Coca Cola nói "không có lãi" cứ như chuyện đùa

10/06/2013 14:55
P.Liễu (th)
(GDVN) - “Tôi đọc những câu trả lời của lãnh đạo tập đoàn Coca Cola trên báo chí giải thích chuyện không nộp thuế tại Việt Nam mà cứ như họ đang nói chuyện đùa. Chẳng có logic nào giải thích được...” – TS Lê Đăng Doanh bức xúc.
Giải thích của Coca Cola cứ như chuyện đùa Trong cuộc gặp gỡ với báo giới ngày 6/6, Phó Chủ tịch Coca Cola, ông Irial Finan đã lý giải việc tập đoàn này không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Việt Nam 20 năm qua là do làm ăn chưa có lợi nhuận. Tuy nhiên, khi phóng viên VNE hỏi về thời gian cụ thể để tạo ra lợi nhuận cho Coca Cola thì ông Irial Finan chỉ hứa hẹn: “Chúng tôi tự tin sẽ có lãi trong vài năm tới, nhưng không thể đưa ra câu trả lời chính xác là bao giờ và không thể chắc chắn năm nào cũng có lãi. Đồng thời, vị phó chủ tịch tập đoàn đồ uống nổi tiếng toàn cầu này “đổ lỗi” cho chuyện làm ăn lỗ trong suốt thời gian dài là do năng suất lao động Việt Nam chưa cao và quy mô chưa đủ lớn.
TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM): Coca Cola nói vậy là đang thách thức các DN Việt Nam”.
TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM): Coca Cola nói vậy là đang thách thức các DN Việt Nam”.
Trước câu trả lời của vị Phó chủ tịch Tập đoàn Coca Cola, lên tiếng trên Infonet, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng: Chẳng có logic nào giải thích được chuyện họ lỗ 20 năm, vì nếu lỗ mà lại mở rộng sản xuất sẽ càng lỗ thêm. Tôi đọc những câu trả lời của lãnh đạo tập đoàn Coca Cola trên báo chí giải thích chuyện không nộp thuế tại Việt Nam mà cứ như họ đang nói chuyện đùa. Họ nói vậy là đang thách thức các DN Việt Nam.
Ông phân tích: Bình thường, một DN nếu 3 năm liền làm ăn thua lỗ thì chắc chắn sẽ phải đóng cửa. Trường hợp của Coca Cola lại ngược lại, kinh doanh 20 năm liền tại Việt Nam tập đoàn này công bố lỗ nên trốn đóng thuế, thậm chí số lỗ của họ còn lớn hơn vốn chủ sở hữu. Mặt khác, dù kinh doanh ''bi đát'', Coca Cola vẫn quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, nâng công suất từ 30 triệu thùng/năm lên 300-500 triệu thùng/năm. “Đây không phải là một rủi ro trong hoạt động kinh doanh, mà là lỗ trong chiến lược dài lâu”, ông nói. Không tỏ ra ngạc nhiên trước chuyện các DN FDI lợi dụng kẽ hở chính sách để chuyển giá, song TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) - nhận định, cách giải thích của lãnh đạo Coca Cola là chưa hợp lý. Theo ông, thực tế các DN như Coca Cola đang lợi dụng chuyện giám sát và quản lý tài chính yếu của cơ quan quản lý để “lách luật”. Mánh khóe để né thuế mà các DN như Coca Cola lợi dụng tại Việt Nam lâu nay là thay vì lấy tiền đóng thuế nộp cho ngân sách thì cố tình hạ giá bán xuống sát chi phí để bán được hàng. Các DN này phá giá cạnh tranh để “bóp nghẹt” các đối thủ Việt Nam.
Coca Cola chưa trả lời được dứt khoát khi nào thì có lãi tại VN. (Ảnh minh họa).
Coca Cola chưa trả lời được dứt khoát khi nào thì có lãi tại VN. (Ảnh minh họa).
“Với “mánh” này, nhiều DN Việt Nam đã bị hạ gục, trong nhiều lĩnh vực chúng ta đã bị xóa sổ cả một ngành. Ngay như lĩnh vực sản xuất nước giải khát, giờ còn duy nhất Tân Hiệp Phát là dám đương đầu với các DN ngoại” – TS Lê Xuân Nghĩa bức xúc.
Đã đến lúc người tiêu dùng thực hiện quyền năng của mình
Không chỉ các chuyên gia kinh tế, phản ứng trước câu trả lời của Coca Cola quanh câu chuyện đầu tư 20  năm nhưng không có lãi nên không phải đóng một đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nào tại Việt Nam, độc giả Nguyễn Đăng Khoa cho rằng: “Đây là cách giải thích đúng bản chất tư bản của các tập đoàn đa quốc gia. Rất nhiều tập đoàn tuyên bố là góp phần vào xây dựng, đóng góp cho cộng đồng, tạo công ăn việc làm... điều đó nhìn vào ở bề mặt thì đúng như vậy hết. Nhưng nếu nhìn phần chìm thì sẽ thấy là họ trả lương bao nhiêu cho công nhân? Tác động đến môi trường như thế nào?... Hãy nhìn vào hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ là Apple thì sẽ thấy. Họ đóng bao nhiêu thuế cho chính phủ nước họ, đời sống của công nhân sản xuất sản phẩm của họ ở Trung Quốc thì sao? Hãy là người tiêu dùng thông thái. Bản thân tôi đã không uống một giọt Coca Cola hay Pepsi nào”. Trở lại với câu chuyện chuyển giá của DN FDI - mà cụ thể là trường hợp Coca Cola, TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi về năng lực của ngành thuế: “DN báo lỗ triền miên, trốn nộp thuế mà ngành thuế không có biện pháp gì ngăn chặn, không làm rõ được… là câu hỏi lớn mà ngành thuế phải giải đáp cho công luận”. Bày tỏ quan điểm của mình trước làn sóng “tẩy chay” sản phẩm của các DN nghi án chuyển giá, ông Doanh nhấn mạnh, đã tới lúc người tiêu dùng thể hiện quyền năng của mình, tẩy chay sản phẩm cạnh tranh thiếu lành mạnh: “Coca Cola trốn nghĩa vụ thuế với Việt Nam, làm tổn hại tới DN Việt, thì đã tới lúc người dân Việt Nam nên cân nhắc có dùng sản phẩm này nữa hay không”. “Họ tìm cách chuyển giá tức là quay lưng lại với đất nước VN, người tiêu dùng VN. Như vậy thì có đáng dùng sản phẩm của họ không? Doanh nghiệp như vậy có phải là đáng trọng?” - Chủ tịch HĐQT, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Phan Đăng Tuất cũng từng bày tỏ. Trước đó, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam cũng thừa nhận: “Tôi đã 20 năm nay không sử dụng bất kỳ các sản phẩm có ga nào như Coca Cola”. Ông cho biết: “Các công ty đa quốc gia luôn luôn tối đa hóa lợi ích của mình, vì vậy việc họ tối đa hóa doanh thu là điều dễ hiểu”.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
P.Liễu (th)