AB Inbev sẽ lấy đi từng "miếng bánh" trong tay Công ty Bia VN

06/05/2013 07:13
Hân Ni
(GDVN) - “AB Inbev sẽ từ từ lấy đi từng "miếng bánh" trong tay các công ty bia hàng đầu ở Việt Nam, cho đến khi, họ đã có chỗ đứng vững chắc như Heineken hay Tiger ngày nay” – một chuyên gia về marketing nhận định.
Nghi ngờ khả năng của AB Inbev: Đừng chủ quan!
Aneuser-Busch Inbev (AB Inbev) là tập đoàn sở hữu khá nhiều thương hiệu bia lớn như Budweiser, Corona, Stella Artois, Beck’s và Brahma, nắm trong tay 25% thị trường bia trên toàn thế giới đã nói lên sức mạnh về tài chính lẫn kinh nghiệm khai phá thị trường toàn cầu của hãng bia danh tiếng này. Việc một số nhân vật có tiếng trong ngành bia Việt Nam tỏ ra nghi ngờ sự "tàn phá" thị trường của AB Inbev là hoàn toàn sai lầm. Họ nhìn vào quá khứ và cho rằng AB Inbev có thể sẽ đi theo vết xe đổ của một số thương hiệu bia khác.
Thực tế mà nói, “việc đầu tư vào Việt Nam của AB Inbev không bắt buộc họ phải có lợi nhuận ngay trong những năm đầu tiên, mà họ sẽ từ từ lấy đi từng miếng bánh trong tay các công ty bia hàng đầu ở Việt Nam, cho đến khi, họ đã có chỗ đứng vững chắc như Heineken hay Tiger ngày nay” – một chuyên gia về marketing nhận định. 

Theo số liệu thống kê sản lượng của 4 hãng bia Carlsberg, Sabmiller, Heineken và AB InBev năm 2012, tổng sản lượng bia cung cấp ra thị trường đạt 94 tỷ lít. Trong đó hãng bia AB InBev cung ứng ra lượng bia khổng lồ hơn 40 tỷ lít, bằng tổng sản lượng của Heineken và Sabmiller.
Theo số liệu thống kê sản lượng của 4 hãng bia Carlsberg, Sabmiller, Heineken và AB InBev năm 2012, tổng sản lượng bia cung cấp ra thị trường đạt 94 tỷ lít. Trong đó hãng bia AB InBev cung ứng ra lượng bia khổng lồ hơn 40 tỷ lít, bằng tổng sản lượng của Heineken và Sabmiller.
Cũng theo vị chuyên gia này, văn hóa tiêu dùng ở mỗi nước khác nhau nên chiến lược tiếp cận thị trường cũng đều có một hướng đi khác nhau, không thể chỉ ngày 1 ngày 2 mà có thể khiến khách hàng quen với sản phẩm mới. Hãy nhìn vào cách mà một thương hiệu bia quốc tế như Sapporo “lấn sân” vào Việt Nam để rút ra kinh nghiệm. Họ dùng chiến lược marketing một cách hoàn hảo để rồi khi những “đại gia” như Sabeco hay Halico chợt nhận ra sự đe dọa thì…. họ đã chiếm được cho mình một thị phần khá lớn từ tay những thương hiệu bia nổi tiếng ở Việt Nam rồi! 
Có thể thấy, Châu Âu là thị trường chính của Carlberg và Heineken. Trong khi đó Châu Mỹ là thị trường chính của AB InBev và Sabmiller. Châu Á Thái Bình Dương là khu vực mang về ít lợi nhuận cho 2 hãng bia lớn nhất này. Theo báo cáo phân tích mới nhất về 4 tập đoàn bia lớn nhất thế giới là AB Inbev, Sabmiller, Heineken và Carlberg, năm 2012, mức đóng góp doanh thu của thị trường Châu Á Thái Bình Dương của AB Inbev thấp nhất, chỉ có 2%, tiếp theo là Sabmiller 6%, Heniken và Carberg lần lượt nắm 9% và 12%.

