Bánh trung thu TQ, để quên 3 năm trong góc nhà không hỏng

06/07/2011 02:01
Báo Trùng Khánh Buổi tối của Trung Quốc vừa đăng bài về vụ bánh trung thu để quên 3 năm ở góc nhà trong điều kiện nhiệt độ bình thường nhưng vẫn không hỏng…

Báo Trùng Khánh Buổi tối của Trung Quốc vừa đăng bài về vụ bánh trung thu để quên 3 năm ở góc nhà trong điều kiện nhiệt độ bình thường nhưng vẫn không hỏng…

>> Choáng với trái cây “mác” Úc, Mỹ để cả năm không… thối

“Mãi không biến chất”

Hôm qua, báo Trùng Khánh Buổi tối của Trung Quốc đăng bài về vụ bánh trung thu để quên 3 năm ở góc nhà trong điều kiện nhiệt độ bình thường nhưng vẫn không hỏng. Khi cắt ra, nhân bánh vẫn tươi ngon như vừa mua về, trông không hề biến màu hoặc chảy nước.

Bà Trần, sống ở khu Cửu Long, thành phố Trùng Khánh, hoảng sợ kể cho phóng viên rằng bà mua chỗ bánh đó từ năm 2008 nhưng do được tặng nhiều bánh quá nên ăn không hết và quên luôn. Theo bà Trần, số bánh này có ghi thời hạn sử dụng chưa tới 2 tháng. Thời tiết ở Trùng Khánh có 4 mùa rõ rệt, bánh lại được bảo quản trong điều kiện thường nhưng “không hề biến chất”. “Chuyện này quá kỳ quái. Từ nay về sau, ai dám ăn bánh trung thu nữa chứ? Chắc chắn là bánh đã được ướp tẩm rất nhiều hóa chất”, tờ báo dẫn lời bà Trần nói.

 Bánh trung thu Trung Quốc để 3 năm vẫn không bị hỏng, không đổi màu mà chính người sản xuất cũng không rõ nguyên nhân.
Bánh trung thu Trung Quốc để 3 năm vẫn không bị hỏng, không
đổi màu mà chính người sản xuất cũng không rõ nguyên nhân.
Ảnh: Báo Trùng Khánh Buổi tối.

Phóng viên Trùng Khánh Buổi tối cũng tận mắt kiểm chứng bánh trung thu do bà Trần cung cấp. Trên bao bì ghi rõ ngày sản xuất là ngày 2/9/2008, do Công ty TNHH thực phẩm Gia Sĩ Đức Trùng Khánh sản xuất, thời hạn sử dụng trong 50 ngày. Quan sát bên ngoài, tờ báo cho biết bánh có màu vàng ruộm, không hề có gì khác lạ. Theo ghi chú ngoài bao bì thì các thành phần của bánh là: nhân vị dứa, bột lúa mì, nước đường, bơ, nước thơm, bột kết tinh không màu (Potassium sorbate), dịch kết tinh không màu không mùi dehydrogenation (Sodium acetate trihydrate), trứng gà… Trong đó bột kết tinh không màu và dịch kết tinh chính là hai hóa chất chống thối rữa.

Nhà sản xuất lấp liếm

Khi phóng viên báo Trùng Khánh Buổi tối tìm tới Công ty Gia Sĩ Đức Trùng Khánh thì giám đốc họ Hùng của cơ sở này phủ nhận sự việc trên. Bà Hùng tuyên bố từ xưa tới nay chưa hề gặp trường hợp lạ như vậy. Số hàng mẫu được giữ lại trong xưởng cũng chỉ để được tới một năm. “Ở nhiệt độ thông thường và nếu bảo quản tốt, bánh trung thu có thể để được tới một năm”, bà này thanh minh. Bà Hùng thừa nhận xưởng sản xuất có sử dụng chất chống thối rữa thực phẩm nhưng khẳng định hàm lượng vẫn nằm trong quy định của nhà chức trách. Tuy nhiên bà không thể giải thích được tại sao bánh của xưởng để suốt 3 năm mà không hỏng.

Ông Lưu Sùng Hoa, Hội phó Hội Liên hiệp doanh nghiệp Trùng Khánh và là một chuyên gia về bánh nướng thì nói sau khi xử lý tốt mọi khâu kỹ thuật, bánh trung thu có thể bảo quản được một thời gian dài với điều kiện: bao bì nguyên vẹn, không nứt, thủng để lọt gió, bánh hoàn toàn nằm trong môi trường cách ly. Mặt khác trong khâu sản xuất, vệ sinh của công nhân… phải được thực hiện tốt, tuyệt đối không được nhiễm khuẩn. Ông Lưu cũng rất ngạc nhiên về trường hợp bánh trung thu “không biến chất” nói trên. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân hiện tượng lạ này.

Việt Nam hằng năm nhập không ít bánh trung thu từ Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan do mẫu mã đẹp, nhiều loại mùi vị; đặc biệt nhiều loại bánh đắt tiền, sang trọng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về công nghệ sản xuất bánh trung thu ở Trung Quốc và nhiều nước như Canada, Úc, New Zealand… đã cấm nhập bánh trung thu từ nước này.

Kiểm tra thật sát bánh trung thu nhập khẩu

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, theo thủ tục quy định trình tự đối với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu (trong đó có bánh trung thu), thì: khi hàng về đến cảng, công ty phải đi đăng ký với cơ quan chức năng, và Bộ Y tế sẽ chỉ đạo một cơ quan trực thuộc Bộ tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm, nếu kết quả xét nghiệm đạt chất lượng thì sản phẩm sẽ được thông quan. Sau khi thông quan, để được lưu thông trên thị trường, công ty, doanh nghiệp phải đến công bố tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm tại Cục ATVSTP (Bộ Y tế).

Trước thông tin về bánh Trung thu tại Trung Quốc “để 3 năm nhìn vẫn đẹp”, một chuyên gia về ATVSTP của Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Thông thường các cơ sở sản xuất bánh trung thu trong nước đăng ký hạn sử dụng (HSD) của bánh từ 10 ngày, 20 ngày, 30 ngày, 60 ngày và 90 ngày. Các cơ sở sản xuất tự đưa ra HSD, và phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong thời HSD”. Chi cục ATVSTP TP cho biết, trung thu tới đây, chi cục sẽ phối hợp cùng Thanh tra Sở Y tế sẽ kiểm tra thật sát đối với những mặt hàng bánh trung thu nhập khẩu, nhất là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.


Theo Thanh Niên

>> 99% hoa quả “mác” Mỹ, Úc tại Hà Nội xuất xứ từ Trung Quốc?

>> Niêm phong "lò" thịt hun khói từ lợn chết tẩm thuốc trừ sâu