Công khai biến chăn bẩn, chăn nhái thành hàng hiệu

09/08/2011 03:31
"Đầu tư máy móc cả tỷ đồng mà không sản xuất hàng nhái thì chỉ có chết", anh T, một chủ hàng ở Trát Cầu nói về công nghệ làm chăn nhái, giải hàng hiệu...

“Một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ như chúng tôi làm nên một thương hiệu rất khó khăn. Trong lúc đó, đầu tư máy móc cả tỷ đồng mà không sản xuất hàng nhái thì chỉ có chết. Còn sản xuất hàng không có thương hiệu thì sẽ không bán được, buộc phải nhái” -  anh T, một chủ hàng ở Trát Cầu thanh minh việc làm chăn nhái, giả hàng hiệu.

Bằng cách nào để những chiếc chăn bẩn, chăn “nhái” len được vào các phòng ngủ của các gia đình? Chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn cười khi nghe một chủ sản xuất ở Trát Cầu nói: “Chăn hàng hiệu hả? Chụp ảnh mang tới đây, tớ làm theo cho...”.

“Cần hàng hiệu nào? Chỉ cần chụp ảnh đưa tới đây”

“Anh thích loại chăn nào bọn em đáp ứng hết, mẫu mã không bàn cãi, nếu không đúng cứ trả lại, còn nhãn mác các hãng chăn công ty nào cũng có hết”. Một chủ cơ sở làm chăn ở làng Trát Cầu, xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội) đã khẳng định.

“Với người dân thôn Trát Cầu, để làm cái chăn giống chăn hàng hiệu thì quá đơn giản. Khách cần mẫu mã hãng chăn nào, chỉ cần chụp ảnh rồi đem tới đây, cần số lượng bao nhiêu, giá tiền thế nào các anh cứ đặt hàng chúng tôi đáp ứng đầy đủ”. Anh Kh. một chủ cơ sở quảng cáo vậy, khi chúng tôi đến tìm hiểu nguồn hàng, để về bán và bỏ mối.

  Chăn được tập kết chở đi tiêu thụ
Chăn được tập kết chở đi tiêu thụ.

Tưởng chúng tôi là những người có cửa hàng bán chăn, đệm đang muốn nhập hàng về bán, anh Kh. gợi ý: Mua hàng hiệu Singvihan nhé? Và đưa ra bảng giá cho thương hiệu này là: Chăn đông contton loại 2,2 – 2 m giá bán 960.000 đồng/chiếc, bộ chăn ga, gối loại 1,6 – 2m có giá 2.750 nghìn đồng/bộ. Chúng tôi nói: “Với mức giá này để bán cho vùng nông thôn là hơi đắt nên mua loại nhái thương hiệu này còn chất lượng bên trong thế nào cũng được...”. Anh hồ hởi đồng ý ngay.

Anh Kh. không quên giao hẹn thêm: “Hàng loại này chỉ có bông sợi loại 3, 4 thôi. Còn với đệm làm nhái không có gì khó khăn, chỉ cần mua vỏ của công ty sau đó về dùng ruột rẻ tiền thay vào”.

Mác chăn “xịn” 15.000 đồng/cái

Có nhiều cách để “trà trộn” thật giả. Mánh khóe người sản xuất thường dùng nhất là mua vỏ chăn của các hãng có thương hiệu, sau đó sản xuất ruột chăn bằng nguồn liệu rẻ tiền, nguyên liệu tái chế rồi tự lồng vào, đóng gói và tung ra bán.

Ngoài ra, tại các cơ sở này thường mua một vài bộ “chuẩn” của các hãng lớn để trưng bày, nhưng khi có khách mua thì lấy từ kho ra những bộ chăn nhái. Hoặc những hộ dân không có tiền đầu tư máy móc thì nhập về những bộ chăn không có thương hiệu, sau đó gắn nhãn mác để bán chênh lệch giá…

Một chiếc máy sản xuất chăn, ga, gối, đệm.
Một chiếc máy sản xuất chăn, ga, gối, đệm.

Tại Trát Cầu luôn có đủ các mặt hàng từ chăn rẻ tiền 50.000 đồng/cái, cho tới loại cao cấp nhái y chang các thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc, Italia… với giá lên tới cả triệu đồng/chiếc... Với đủ loại mẫu mã, màu sắc, chất lượng.

