Chủ tịch Hiệp hội siêu thị HN: "Kinh doanh kiểu Grand Plaza là tự sát"

25/05/2011 07:13
(GDVN) - “Riêng việc khách hàng của Grand Plaza nhiều lần bị "bắt chẹt" phí gửi xe đến 10.000 đồng/giờ cũng đồng nghĩa với việc trung tâm này đang tự sát"...

(GDVN) - Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam về tình trạng kinh doanh ế ẩm tại Trung tâm thương mại Grand Plaza, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng: “Chỉ riêng việc Grand Plaza không rõ ràng trong hoạt động thu phí trông giữ xe khiến nhiều khách hàng đến đây bị "bắt chẹt" mức giá phi lý lên đến 10.000 đồng/giờ cũng đã đồng nghĩa với việc trung tâm này tự sát".

>> Trung tâm mua sắm lớn nhất HN Grand Plaza ảm đạm chưa từng thấy

>> Phí gửi xe quá "chát", trung tâm mua sắm lớn nhất HN bị tẩy chay?

gt
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ
tịch Hiệp hội Siêu thị Hà
Nội: "Grand Plaza đang
tự sát".
Sau 10 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm thương mại được đánh giá là "thiên đường mua sắm" ở đất Hà Thành - Grand Plaza (Cầu Giấy, Hà Nội) - đang lâm vào cảnh ảm đạm như chợ chiều khi lượng khách đến trung tâm ngày càng tụt giảm thảm hại. Tiểu thương cũng lần lượt bỏ quầy vì tình hình kinh doanh ế ẩm trong khi chi phí duy trì hoạt động tại đây lại quá cao.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần do mặt bằng giá hàng hóa trong Grand Plaza khá cao. Tuy nhiên, theo nhiều khách hàng nhận định, điều khiến họ ngần ngại đến Grand Plaza mua sắm là do không gian của trung tâm này... không thân thiện. Cổng ra vào trung tâm luôn bị chắn bởi 1 barrie  khiến Grand Plaza cách biệt như một khu... căn cứ quân sự. Thứ nữa là việc gửi xe tại đây khá... phức tạp. Nếu không đọc kỹ hướng dẫn hoặc không được bảo vệ tòa nhà chỉ dẫn cặn cẽ, người gửi xe có thể bị thu phí lên đến 10.000 đồng/giờ. Rất nhiều khách hàng đến Grand Plaza đã rất bức xúc khi phải "móc hầu bao" trả tiền gửi xe với mức giá này.

Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam về tình trạng kinh doanh ế ẩm tại Trung tâm thương mại Grand Plaza, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng: “Chỉ riêng việc Grand Plaza không rõ ràng trong việc thu phí trông giữ xe khiến nhiều khách hàng đến đây bị "bắt chẹt" mức giá phi lý lên đến 10.000 đồng/giờ cũng đã đồng nghĩa với việc trung tâm này “tự sát". Vì đứng cạnh nó đang có đối trọng lớn là siêu thị BigC. Do đó, trung tâm mua sắm này nếu muốn khẳng định chỗ đứng và thu hút khách hàng thì phải đứng độc lập. Nếu không biết chọn khách hàng mục tiêu, không biết tìm kiếm đối tượng khách hàng để nhắm tới coi như hỏng, thất bại chỉ là một sớm, một chiều”.

Theo ông Phú, muốn thu hút khách hàng, hàng hóa trong Grand Plaza phải có sự khác biệt, tạo điểm nhấn riêng cho mình. Nếu chỉ bán giống BigC với những đồ gia dụng, mắm muối, dưa cà thì “rất đáng lo”. “BigC đã tồn tại hàng chục năm, đã gây dựng được thương hiệu lớn. Do đó nếu hàng hóa của Grand Plaza lại giống như BigC thì tôi dám đảm bảo: anh sẽ thất bại. Nếu hàng hóa được bày  bán theo phương thức giống Parkson may ra còn được. Còn  chỉ là hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng bình dân  chắc chắn sẽ vắng như chùa bà Đanh”, ông Phú khẳng định.

Trong thời gian gần đây, với sự “nở rộ” của các trung tâm thương mại tại Hà Nội, các nhà đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam phải chịu áp lực nhiều hơn trong việc phải đổi mới, bứt phá, tạo sức hấp dẫn cạnh tranh với các “đối thủ” khác trong thời buổi kinh tế thị trường. Tuy nhiên, kinh doanh cũng là phải có cái tâm. Bản thân người bán hàng phải thật sự mong muốn có được khách hàng, gắn bó với khách hàng của mình. Chứ nếu nói như đại diện của chủ đầu tư thuộc tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc), ông Nguyễn Đức Dũng - trợ lý Phó Tổng Giám đốc: Mỗi nơi có các hình thức kinh doanh khác nhau nên khách hàng có quyền lựa chọn dịch vụ cho mình, cách trả lời này chẳng khác nào Grand Plaza “đuổi khéo” tầng lớp bình dân.

