Chống lạm phát phải “chịu đau”

29/09/2011 07:32
Lạm phát đang giảm dần khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 đã ở mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm (0,82%), đây là tín hiệu tích cực nhưng chưa bền vững.
Lạm phát đang giảm dần khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 đã ở mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm (0,82%). Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Võ Trí Thành (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho rằng đây là tín hiệu tích cực nhưng chưa bền vững. Ông Thành nói: - Lạm phát theo tháng có xu hướng giảm, điều này không có gì bất ngờ, vì ngay từ đầu năm khi triển khai nghị quyết 11 của Chính phủ, đã có dự báo đỉnh của lạm phát (tính theo năm) sẽ nằm vào tháng 8. Đến tháng 9 xu hướng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, như vậy có thể dự báo lạm phát năm nay quanh ngưỡng 19-20%. Tuy nhiên kết quả đạt được nêu trên còn mong manh.
Ông Võ Trí Thành - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Võ Trí Thành - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thứ nhất, đây mới là tháng thứ hai liên tiếp có mức tăng CPI dưới 1%, trong khi quán tính của lạm phát, nhất là trong giai đoạn lạm phát cao, sẽ còn kéo dài. Thứ hai, việc chống lạm phát hiện nay phụ thuộc nhiều hơn vào các vấn đề bên trong. Xác suất để có cú sốc bên ngoài, ví dụ như giá thế giới leo thang, đã nhỏ hơn.
- Nhiều chuyên gia cho rằng có một nguyên nhân quan trọng khác là việc quản lý thị trường chưa được quan tâm đúng mức, nên giá cả từ nơi sản xuất đến phân phối trực tiếp cho người tiêu dùng có sự chênh lệch rất lớn?

- Vấn đề ở đây là làm sao để giá phản ánh đúng chi phí. Cần nhìn khâu phân phối ở góc độ là nó sẽ tác động lan tỏa đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Nếu hình thành và phát triển được mạng lưới phân phối hàng hóa để bảo đảm tính liên thông thì sẽ giảm dần các khâu trung gian đẩy giá hàng hóa tăng cao.

