Có sự cạnh tranh không lành mạnh sau cáo buộc bầu Đức phá rừng

02/07/2013 12:25
Theo Infonet
Đó là nhận định của bà bà Hà Thị Thanh Bình - Tổng Thư ký AVIC và AVIL sau khi đơn vị này tiến hành cuộc điều tra, khảo sát độc lập tại các địa phương tại Lào và Campuchia nơi có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sau những cáo buộc của Global Witness.
Sau cáo buộc bầu Đức và Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) phá rừng tại Lào, Campuchia của Global Witness (Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu), Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) và Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) đã tiến hành cuộc khảo sát độc lập các hoạt động đầu tư trồng cao su của doanh nghiệp Việt Nam tại 2 quốc gia này.
Trao đổi về chi tiết về cuộc khảo sát với các cơ quan thông tấn báo chí, bà Hà Thị Thanh Bình - Tổng Thư ký AVIC và AVIL cho biết: Phương pháp khảo sát được tiến hành khách quan với hình thức hỏi đáp giữa cán bộ của AVIC, AVIL đối với người dân địa phương được chọn ngẫu nhiên tại khu vực triển khai các dự án, cũng như trao đổi với đại diện chính quyền một số tỉnh, thành tại Lào, Campuchia.

Bà Hà Thị Thanh Bình, Tổng Thư ký AVIC và AVIL phỏng vấn người dân địa phương về hoạt động của HAGL tại tỉnh Ratanakkiri – Campuchia
Bà Hà Thị Thanh Bình, Tổng Thư ký AVIC và AVIL phỏng vấn người dân địa phương về hoạt động của HAGL tại tỉnh Ratanakkiri – Campuchia

Để bảo đảm kết quả khảo sát chính xác, đích thân bà Hà Thị Thanh Bình - Tổng Thư ký AVIC và AVIL đã xuống thực địa tại khu đất rừng, khu vực trồng cao su của các doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Attapeu (Lào), tỉnh Ratanakkiri (Campuchia). 
Kết quả từ cuộc khảo sát cho thấy, chính quyền các địa phương của Lào, Campuchia đều khẳng định
doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư các dự án nông lâm nghiệp đều chấp hành nghiêm quy định pháp luật của nước sở tại dưới sự giám sát chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng. Riêng HAGL từ khi triển khai dự án đều tuân thủ đầy đủ mọi quy định, đảm bảo tiến độ, không vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường. Ngược lại, nhiều vùng đất nghèo khó trước đây đã được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư của HAGL, đời sống người dân được nâng cao về nhiều mặt. Đối với cáo buộc phá rừng của Global Witness, trên thực tế qua thị sát của các cán bộ AVIC, AVIL diện tích rừng giáp ranh các dự án mà HAGL đã và đang triển khai cho thấy đây là rừng nghèo, phần lớn là cây bụi cùng một số cây dầu có giá trị kinh tế thấp, không có cây gỗ quý. Nhiều hộ dân địa phương khi được tiếp xúc đều mong muốn HAGL tiếp tục duy trì hoạt động các dự án để người dân có việc làm với thu nhập ổn định vì trước đó đời sống của nhân dân rất khó khăn do đất cằn cỗi xơ xác do thiếu nước, cơ sở hạ tầng hầu như không được đầu tư.

Từ kết quả khảo sát bà Hà Thị Thanh Bình kiến nghị cần sớm có cơ chế phù hợp để hỗ trợ và bảo vệ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Việc Global Witness chọn 2 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thành công nhất tại Lào, Campuchia để đưa vào cáo buộc vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường trong khi có nhiều doanh nghiệp của nhiều quốc gia khác cũng đầu tư dự án có mục đích cho thấy có những dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Với vai trò của mình, AVIC và AVIL sẽ tổng hợp và báo cáo chính xác nhất hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cho Chính phủ Việt Nam, Lào, Campuchia để sau đó sẽ công bố tại buổi họp báo với sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài nước trong thời gian sớm nhất. "Chúng tôi đang tổng hợp kết quả cuộc khảo sát và sẽ có thông cáo báo chí công khai về vấn đề này" - bà Bình nói.

Trước đó Global Witness (Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu) đã quy kết HAGL đã vi phạm các vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường sống và pháp luật.

Theo Infonet