Trước đó, phản hồi tới báo Giáo Dục Việt Nam, bạn Nguyễn Văn Tú cho rằng, phát ngôn của đại diện tập đoàn Charmvit là sự vô trách nhiệm của một chủ đầu tư lớn. “Cứ để cho các ông đón tiếp khách Vip, khách có tiền đi, rồi sẽ ế chỏng chơ thôi!", Tú bức xúc.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội thẳng thẳn phê bình: “Grand Plaza trả lời như vậy "cứng cựa" quá. Bản thân tôi cũng không đồng ý với cách trả lời như vậy, vừa mất khách hàng vừa không được gì. Grand Plaza đưa ra mức giá trông xe 10.000 đồng/giờ đó, nếu không kiểm soát sẽ giống như việc thất bại trong quy hoạch chợ Trung tâm thương mại thành chợ hiện đại. Ý đồ cải tạo thành một chợ hiện đại đổ vỡ khi khách không vào thăm quan và mua sắm, vắng như chùa bà đanh khi vé trông xe lên tới 5.000 đồng/vé xe”.
a

Grand Plaza - Đẳng cấp mua sắm đích thực giờ trở nên đìu hiu,
vắng vẻ. (Ảnh: TP).

"Muốn mua sắm được nhiều thì khách hàng phải có thời gian lượn lờ, xem ngắm, đằng này cứ chốc chốc lại phải lo nhanh ra lấy xe (để đỡ mất thời gian) thì làm sao thoải mái được" - bạn đọc Phan Lan Uyên nhận xét về những bất cập trong phí gửi xe của Trung tâm thương mại này. Bất cứ ai đã từng một lần tới Grand Plaza cũng đều cho rằng: "Thu vé xe theo giờ là cách làm hết sức vô lý. Nếu gửi cả ngày, chẳng nhẽ mất luôn mấy trăm nghìn tiền gửi xe? Nếu kinh doanh theo cách đó thì Grand Plaza chỉ có nước đuổi khách về sớm".

Trong phản hồi gửi giaoduc.net.vn, bạn Bùi Hải Hà (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi nghĩ ban quản lý nên có thông tin và hướng dẫn cụ thể những vị trí phải đóng phí gửi xe cho khách hàng đến đây mua sắm. Khi chúng tôi đến TTTM, nhìn thấy bãi đỗ xe bên ngoài tòa nhà còn nhiều chỗ trống, theo thói quen chúng tôi sẽ đỗ xe ở đó (cho tiện), nếu biết biển thông báo mất phí, chúng tôi tiếc gì mấy phút đánh xe xuống hầm. Chính do việc thông tin mập mờ, thiếu hướng dẫn cụ thể nên quyền lợi khách hàng đến mua sắm mới bị ảnh hưởng".

Nói về giải pháp “gỡ bí” cho doanh nghiệp, tập đoàn Charmvit, ông Phú cho rằng: Kinh doanh phải đồng bộ, “nếu mỗi anh một mảnh là chết, tay nọ chém tay kia. Nhân viên an ninh không kiểm soát thu vé sẽ nảy sinh ra nhiều bất cập”.

Ông Phú nhắn nhủ: Để thành công, các Trung tâm thương mại phải gắn liền với các dịch vụ khác để phục vụ khách hàng tốt nhất từ ăn uống, vui chơi, cho tới giải trí cho trẻ em tới việc trông giữ xe cẩn thận, miễn phí.

“Bản thân lãnh đạo Grand Plaza phải tỉnh táo trong vấn đề này để thu hút khách hàng. Hai bên (Charmvit và ban quản lý Grand Plaza) nên gặp nhau để giải quyết việc này xuất phát từ cái tâm. Những dịch vụ đi cùng nếu có vấn đề cần kiến nghị trên tinh thần 2 bên đều có lợi: Tòa nhà thu được tiền và công việc kinh doanh cũng được đảm bảo. Vừa làm theo luật pháp, vừa phải mềm mỏng, có tiến, có lui, từ từ đi lên, thế mới là con người. Anh phải tính toán, một lần đo, một lần cắt – Đó là nguyên tắc “bất di bất dịch” của doanh nhân rồi”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Phương Hạ

>> Trung tâm mua sắm lớn nhất HN Grand Plaza ảm đạm chưa từng thấy

>> Phí gửi xe quá "chát", trung tâm mua sắm lớn nhất HN bị tẩy chay?

Bạn đã từng mua sắm, tham quan tại "Thiên đường mua sắm" Grand Plaza? Bạn nhận xét gì về chất lượng hàng hóa và dịch vụ tại đây? Bạn biết thêm những bất hợp lý nào khác tại các trung tâm thương mại, siêu thị?... Hãy chia sẻ đến báo Giáo Dục Việt Nam bằng cách ghi ý kiến vào ô phản hồi cuối bài viết hoặc gửi về địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để ý kiến được đăng tải. Trân trọng!