Công ty Mạnh Cầm xin lỗi khách hàng về sai sót nhãn mác sữa Danlait

23/04/2013 15:21
Bình An
(GDVN) - Sáng nay (23/4), Công ty TNHH Mạnh Cầm - đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm sữa dê Danlait có nguồn gốc nhập khẩu từ Pháp - đã tổ chức họp báo công bố kết quả của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia và chính thức xin lỗi khách hàng vì những thiếu sót trên nhãn mác gây tranh cãi trong thời gian qua.
Đại diện của nhóm khách hàng tham gia buổi họp báo là chị Cao Ngân Hà - người đầu tiên lên tiếng "tố" chất lượng và những mập mờ thông tin của sữa dê Danlait.
Kết quả kiểm nghiệm sữa Danlait là chính xác
Theo diễn biến, ngày 5/4, chị Cao Ngân Hà đã đăng tải trên mạng xã hội facebook (với nick là Hà Galaxie) hình ảnh và phân tích kết quả trong phiếu kiểm nghiệm sữa dê Danlait 1, được thực hiện tại Viện Pasteur TP.HCM. Theo đó, kết quả của phiếu kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng đạm của sản phẩm Danlait chỉ đạt 4,13% (thông tin trên hộp sữa là 17,5%), hàm lượng natri là 1606,2mg/l (cao gấp 4,2 lần so với tiêu chuẩn CODEX - Ủy ban Kỹ thuật quốc tế) và kali là 3553,7mg/l (cao gấp 2,9 lần so với tiêu chuẩn CODEX). Hàm lượng protein của loại sữa này chỉ ngang với thức ăn dành cho gia súc. Trong khi người tiêu dùng chưa hết bức xúc về kết quả kiểm nghiệm này thì ngay sau đó, Viện Pasteur TP.HCM lại đưa ra thông báo: Kết quả kiểm nghiệm thực phẩm bổ sung Danlait có nhầm lẫn. