Sẽ ra sao nếu bác sĩ phải làm việc trong tâm trạng hoảng loạn?

27/02/2018 06:19
Lại Cường
(GDVN) - Có lẽ chưa năm nào Ngày thầy thuốc Việt Nam lại có nhiều dư âm buồn đến thế khi mà chỉ cách đây vài ngày đã xảy ra liên tiếp hai vụ hành hung các bác sĩ.

Trong những ngày tết Mậu Tuất vừa qua, khi người người, nhà nhà xum vầy đầm ấm, thì rất nhiều y bác sĩ vật lộn với 4.200 ca đánh nhau nhập viện, 37.376 trường hợp cấp cứu vì tai nạn giao thông, trung bình mỗi ngày có 5.000 ca.

Chưa kể, hàng ngàn ca cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, tai nạn pháo nổ và nhiều nguyên nhân khác.

Kể ra thí dụ ấy có lẽ mỗi chúng ta sẽ hình dung được phần nào những áp lực mà các bác sĩ, nhân viên y tế đang phải trải qua để gìn giữ sức khỏe, sự sống của người bệnh.

Nhưng có lẽ chưa năm nào Ngày thầy thuốc Việt Nam lại có nhiều dư âm buồn đến thế khi mà chỉ cách đây vài ngày đã xảy ra liên tiếp hai vụ hành hung các bác sĩ.

Xử lý nghiêm hành động gây thương tích cho cán bộ ngành y tế

Tại buổi thăm và làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 24/2 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo:

“Tôi đặc biệt lưu ý và yêu cầu các địa phương và các ngành có chức năng phải có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm đến nhân phẩm, tính mạng thầy thuốc và nhân viên ngành y tế. Có hai việc tôi đặt ra.

Một là phát động quần chúng lên án những hành vi làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bác sĩ và nhân viên y tế trong phạm vi quốc gia.

Thứ hai tôi yêu cầu các cơ quan chức năng, nhất là ngành công an, điều tra xử lý nghiêm những hành động gây thương tích cho cán bộ ngành y tế.

(Theo TTXVN)

Việc gia đình, người nhà bệnh nhân có hành vi côn đồ, đánh đập các nhân viên y tế đã xảy ra nhiều năm nay .

Tuy nhiên, có lẽ vì chưa có các biện pháp thực sự đủ mạnh nên tính chất vụ việc và số lượng hành vi bạo lực nhằm vào các nhân viên y tế ngày càng có xu hướng gia tăng.

Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn - Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, giai đoạn 2010- 2017 có 22 vụ bạo hành cán bộ nhân Y tế, trung bình khoảng 3 vụ/năm.

Rất nhiều máu của nhân viên y tế đã đổ bởi những hành vi côn đồ của người nhà bệnh nhân, thậm chí đã có bác sĩ mất mạng trong ca trực.

Năm 2018 vừa đi qua chưa đầy 2 tháng, máu của bác sĩ lại bị nhuộm đỏ áo blouse vì những vụ bạo hành.

Vụ việc đầu tiên là vào ngày 20/2/2018, hai bác sỹ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung công tác tại bệnh viện Sản Nhi Yên Bái dù làm nhiệm vụ phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân thành công, mẹ tròn, con vuông, nhưng vẫn bị chính chồng của sản phụ gọi côn đồ đến hành hung đến mức hai bác sĩ phải nhập viện điều trị.

Không hiểu người đàn ông này nghĩ gì mà lại hành xử tồi tệ như vậy trong ngày đứa con chào đời?

Chỉ ba ngày sau (23/2), tại Bệnh viên đa khoa Trung ương Thái Nguyên, các bác sĩ đã phải làm việc trong tình trạng hoảng loạn vì người nhà đập phá, đe dọa bác sĩ bên ngoài phòng bệnh.

Bộ trưởng Y tế đã nghiêm khắc lên án những hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật của những kẻ đã tấn công bạo lực đối với 2 thầy thuốc.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội đã bức xúc khi nói về những hành vi côn đồ nhằm vào nhân viên y tế.

Ông nói: “Qua nắm bắt thông tin vụ việc tôi thực sự phẫn uất. Việc đánh bác sĩ như vậy là không thể chấp nhận được. Như thế là loạn, loạn thực rồi!”.

