Phụ nữ mang thai không nên ăn Sushi?

15/05/2017 15:30
Trúc Diệp (THEO HEALTH MAGAZINE)
(GDVN) - Ký sinh trùng có thể ở trong cá sống, đó là điều mà bạn phải lưu ý khi ăn sushi.

Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục sức khỏe 

Sushi và các món ăn hải sản tươi sống hiện nay khá phổ biến ở cả phương Tây và châu Á, vì thế mà các bác sĩ đã đưa ra cảnh báo về một loại ký sinh trùng nguy hiểm có thể ẩn nấp trong cá và cả trong mực khô.

Mặc dù ghi nhận bị nhiễm ấu trùng anisakiasis là rất hiếm gặp, nhưng các bác sĩ vẫn khuyên phụ nữ mang thai không nên ăn shushi. ảnh: gettyimages
Mặc dù ghi nhận bị nhiễm ấu trùng anisakiasis là rất hiếm gặp, nhưng các bác sĩ vẫn khuyên phụ nữ mang thai không nên ăn shushi. ảnh: gettyimages

Các bác sĩ chuyên khoa dạ dày-ruột ở Bồ Đào Nha kể lại câu chuyện của một bệnh nhân 32 tuổi được nhập viện với cơn đau dạ dày, nôn mửa, và sốt kéo dài một tuần. 

Khi ông nói rằng ông đã ăn sushi gần đây, các bác sĩ đã nghi ngờ ấu trùng giun anisakiasis – sống ký sinh trên cá sống, theo đường thức ăn bám vào thành dạ dày, thực quản, hoặc ruột.

Sau đó bằng phương pháp nội soi, các bác sĩ đã phát hiện ra một ấu trùng anisakis gắn liền với lớp lót ruột bị sưng và viêm. 

Sau khi gắp được ấu trùng này ra khỏi ruột, các triệu chứng nôn mửa đã giảm dần và người đàn ông được ra viện.

Joana Carmo - Bác sỹ chuyên khoa dạ dày - ruột của Bệnh viện Egas Moniz ở Lisbon (Bồ Đào Nha) nói rằng, theo thống kê có hơn 90% trường hợp mắc bệnh Anisakiasis đã được báo cáo xảy ra ở Nhật Bản, nơi mà cá sống là một phần chủ yếu trong khẩu phần ăn của hầu hết mọi người dân.

Nhưng do những thay đổi về thói quen ăn uống trên khắp thế giới và sushi ngày càng được yêu thích ở các nước phương Tây, nên cần phải cảnh giác với ấu trùng giun - Anisakiasis.

Do đó, các bác sĩ cho biết, khi bệnh nhân ăn cá sống hoặc nấu chưa chín mà sau đó có triệu chứng bị đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tắc ruột, thủng, viêm vùng bụng... thì cần phải nghĩ ngay tới anisakiasis.

Trường hợp nhẹ hơn cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng như phát ban, ngứa... sau khi ăn hoặc ăn hải sản bị nhiễm ấu trùng Anisakiasis.

Một thông tin khác không vui với những người thích ăn cá sống, đó là vào tháng 2 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng một loài ký sinh trùng khác, loài sán dây rộng Nhật Bản, đã được tìm thấy trong cá hồi sống ở khu vực Thái Bình Dương.

Để loại bỏ ký sinh trùng có nhất thiết phải ngừng ăn cá sống? Tiến sĩ Carmo cho biết, cá nấu đến 158 độ Fahrenheit (70 độ Celsius), hoặc đóng băng cá sống tới -4 độ Fahrenheit (-20 độ Celsius) trong tối thiểu 72 tiếng đồng hồ cũng có thể giết chết bất kỳ ký sinh trùng nào. 

Như vậy sau khi đánh bắt và làm lạnh như trên thì ký sinh trùng có thể đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Vì vậy nguy cơ mắc bệnh từ ấu trùng anisakiasis là một trường hợp hiếm gặp và Tiến sĩ Carmo nói rằng các đầu bếp sushi chuyên nghiệp được huấn luyện đúng cách có thể phát hiện ấu trùng Anisakis.

Dù vậy, các bác sĩ khuyên những phụ nữ đang mang thai hoặc hệ thống miễn dịch đang ở trong tình trạng suy yếu nên tránh ăn cá sống, vì đối với những người này nguy cơ nhiễm ký sinh trùng có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Các chuyên gia về sức khỏe và lương thực cũng đưa ra lời khuyên hãy ăn shushi ở những nhà hàng đáng tin cậy, có giấy phép rõ ràng kinh doanh mặt hàng này.

Trúc Diệp (THEO HEALTH MAGAZINE)