu do thiếu hemoglobin, giảm hàm lượng phosphat và magie máu, tăng hàm lượng canxi huyết. Ở hệ thống da, niêm mạc, chúng gây tăng tiết và làm tăng kích thích như tăng tiết dịch phế quản. Trên phụ nữ có thai, chúng là tác nhân gây ra quái thai. Do đó mà liều cho phép với chất này là dưới 50mg/l nước.

Khác với các hợp chất nitrit và nitrat, formaldehyt (thường gọi là foc-môn) là một chất cực độc và có thể gây tử vong. Đây là một hợp chất vẫn dùng để ướp xác. Nếu sử dụng hoá chất này trong xử lý thực phẩm, thực phẩm có thể lưu giữ được thời gian vô cùng lâu. Nhưng tác hại mà nó gây ra thì cũng vô cùng lớn. 

Nếu cố tình dùng quá nhiều trong công nghệ xử lý thì nó có thể gây tử vong do ngộ độc. Chỉ cần đạt 0,5 – 0,8µg/kg là đã đủ gây chết một nửa động vật thực nghiệm. Mặc dù tác dụng gây ung thư không mạnh và không rõ ràng nhưng tác dụng gây quái thai thì không cần phải bàn. 
Đây là một chất hoá học gây quái thai mạnh, ngay từ liều nhỏ, chưa đến 200µg/kg. Về tác hại trên các mô bề mặt như da, niêm mạc, đây là một chất kích thích mạnh. Hơi của chúng hoặc mùi của chúng dễ dàng làm chảy nước mắt, nước mũi, dịch phế quản. Các tác hại khác có thể gặp đó là kích ứng da, viêm da, giảm tế bào lympho ngoại vi. Một số báo cáo cho thấy nó có thể làm biến đổi DNA.

Để chứng minh tác hại của hoá chất bảo quản khi lạm dụng, chúng ta cùng xem tác động của clorin, là một chất bảo quản thịt hay được dùng. 

Chất này có khả năng gây kích thích mạnh hệ hô hấp. Mặc dù không có những bằng chứng rõ ràng về ung thư và quái thai nhưng đây là một chất oxy hoá mạnh và có thể gây ra các phản ứng viêm trong phổi. Ở một nồng độ cao hơn 60ppm thì nó có thể gây ra phá huỷ phổi. Nếu chúng ta hít thở với nồng độ trên 1000ppm hoặc ăn vào với một hàm lượng tương đương thì có thể gây tử vong tại chỗ. Điều đó cho thấy, clorin là một chất cực độc.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, formaldehyde là chất kịch độc, không được sử dụng cho bất kỳ sản phẩm nào, đồng thời không được sử dụng làm phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, vì có tính sát trùng cao nên vẫn được gian thương sử dụng. Các loại thực phẩm được ngâm formaldehyde sẽ kích thích gây cay niêm mạc mắt, đỏ mắt, kích thích đường hô hấp trên gây chảy mũi, viêm thanh quản, viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm phổi. Đây cũng là một chất hoá học gây ra tình trạng quái thai rất mạnh.

Một loại chất nữa thường được sử dụng trong bảo quản thịt đó là clorin, chất này có khả năng gây kích thích mạnh hệ hô hấp. Ở một nồng độ cao hơn 60ppm thì nó có thể gây ra phá huỷ phổi. Nếu chúng ta hít thở với nồng độ trên 1000ppm hoặc ăn vào với một hàm lượng tương đương thì có thể gây tử vong tại chỗ. Điều đó cho thấy, clorin là một chất cực độc.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để bảo vệ sức khỏe cách tốt nhất là sử dụng thực phẩm tươi, không nên sử dụng thực phẩm có hoá chất bảo quản mà không rõ nguồn gốc. 

Với một quả cam hay quả táo để hàng tháng không ủng, bạn hãy thận trọng vì rất có thể chúng chứa một lượng cao các chất bảo quản. Hãy tránh xa những thực phẩm ôi thiu đã được tẩy mùi làm “tươi” lại, vì rất có thể hôm nay chúng ta ăn, ngày mai chúng ta mắc bệnh.

QUÁCH HOÀNG (TH)