Những vụ bạo hành bác sĩ, nhân viên y tế bao giờ sẽ chấm dứt ?(Ảnh: LC)
Những vụ bạo hành bác sĩ, nhân viên y tế bao giờ sẽ chấm dứt ?(Ảnh: LC)

Sau vụ việc, ngành y đã có những văn bản kịp thời yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để trả lại sự công bằng cho nhân viên y tế.

Nhưng rất có thể sẽ còn những vụ hành hung khác nữa nhằm vào các nhân viên y tế khi mà nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp và sẵn sàng ứng xử một cách "mông muội". 

Hệ thống y tế được thiết kế với nhiệm vụ cụ thể là bảo vệ con người và không làm hại bất cứ ai; mà bác sĩ cũng chính là con người, họ cần được bảo vệ ngay trong hệ thống của mình.

Thế nhưng với những vụ việc xảy ra trong thời gian qua đang cho thấy bác sĩ đang là đối tượng dễ bị hành hung nhất.

Tồn tại của ngành y, sự bức xúc về những việc chưa tốt của y tế và bạo lực đối với đội ngũ, nhân viên y tế là hai vấn đề cần phải được tách biệt.

Sẽ ra sao nếu bác sĩ phải làm việc trong tâm trạng hoảng loạn? ảnh 2Như thế là loạn, loạn thật rồi!

Ngành y hay bất kỳ ngành nghề gì trong xã hội đều có những mặt tốt và mặt chưa tốt.

Sự cố y khoa không ai dám khẳng định không thể xảy ra. Việc này cần những nhà chuyên môn nhìn nhận và trách nhiệm được quy kết bằng các quy định của pháp luật.

Những điều chưa tốt, chưa đúng đều phải xử lý theo các quy định của pháp luật. Ngành y cũng không ngoại lệ.

Ngành y cũng không thể tránh khỏi quy luật “cây có trái ngọt trái chua - người có tốt có xấu”. Đã là quy luật thì cái xấu sẽ bị đào thải, chỉ là cách đào thải cái xấu đó như thế nào mà thôi.

Nắm đấm, những hành vi bạo lực không giúp đào thảo cái xấu trong ngành y, thậm chí còn gieo rắc cái ác.

Nếu nhìn vào những vụ việc đã xảy ra, có thể thấy nhiều trường hợp hành hung nhân viên y tế đều bắt nguồn từ những bức xúc vô căn cứ, đòi hỏi cho mình và người nhà mình đặc quyền, đặc lợi, là những đòi hỏi mà nhân viên y tế không thể đáp ứng được.

Thật đáng tiếc trong số nhiều vụ hành hung nhân viên y tế đã xảy ra thì có cả sự tham gia của những người "mũ cao, áo dài", có địa vị xã hội.

Phải chăng vì họ có địa vị, có tiền nên tự cho mình cái quyền sai khiến bác sĩ và sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" để thể hiện uy quyền với các bác sĩ, nhân viên y tế đang cứu chữa cho chính người thân của họ?

Rất nhiều ý kiến đã nêu ra cảnh báo hành động côn đồ với y bác sĩ không chỉ dừng lại ở việc xâm phạm nhân phẩm, sinh mạng của thầy thuốc, mà sẽ làm ảnh chất lượng khám chữa bệnh của ngành y.

Sẽ ra sao nếu thầy thuốc vì sợ hãi, lo lắng trước những ca cấp cứu mà bị bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đe dọa? Chắc chắn rằng họ sẽ không thể chẩn bệnh, chữa bệnh tốt.

Nếu bác sĩ bị côn đồ đánh thường xuyên, thì còn ai yêu nghề, dấn thân vì bệnh nhân? Họ sẽ ra sao khi mỗi ngày đến cơ quan là sự e sợ bạo lực sẽ trút lên đầu họ bất kỳ lúc nào?

Sẽ ra sao nếu người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế ở hai trạng thái đối đầu? Đó là bi kịch!

* Tài liệu tham khảo

1. http://cand.com.vn/y-te/Can-che-tai-manh-hon-vi-su-an-toan-cua-thay-thuoc-459944/

2. https://vov.vn/tin-nong/bac-sy-o-thai-binh-bi-danh-gay-mui-khi-dang-cap-cuu-benh-nhan-711890.vov

3. http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=391842

4. http://phunuvietnam.vn/khoe/bac-si-hoang-loan-vi-dang-cap-cuu-bi-nguoi-nha-benh-nhan-de-doa-post39220.html

Lại Cường