Những kẻ biến chất!

11/08/2018 06:00
Trần Phương
(GDVN) - Ai từng đến với bệnh viện mới cảm nhận rõ rằng đôi khi chỉ nhìn thấy bóng áo trắng của bác sĩ thôi hi vọng về sự sống đã mãnh liệt đến chừng nào.

Trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành y tế vẫn đang nỗ lực hoàn thành vai trò, trách nhiệm trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng y tế, từng bước giảm quá tải bệnh viện.

Tuy nhiên, đi ngược với sự nỗ lực của toàn ngành y tế, vẫn có những cá nhân nhân viên y tế, y, bác sĩ bị ma lực của đồng tiền chi phối, khiến y đức đang bị mai một, xuống cấp nghiêm trọng.

Tiền bạc, quà cáp đôi khi làm thay đổi tiêu chí đối xử và chất lượng điều trị bệnh của một số thầy thuốc.

Thậm chí có trường hợp cấp cứu, vì không có tiền trả viện phí nên thầy thuốc thờ ơ, bỏ mặc bệnh nhân.

Và mới đây nhất, dư luận đã bàng hoàng khi cơ quan công an thông tin về đường dây “chạy” bệnh án tâm thần cho tội phạm.

Y đức của một số người đã bị phủ mờ bời đồng tiền? (Ảnh minh họa: Khiêu)
Y đức của một số người đã bị phủ mờ bời đồng tiền? (Ảnh minh họa: Khiêu)

Cụ thể, ngày 9/8, cơ quan Công an thành phố Hà Nội thông báo về việc đối tượng Lê Thanh Tùng (sinh năm 1986, ở Cầu Dền, Hai Bà Trưng), là đối tượng cộm cán cầm đầu nhóm đối tượng gây ra vụ án cố ý gây thương tích, có tính chất băng nhóm thanh toán lẫn nhau. Sau khi gây án, Trung đã xuất trình bệnh án tâm thần.

Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan công an cho thấy, Lê Thanh Tùng đã bỏ ra 85 triệu đồng để có hồ sơ bệnh án với kết luận bị "tâm thần phân liệt thể hoang tưởng".

Ngay sau đó, Giám đốc Công an thành phố và Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra đã chỉ đạo Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra lập chuyên án đấu tranh.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 đối tượng là cán bộ và nhân viên bệnh viện tâm thần để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội.

Những kẻ biến chất! ảnh 2Chùm ảnh: Công việc thầm lặng của các bác sĩ có bệnh nhân đặc biệt

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.

Việc nhân viên y tế cung cấp giấy chứng nhận tâm thần giả cho đối tượng cộm cán đã khiến dư luận rất bất bình.

Trước đây, không ít lần báo giới lên tiếng cảnh báo về một số đối tượng giang hồ sử dụng “bằng điên” – Giấy chứng nhận bệnh án tâm thần để tác oai, tác quái gây bất bình trong dư luận.

Những hành động của những cá nhân này đang đi ngược lại nỗ lực của cả ngành y và hàng triệu đồng nghiệp khác.

Những hành động xấu xí như vậy của một số nhân viên y tế, bác sĩ đã khiến bệnh nhân từ chỗ coi thầy thuốc là ân nhân chuyển thành “oán nhân”,đồng thời bác sĩ cũng trở thành những kẻ tội đồ, bị dư luận lên án.

Nhưng trên thực tế cần phải khẳng định rằng những vụ việc đó chỉ là cá biệt, thiểu số, những thầy thuốc đó chỉ là vài "con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành y tế vì nhân dân phục vụ.

Ai từng đến bệnh viện cũng cảm nhận rõ rằng, với bệnh nhân đôi khi chỉ cần loáng thoáng nhìn thấy bác sĩ trực đi ngang qua phòng của mình giữa đêm hay ghé vào hỏi thăm một câu cũng đủ để làm cho cơn đau dịu lại.

Chiếc áo trắng của bác sĩ trở thành biểu tượng về niềm hy vọng, sự an tâm và cứu rỗi của họ và người nhà.

