Phòng và điều trị bệnh viêm não Nhật Bản

04/06/2014 07:18
Bình An (Tổng hợp)
(GDVN) - Điều trị viêm não cần được thực hiện tại bệnh viện có đủ phương tiện theo dõi cũng như can thiệp kịp thời.

1. Phương thức lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Các loài chim hoang dã như các loài cò, diệc, cò quăm, liếu điếu... và các loài chim khác sống gần các vùng đầm lầy là những vật chủ quan trọng mang mầm bệnh virut viêm não Nhật Bản. Các nhà khoa học đã xác định được virut viêm não Nhật Bản hiện diện trong nội tạng của các chim hoang dã. Mặc dù mang mầm bệnh trong máu kéo dài nhưng các loài chim này lại không có biểu hiện bệnh lý và nó là nguồn lây nhiễm virut cho các loài muỗi sống trong thiên nhiên. Các loài chim di trú có thể lây truyền mầm bệnh virut từ vùng này qua vùng khác.

Hiện nay, người ta đã phát hiện được có 30 loài muỗi khác nhau thuộc 5 họ Culex, Anopheles, Aedes, Mansonia và Amergeres là trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản do virut. Trong đó có 2 loại Culex tritaeniorhynchus và Culex vishnui là muỗi có khả năng truyền bệnh cao. 

Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.
Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định muỗi Culex tritaeniorhynchus là trung gian truyền bệnh chính lan truyền virut viêm não Nhật Bản tại Việt Nam. Culex tritaeniorhynchus sinh sản tại mương máng, đồng ruộng ngập nước, về đêm muỗi cái ưa hút máu động vật có xương sống như gia súc, chim và cả người, sau đó bay tản phát đi xa. 

Muỗi hút máu động vật là lợn, chim trong thời kỳ nhiễm virut ở trong máu, virut phát triển nhanh trong cơ thể muỗi với hiệu giá cao, sau đó có khả năng truyền bệnh suốt đời và có thể truyền virut sang thế hệ sau qua trứng. Muỗi truyền mầm bệnh virut từ chim sang lợn và người khi đốt máu. Muỗi cũng có thể truyền mầm bệnh virut từ lợn sang người.

2. Phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Phòng bệnh viêm não Nhật Bản tốt nhất là bằng cách tiêm vaccin phòng viêm não Nhật Bản để tạo nên miễn dịch cho trẻ em ở một số nước châu Á, nơi có bệnh lưu hành. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não Nhật Bản nên biện pháp phòng bệnh vẫn là giải pháp cần thiết.

Có thể phòng bệnh bằng cách mặc áo quần bảo hộ, dùng hóa chất xua muỗi, lưới bảo vệ nhà cửa, màn chống muỗi, hương xua muỗi và tránh các hoạt động ở ngoài trời vào buổi chiều khi không cần thiết. Việc dùng hóa chất phun tồn lưu nhà cửa, chuồng gia súc ở các vùng nông thôn để phòng chống muỗi Culex, trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường không có hiệu quả do tập tính đốt người và trú ẩn ngoài nhà của loài muỗi này. 

Ở một số vùng, có thể phòng chống bệnh bằng cách thả cá ăn bọ gậy, biện pháp làm hạn chế nơi muỗi đẻ trứng ở ruộng lúa và hệ thống mương máng. Việc phun hóa chất để diệt muỗi trú ẩn ngoài trời chỉ áp dụng khi xảy ra dịch. Ở những vùng có bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành, cần nhốt gia súc và làm chuồng gia súc cách xa nhà ở; đặc biệt là đối với loài lợn.

3. Điều trị bệnh viêm não Nhật Bản

Điều trị viêm não cần được thực hiện tại bệnh viện có đủ phương tiện theo dõi cũng như can thiệp kịp thời. Điều trị gồm theo dõi và kiểm soát huyết áp, tần số tim, hô hấp, rối loạn nước-điện giải và nhất là chống phù não.

Ngoại trừ trường hợp viêm não do herpes simplex virus, hấu hết các trường hợp viêm não không cần dùng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng. Có thể dùng corticosteroid, các dung dịch ưu trương để điều trị phù não. Các thuốc an thần và chống co giật sử dụng khi có co giật.

Trong trường hợp nặng có rối loạn hô hấp, tuần hoàn, bệnh nhân cần điều trị tích cực như thông khí nhân tạo, chống sốc...

Bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn không di chứng tuy nhiên trong các trường hợp khác như viêm não do herpes simplex virus, viêm não Nhật bản B, viêm não do virus ruột tình trạng tổn thương tế bào não cũng như phù não gây nên các di chứng nặng nề như suy giảm khả năng học tập, mất trí nhớ, mất khả năng kiểm soát vận động cơ, động kinh, thay đổi nhân cách… Trẻ nhỏ dưới một tuổi thường có nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể đưa đến bại não. Trường hợp viêm não tổn thương nặng đến thân não, nơi có trung tâm hô hấp, tuần hoàn, điều nhiệt… bệnh nhân dễ tử vong.

Bình An (Tổng hợp)