Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2013 giảm 0,19%

02/04/2013 09:55
Vũ Vũ
(GDVN) - Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng 2. Giá thực phẩm tươi sống có chiều hướng giảm và ổn định.
Đây là tháng có chỉ số giá giảm sau ba năm liên tiếp có chỉ số giá tháng 3 tăng. Nguyên nhân chính do sức mua của người dân sau Tết giảm, bên cạnh đó cũng có lý do mặt bằng giá tiêu dùng trước đó đã ở mức cao.
Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 3/2-13, chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh, với mức giảm 0,53% (lương thực giảm 0,59%, thực phẩm giảm 0,95%), giao thông giảm 0,25%, đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%, bưu chính viễn thông giảm 0,05%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ từ 0,04% đến 0,25%.

Tháng 3 là tháng sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ nên sức mua lương thực của người dân đã giảm đáng kể so với tháng 2. Ảnh minh họa.
Tháng 3 là tháng sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ nên sức mua lương thực của người dân đã giảm đáng kể so với tháng 2. Ảnh minh họa.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến 14/3/2013 đã đạt khoảng 906.173 tấn, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Dự báo trong tháng tới, giá lúa gạo có xu hướng tăng nhẹ và tiếp tục ổn định, không có tình trạng găm hàng sốt giá.
Về thực phẩm, trong tháng 3/2013, giá thực phẩm tươi sống có chiều hướng giảm và ổn định. So với tháng 2, thịt gà ta giảm 10 – 20%, giá thịt bò, hải sản ổn định, riêng giá thịt lợn giảm nhẹ từ 5 – 10% (khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg).
Giá rau, củ, trái cây tiếp tục ổn định do thời tiết thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao so với tháng 2. Nguồn cung dồi dào nên giá có xu hướng giảm, su hào giảm còn 2.000đ/củ, bắp cải trắng 8.000đ/kg, rau cần, rau ngót các loại giảm từ 1.000 – 2.000đ/mớ, cà chua, bí xanh giảm còn 10.000đ/kg.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2013 ước tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 4,93% (công nghiệp tăng 4,95% và xây dựng tăng 4,79%); khu vực dịch vụ tăng khoảng 5,65%. 

Bộ Công thương đánh giá: Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: sức mua trong nước suy giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do hàng rào kỹ thuật của các nước dựng lên ngày càng gia tăng, giá một số hàng hoá nông sản xuất khẩu giảm... đã có tác động nhất định đến tình hình sản xuất cũng như các chương trình đầu tư phát triển của doanh nghiệp; thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán và dịch bệnh tiếp tục xảy ra ảnh hưởng đến cây trồng vật nuôi. 

Những yếu tố bất lợi trên tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư. 
Vũ Vũ