Vì vậy, “việc AB Inbev chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 sau Trung Quốc là điều hiển nhiên” – theo đánh giá, nhìn nhận của các chuyên gia phân tích. Khi dân số Việt Nam lên tới 90 triệu dân lại là nước tiêu thụ bia lớn thứ 3 ở Châu Á, AB Inbev muốn gia tăng doanh thu từ thị trường Châu Á nên chắc chắn Việt Nam sẽ là "chiến trường khốc liệt" khi AB Inbev quyết tâm "đổ bộ".
AB Inbev có thể sẽ là một Coca Cola thứ 2 ở Việt Nam
Trên thực tế, AB Inbev đã lên kế hoạch, chiến lược thăm dò, áp sát thị trường Việt Nam từ lâu.

Cách đây 1 năm, ở TP.HCM, rầm rộ trong những quán ăn lớn, chương trình "thưởng thức cúp FA cùng Budweiser" đã khiến nhiều người để ý tới nhãn hiệu Budweiser. Hay như năm 2013, Budweiser, thương hiệu bia hàng đầu thế giới này là nhà tài trợ chính của giải đấu bóng đá có tên “Budweiser 6V6 2013” với quy mô lớn ở TP.HCM, giải thưởng đầy hấp dẫn là một chuyến đi Anh quốc xem trận chung kết cúp FA. 
“Tôi không biết những công ty bia hàng đầu Việt Nam nghĩ gì, nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ: Một nhà phân phối độc quyền không ai dại mà bỏ ra hàng tỷ đồng để kéo doanh số bán hàng kiểu này cả. Và cũng không ai bỏ tiền ra PR cho một thương hiệu mà họ sắp có mặt chính thức tại Việt Nam. Vậy ta có nên xem đây là một bước thăm dò chiến lược marketing của AB Inbev hay không?” – lãnh đạo một công ty trong lĩnh vực đồ uống tại Việt Nam đặt ra câu hỏi.
Theo quan điểm của một số chuyên gia, rất có thể AB Inbev sẽ là một Coca Cola thứ 2 ở Việt Nam. Vung tiền đánh chiếm thị trường sau đó dần đi vào kinh doanh ổn định, thu về những đồng lợi nhuận đầu tiên - Viễn cảnh là họ sẽ dẫn đầu ở thị trường cao cấp, sau đó phát triển và đưa ra những sản phẩm ở phân khúc bên dưới, gây sức ép lên những công ty Việt Nam, như cách Coca Cola và Pepsico đã và đang làm. 
Và vì vậy, nếu như các thương hiệu Việt vẫn suy nghĩ và làm theo kiểu hô hào hay kêu gọi "người Việt dùng hàng Việt" thì sớm hay muộn, họ cũng thất bại trên chính đất nước và triết lý kinh doanh của mình. Không thay đổi đồng nghĩa với việc những thương hiệu bia Việt sẽ tụt lại phía sau – đó là điều gần như đã được tiên đoán trước. 
AB InBev thành lập năm 1852 tại bang St.Louis, Mỹ. Hiện nay hãng bia này có gần 118 nghìn nhân viên tại 23 nước trên thế giới.  Đây cũng là thương hiệu bia đứng đầu và được tạp chí Fortune bình chọn thuộc top 5 công ty tiêu dùng lớn nhất trên thế giới. 
Mặc dù là Carlsberg là hãng bia ra đời sớm nhất nhưng ngôi vị đứng đầu thị trường bia lại lọt vào tay AB Inbev. Năm 2012, hãng bia này đạt 39,7 tỷ USD doanh thu trên thế giới. Với gần 40 tỷ USD, bia AB InBev bỏ xa các đối thủ khi doanh thu của Heineken đạt mức hơn 24 tỷ USD, Sabmiller gần 22 tỷ USD. Ngoài ra nguồn thu của AB InBev gần gấp 2,5 lần hãng bia lâu đời Carlsberg.
Ngoài vị trí quán quân về doanh thu, AB Inbev cũng là ông lớn đứng đầu về khả năng sinh lợi. Lợi nhuận của AB InBev trong năm 2012 đạt 11,1 tỷ USD, gấp 10 lần hãng bia Carlsberg.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hân Ni