Việt Nam từng bước nâng cao hiệu quả phòng chống đái tháo đường

14/11/2016 09:27
Phương Linh
(GDVN) - Ngày 14/11/2016, Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam cùng Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức mít tinh ngày Đái tháo đường thế giới.

"Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục Sức khỏe" 

3,5 triệu người mắc đái tháo đường

GS.TS.Thái Hồng Quang – Chủ tịch hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính, tiến triển.

Đường trong máu cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh như: Tổn thương mắt gây ra mù lòa; suy thận; nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi.

Đặc biệt biến chứng tim mạch như: tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho bệnh nhân đái tháo đường.

Các công trình nghiên cứu về dịch tễ học trong 30 năm qua đã cho thấy, bệnh đái tháo đường tuýp 2 tăng lên không ngừng. Ảnh: Phương Linh.
Các công trình nghiên cứu về dịch tễ học trong 30 năm qua đã cho thấy, bệnh đái tháo đường tuýp 2 tăng lên không ngừng. Ảnh: Phương Linh.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), cứ 24h, trên thế giới lại có 3.600 trường hợp đái tháo đường mới được chẩn đoán, 580 người bị tử vong, 225 người bị cắt đoạn chi, 120 người bị suy thận giai đoạn cuối và 55 người bị mù do bệnh đái tháo đường gây nên.

GS.Thái Hồng Quang cũng cho biết, tại Việt Nam mỗi năm có 3,2 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến đái tháo đường, tương đương với số người tử vong vì bệnh HIV/AIDS.

Bệnh đái tháo đường đang là gánh nặng cho kinh tế xã hội, chi phí để điều trị các biến chứng của bệnh đái tháo đường đã chiếm 5-10% kinh phí chi cho săn sóc y tế chung trên toàn thế giới.

Một thực tế đáng lo ngại là trong cộng đồng có trên 60% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh...

Các công trình nghiên cứu về dịch tễ học trong 30 năm qua đã cho thấy, bệnh đái tháo đường tuýp 2 tăng lên không ngừng.

Nếu năm 1985, ước đoán có 30 triệu người trên thế giới mắc bệnh đái tháo đường, một thập kỷ sau, con số này đã là 150 triệu người. Cho tới thời điểm hiện tại, theo số liệu của IDF số người bị đái tháo đường đã vượt qúa 285 triệu người.

Cho dù các hoạt động phòng chống đái tháo đường có hiệu quả, IDF cũng tiên đoán tổng số người bị đái tháo đường sẽ là 435 triệu vào năm 2030. 

Gia tăng bệnh nhanh chóng 

Theo GS.TS.Thái Hồng Quang, ở nước ta nếu như năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ bệnh đái tháo đường chỉ từ 1,1 đến 2,5%, thì nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở lứa tuổi từ 30-60 là 5,7%, ở một số thành phố và khu công nghiệp lớn tỷ lệ này còn cao hơn từ 7-10%.

Sự gia tăng này cho thấy sự bùng nổ của bệnh và đái tháo đường đã trở thành gánh nặng về chăm sóc y tế, làm tổn hại đến thành tựu phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của nó; bằng cách duy trì cân nặng lí tưởng và tăng cường hoạt động thể lực - Các nghiên cứu của Phần Lan, Hoa Kì, Trung Quốc... và cả ở Việt Nam đã khẳng định điều đó. 

Tập huấn và giáo dục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường. Trước hết người bệnh phải biết rõ, đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa kéo dài suốt cả đời. Bệnh chỉ có thể được quản lý tốt nếu chính người bệnh hiểu được họ cần phải làm gì.

Ở mức độ cộng đồng, các khái niệm về tiền đái tháo đường, các yếu tố nguy cơ đối với bệnh đái tháo đường như: quá cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá lipid... phải được tư vấn, tuyên truyền, giải thích để phát hiện sớm.

Có vậy, việc phòng chống bệnh đái tháo đường mới có hiệu quả, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí điều trị và đề phòng được các biến chứng sau này, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ hạnh phúc cho bản thân và gia đình của người bệnh.

Ngày 20/12/2006, tại phiên họp toàn thể lần thứ 83, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 61/225, trong đó ghi nhận "Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có nhiều biến chứng, làm tổn hại tới sức khỏe, chi phí tốn kém, là nguy cơ nghiêm trọng đối với từng gia đình, xã hội, từng quốc gia, và là thách thức nghiêm trọng đối với thành quả những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của thế giới".

Tổ chức này đồng thời quyết định chọn ngày 14/11 hàng năm là ngày quốc tế phòng chống bệnh Đái tháo đường.

Ngày 14/11/2007, lần đầu tiên tại trụ sở của Liên hợp quốc cũng như các quốc gia trên toàn thế giới đã tổ chức trọng thể sự kiện này với chủ đề "Chăm sóc bệnh đái tháo đường cho mọi người”. Và chủ đề trong giai đoạn 2009-2013 là “Giáo dục, phòng chống bệnh Đái tháo đường”.

Khẩu hiệu cho năm 2010 là “Hãy kiểm soát Đái tháo đường – ngay bây giờ”, nhằm kêu gọi tất cả mọi người có trách nhiệm quan tâm đến bệnh đái tháo đường, nâng cao hiểu biết và đưa ra hành động cụ thể để kiểm soát căn bệnh thế kỷ này.

Nói về bệnh đái tháo đường, GS.TS.Thái Hồng Quang nhấn mạnh: "Ngày đái tháo đường Thế giới” cũng là dịp để nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường.

Động viên, chia sẻ để thực hành tốt trong phòng bệnh đái tháo đường, cũng là thông điệp đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý phải xây dựng những giải pháp và những chính sách quốc gia cũng như chương trình hành động cụ thể để phòng, điều trị, chăm sóc người bệnh đái tháo đường trong khuôn khổ phát triển bền vững hệ thống chăm sóc sức khoẻ nhân dân".

Phương Linh