Ở đây xin nêu một vấn đề là khi bàn đến việc mở cửa thị trường phân phối, chúng ta không nên chỉ nhìn và lo lắng về việc cạnh tranh giữa trong nước và ngoài nước. Vấn đề này cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là tạo động lực cho sự phát triển nội tại của cả ngành phân phối.
Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định giá xăng dầu và hàng hóa cơ bản trong năm tới sẽ giảm 1-3 điểm %. Như vậy có thể áp lực về giá bên ngoài đỡ hơn, nhưng bên trong vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu ý. Ví dụ như chuẩn bị tăng lương. Kinh nghiệm cho thấy việc tăng lương luôn gắn với tâm lý lạm phát kỳ vọng. Hơn nữa trong những tháng cuối năm, áp lực từ sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư công đối với tín dụng rất lớn. Thứ ba, vẫn còn rập rình vòng xoáy đôla hóa, biến động giá vàng. Dự trữ ngoại hối mỏng, nhập siêu tuy có giảm nhưng vẫn còn cao (chín tháng khoảng 6,84 tỉ USD).* Phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây đã bàn sâu về lạm phát và đưa ra nhận định “nguyên nhân tiền tệ là chính”. Ông nghĩ sao về nhận định này? Nhìn chung các nghiên cứu xoay quanh chủ đề này mặc dù có những khác biệt nhất định nhưng đều đi đến thống nhất một số vấn đề cơ bản. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu của lạm phát trong những năm qua chính là sự “bành trướng” rất nhanh của tổng cầu. Nói một cách nôm na, đó là sự gia tăng quá mức tín dụng và đầu tư. Xin lấy ví dụ: tốc độ tăng trưởng tiền tệ (M2) là 43,7%, tín dụng là 53,9% vào năm 2007, mức tăng kỷ lục này là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra lạm phát cao vào năm 2008. Đến năm 2009, tình hình cung tiền quá mức nêu trên lặp lại (tuy tốc độ có thấp hơn năm 2007), dẫn đến lạm phát năm 2010 và 2011 bị đẩy lên cao. Vấn đề tiếp theo nằm ở tình trạng đôla hóa, vàng hóa. Khi tình hình bất ổn vĩ mô cao thì dễ tạo ra vòng xoáy “dịch chuyển” sang đôla, vàng... làm mất giá đồng tiền VN. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất ổn định các cân đối vĩ mô và đẩy lạm phát tăng cao thời gian qua nằm ở cơ cấu kinh tế, hiệu quả đầu tư. Nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, công nghệ lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào nguyên nhiên vật liệu bên ngoài. Chính vì vậy khi giá thế giới lên thì chúng ta bắt buộc phải “nhập khẩu lạm phát”. Ở đây có một hàm ý quan trọng là thông điệp chính sách phải nhất quán. Không thể hôm nay anh nói là ổn định vĩ mô, ngày mai lại nói thúc đẩy tăng trưởng, nới lỏng chính sách...- Để tiếp tục kiềm chế lạm phát trong năm 2012, có ý kiến cho rằng tăng trưởng tín dụng năm tới chỉ nên duy trì mức thấp khoảng 15-17%, tổng phương tiện thanh toán 14-16%? Do một thời kỳ dài có “dễ dãi” tín dụng nên nhiều doanh nghiệp dựa vào vốn vay, không ít doanh nghiệp có tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu rất cao. Vấn đề này chứa đựng nhiều rủi ro, ví dụ một doanh nghiệp không sao nhưng nhiều doanh nghiệp như vậy sẽ tạo ra áp lực để tiếp tục “bành trướng” tín dụng. Dĩ nhiên muốn chống được lạm phát phải “chịu đau”, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cần thấy rằng nếu để bất ổn vĩ mô trở lại và lạm phát bùng lên cao thì chúng ta sẽ trả giá rất đắt. Đã đến lúc không nên đi lại con đường tăng trưởng trong nhiều năm qua.- Về lý thuyết, khi lạm phát cao các nước thường sử dụng chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Với thực tế VN, chính sách tiền tệ nên được siết ở mức độ nào để vẫn đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh? Có ý kiến cho rằng giảm lãi suất thì chi phí giảm, nhưng cần trở lại một vấn đề cơ bản được đặt ra trong các nghiên cứu về lạm phát, đó là nguyên nhân chính nằm ở sự “bành trướng” của tổng cầu. Chắc chắn việc tiếp cận vốn thời gian tới sẽ còn khó khăn, chính vì vậy chúng ta mới đặt vấn đề hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh, tuy nhiên phải rất cụ thể. Ví dụ chúng ta hay nói cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận vốn, nhưng đây là nhóm doanh nghiệp chiếm đến hơn 90% số doanh nghiệp hiện nay, cho nên khó mà trải rộng được chính sách để bao trùm lên toàn bộ. Hơn nữa, trong điều kiện bình thường thì tỉ lệ tiếp cận vốn ngân hàng cũng chỉ chiếm khoảng 1/3 doanh nghiệp. Cần hướng nguồn tín dụng vào khu vực xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn...
Nguồn cung tăng, giá thực phẩm giảm

So sánh bảng ghi nhận giá các mặt hàng về chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM như Tân Xuân, Hóc Môn, từ thời điểm đầu tháng 9 và ngày 28-9 thấy giá heo hơi giảm 5.000-6.000 đồng/kg, thịt heo giảm bình quân 8.000 đồng/kg, thịt pha lóc như đùi, sườn non, cốt lết, nạc dăm... giảm 6.000-13.000 đồng/kg. Cho dù trong suốt tháng 9, mức giảm này có trồi sụt theo ngày nhưng xu hướng chung là giảm dần. Đặc biệt từ giữa tháng 9 đến nay, giá thịt heo - mặt hàng từng tăng nóng trong những tháng trước - đột ngột giảm mạnh.

Giá thực phẩm giảm từ đầu nguồn tạo điều kiện cho giá bán lẻ trên thị trường giảm theo. Giá thịt heo đùi giảm 9.000 đồng/kg, từ 94.000 đồng còn 85.000 đồng/kg, thịt ba rọi còn 90.000 đồng/kg, cốt lết 85.000 đồng/kg, giảm 11.000 đồng... Tương tự, thịt gia cầm cũng có những diễn biến giảm khác thường: giá thịt gà thả vườn rẻ hơn gà công nghiệp. Lý do: nông dân phải bán tháo để kịp tái đàn. Giá gà lông thả vườn chỉ còn 32.000-33.000 đồng/kg, trong khi hồi cuối tháng 8 là 36.000-37.000 đồng/kg. Riêng nhóm thủy hải sản, rau củ quả giá tương đối ổn định mặc dù nguồn hàng bị phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều.

Theo các tiểu thương, yếu tố quyết định đến xu hướng giảm giá trong tháng qua là nguồn cung dồi dào. Lượng hàng về chợ khá nhiều và ổn định sau một thời gian biến động do dịch bệnh, lãi suất cao khiến nông dân không mặn mà tái đàn.
Theo Tuổi trẻ