Thế nhưng cũng thật đáng tiếc khi khi xã hội ngày càng phát triển thì có những cán bộ trong ngành y sẵn sàng vì tiền mà đạp lên danh dự của chính bản thân, gây tiếng xấu cho đồng nghiệp.

Việc giúp cho những kẻ trộm cướp, những đối tượng giang hồ cộm cán có thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật bằng tấm “bằng điên” là quá tàn nhẫn với những người đã bị chúng hãm hại. Và, chúng sẽ còn phá tan nát biết bao gia đình, phá vỡ sự bình yên của xã hội, cuộc sống của bao người dân lương thiện đến bao giờ?

Giấy chứng nhận tâm thần đang trở thành kim bài cho những kẻ xấu. (Ảnh minh họa:LC)
Giấy chứng nhận tâm thần đang trở thành kim bài cho những kẻ xấu. (Ảnh minh họa:LC)

Nói về sự việc, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Thu - Phó Giám đốc bệnh viện tâm thần Mai Hương đánh giá đây là sự việc rất xấu xí của ngành y.

“Trong trường hợp này, các nhân viên y tế đã không thoát khỏi sự cám dỗ của đồng tiền cho nên đã biến chất.

Nhưng cũng phải nhìn nhận sự việc xảy ra như vậy cũng cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu. Việc quản lý lỏng lẻo đã khiến nhân viên cấp dưới thấy được kẽ hở để làm những việc xấu xí như vậy.

Cũng cần phải nhìn nhận rằng đây là hậu quả của việc quan liêu, bao cấp khi những thủ tục hành chính tưởng chặt nhưng hóa ra lại lỏng lẻo.

Việc quan trọng giấy tờ hơn người thực đã khiến các đối tượng lợi dụng”, bác sĩ Thu nêu quan điểm.

Cũng theo bác sĩ Thu, để một quy trình chứng nhận cho bệnh nhân tâm thần tại bệnh viện tâm thần Mai Hương phải trải qua các quy trình như: “Bệnh nhân được kết luận tâm thần hay không cần phải điều trị nội trú ít nhất một tháng.

Sau khi có bệnh án, kết quả điều trị, kết quả khám, kết quả xét nghiệm, hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ họp hội chẩn và đưa ra kết luận.

Quyết định bệnh nhân bị tâm thần hay không là kết quả của trí tuệ của tập thể không phải thăm khám chủ quan của cá nhân”, bác sĩ Thu cho biết.

Nói về sự việc các nhân viên y tế làm giả chứng nhận tâm thần, Bác sĩ Thu lấy làm tiếc và buồn cho đồng nghiệp đã không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thu cũng cho rằng các cơ quan y tế cũng cần quan tâm đến đời sống của bác sĩ tâm thần nhiều hơn bởi ở Việt Nam hiện nay, đời sống các bác sĩ tâm thần còn nhiều khó khăn.

Theo Bác sĩ Thu đánh giá sức khoẻ tâm thần cần được coi trọng ngang với sức khoẻ thể chất.

Có lẽ đã đến lúc nên nhìn nhận về nghề y một cách thiết thực và giản dị hơn.

Mối quan hệ của thầy thuốc với bệnh nhân nên bắt đầu là mối quan hệ của một người làm nghề với khách hàng của mình.

Biết đâu, sự tôn trọng đôi khi đơn giản sẽ bắt đầu chính từ lợi ích của cả từ hai phía.

Hippocrates từng nói: “Nghệ thuật của y học là nghệ thuật của tình yêu thương nhân loại”.

Vì đồng tiền mà tiếp tay cho tội phạm thì tình yêu thương ở chỗ nào.

Lỗ hổng từ pháp lý

Trong khoản 1 Điều 13 Bộ luật hình sự hiện hành quy định, nếu đúng tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, những người phạm tội là người không có năng lực hành vi dân sự (tức là bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh nào đó gây hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự) thì họ không phải chịu trách nhiệm về hình sự.

Chính vì quy định này mà nhiều người đã dùng bệnh án tâm thần như “kim bài miễn tử”, thậm chí còn thủ sẵn “bảo bối” này ngay cả trước khi chưa gây án.


Trần Phương