“Bằng công nghệ vi tính, chúng tôi sẽ thiết kế cho ra những sản phẩm theo yêu cầu. Từ hoa văn, đến đường chỉ đều làm bằng máy hết nên đảm bảo giống y nguyên bản hàng hiệu chuẩn. Logo, nhãn mác loại nào cũng không thiếu, mỗi một mác có giá 500 đồng/cái, nếu mác kỳ công hơn thì 15.000 đồng/cái” - một chủ cơ sở sản xuất chăn giới thiệu.

Trưng hàng thật, bán hàng giả?


“Chăn sản xuất từ Trát Cầu có mặt ở hầu hết các tỉnh. Lái xe chúng tôi thường tới cơ sở bắt mối để khi đối tác yêu cầu thì chở hàng tới. Tôi thường chở hàng vào Vinh, Đà Nẵng, Hải Phòng, tới các đại lý lớn.

Từ đây, họ sẽ phân phối tiếp tới các đại lý nhỏ, tới cả các huyện và  xã. Người ta yêu cầu mình làm mặt hàng nào mình cũng đáp ứng được hết. Nếu như họ mua với số lượng nhiều thì sẽ đưa hàng đến tận nơi. Còn ít thì nhờ xe khách, tàu để gửi hàng đi...” – anh L., người lái xe thường xuyên lấy hàng từ Trát Cầu cho biết.

 Một cơ sở sản xuất trương bày đẩy đủ mẫu mã sản phẩm, từ chăn 50.000 đồng/chiếc đến chăn tiền triệu.

Một cơ sở sản xuất trương bày đẩy đủ mẫu mã sản phẩm, từ
chăn 50.000 đồng/chiếc đến chăn tiền triệu.

Một số chủ sản xuất ở Trát Cầu nói rằng, chăn, ga, gối, đệm do họ sản xuất đã có mặt ở hầu khắp cả nước. Mỗi ngày có tới hàng trăm xe chở hàng đi các tỉnh.

Trước kia, sản phẩm chuyển đi từ Trát Cầu là hàng đã đóng gói nguyên kiện, đã gắn nhãn hiệu giả, nên khi bị bắt là dân buôn bị mất hết. Sau này, bị bắt nhiều lần quá, các chủ hàng đối phó bằng cách tách biệt khâu chở vỏ riêng, ruột riêng, hoặc trà trộn hàng nhái với hàng hiệu chính hãng.

Anh lái xe nói rằng, các cửa hàng chăn ga gối đệm dù ở Hà Nội hay tỉnh lẻ đa số đều có chung một ‘mẹo”:  Trưng biển hiệu chăn ga gối đệm có thương hiệu để hút khách và chỉ bày bày một số mẫu mã hàng chính hãng. Còn hàng nhái cất đi tránh cơ quan chức năng kiểm tra. Khi khách hàng thỏa thuận mua, và trả tiền xong thì người bán sẽ đem từ kho ra, đóng gói, chở đi....

“Một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ như chúng tôi làm nên một thương hiệu rất khó khăn. Trong lúc đó, đầu tư máy móc cả tỷ đồng mà không sản xuất hàng nhái thì chỉ có chết. Còn sản xuất hàng không có thương hiệu thì sẽ không bán được, buộc phải nhái” -  anh T, một chủ hàng ở Trát Cầu  nói.

Nhờ lãi to, chỉ việc nhập mua hàng đầu vào giá rẻ nhưng bán ra theo giá hàng công ty (hàng hiệu), các đại lý chăn ga gối đệm ngày càng hào hứng nhập chăn gối “nhái” của Trát Cầu để phân phối diện rộng trên thị trường.

Cộng thêm lí do tâm lí mua sắm dễ dãi và sính hàng hiệu của người tiêu dùng, khiến cho việc sản xuất chăn giả trở thành nghề đắc lợi của người dân Trát Cầu.

Theo bee.net.vn

Tin đọc thêm:

>> Choáng với trái cây “mác” Úc, Mỹ để cả năm không… thối

>> Sự thật chất lượng hàng đầu VN của máy lọc nước Kangaroo

>. Tẩm hóa chất biến quả non thành quả già "bắt mắt"

alt