Các "đại gia" di động lý giải vì sao cước 3G tăng đến 25%

04/04/2013 13:27
Hân Ni
(GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng: 2 nhà mạng MobiFone và Vinaphone bất ngờ tăng giá cước dịch vụ 3G thêm 25% nhằm đối phó tình trạng thất thu cước do các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí, tuy nhiên, MobiFone khẳng định: MobiFone không nhắm vào các dịch vụ OTT.

Tăng cước 3G không phải do thất thu?

Vừa qua, khách hàng khá bất ngờ khi hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone tăng giá cước thêm 10.000 đồng đối với dịch vụ 3G trọn gói dành cho thuê bao Internet di động.

Việc tăng giá cước trong thời buổi kinh tế khó khăn càng tăng thêm gánh nặng trên vai người tiêu dùng và càng chứng tỏ sự “độc quyền” của các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam. Bởi dù phí cao thì khách hàng cũng không còn lựa chọn nào khác – luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định.
Cũng có ý kiến cho rằng: Nguyên nhân tăng giá dịch vụ 3G là nhằm làm giảm thất thu do các ứng dụng cho phép nhắn tin và gọi điện miễn phí trên các điện thoại di động thông minh (smartphone) gây ra. Như các ứng dụng Viber, Wala, Zalo, Line, WhatsApp... cho phép người dùng nhắn tin, gọi điện cho nhau hoàn toàn miễn phí dựa trên kết nối 3G (gọi chung là dịch vụ OTT - Over The Top). 

Đại diện MobiFone khẳng định: "MobiFone không nhắm vào các dịch vụ OTT khi đưa ra kế hoạch điều chỉnh dịch vụ 3G lần này”.
Đại diện MobiFone khẳng định: "MobiFone không nhắm vào các dịch vụ OTT khi đưa ra kế hoạch điều chỉnh dịch vụ 3G lần này”.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013, Phó TGĐ một tập đoàn viễn thông lớn cho rằng: dịch vụ OTT giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Wifi, 3G như Viber, WhatsApp đang là một nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và các ngành CNTT, truyền thông, truyền hình nói riêng.
Thậm chí, theo chia sẻ của MobiFone đăng tải trên báo Tuổi trẻ, các ứng dụng OTT đang làm ba nhà mạng “đại gia” thiệt hại 100 tỉ đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Sơn, Phòng Giá cước - Tiếp thị của MobiFone lại khẳng định: “Việc điều chỉnh giá dịch vụ là do tăng thêm dung lượng của gói MIU (từ 500Mb lên 600Mb). MobiFone không nhắm vào các dịch vụ OTT khi đưa ra kế hoạch điều chỉnh dịch vụ 3G lần này”.
Ông Sơn cũng cho biết thêm: Từ ngày 01/04/2013, MobiFone đã thực hiện điều chỉnh các gói cước 3G dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Internet, cụ thể: Cung cấp gói cưới mới với dung lượng data nhiều hơn (Gói Big MIU: 200.000 đồng/tháng); Tăng dung lượng cho gói MIU thêm 100 Mb, kèm theo đó là điều chỉnh giá gói từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng; Dừng cung cấp một số gói dịch vụ: M5, M50 và D30, chỉ nhằm mục đích đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G ngày một tăng của khách hàng.

OTT không cạnh tranh với nhà mạng

Không ít các nhà mạng tại Việt Nam đã đề đạt mong muốn cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào việc kiểm soát hoạt động của các ứng dụng OTT. Bởi lẽ, theo một số dữ liệu dẫn chứng, ứng dụng thoại và nhắn tin miễn phí đã ảnh hưởng 9-10% doanh thu của các nhà mạng trên thế giới, gây thất thu hơn 13 tỷ USD/năm.

Trong khi đó, phát ngôn với báo chí trong một cuộc họp báo mới đây, ông Park Jong Buhm - Chủ tịch Công ty NHN Việt Nam (đơn vị cung cấp ứng dụng gọi và chat miễn phí Line Messenger) cho biết: “Chúng tôi đã xuất hiện tại 200 quốc gia trên toàn thế giới với 110 triệu người dùng nhưng chưa có nhà mạng lớn nào chặn dịch vụ của mình. Nếu trong tương lai, ở Việt Nam diễn ra tình huống này thì chúng tôi coi đó là một sự cố. Và đây sẽ là lần đầu tiên chúng tôi bị chặn”.
Ông Park Jong Buhm cũng hi vọng: Các nhà mạng Việt Nam sẽ không có những động thái làm ảnh hưởng tới các đối tác cũng như lợi ích của người tiêu dùng. 
Chia sẻ với phóng viên Giaoduc.net.vn, một đơn vị cung cấp ứng dụng gọi và chat miễn phí khác cũng khẳng định: “Chúng tôi không đối đầu với nhà mạng. Bởi các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí chỉ là một ứng dụng mang đến cho người sử dụng đang dùng sản phẩm của chúng tôi mà thôi, hơn nữa, cũng chỉ áp dụng trong phạm vi các dòng điện thoại smartphone”.
Cũng theo vị này: MobiFone hay VinaPhone là doanh nghiệp của quốc gia, hoạt động theo chính sách hay theo những luật định của Việt Nam, trong khi đó, các ứng dụng OTT phần nhiều đều của doanh nghiệp nước ngoài và "Sẽ không bao giờ thu phí với người dùng ở Việt Nam. Khi ứng dụng được sử dụng rộng rãi, những người quản lý sẽ kiếm tiền nhờ vào những quảng cáo trên nền ứng dụng này".
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hân Ni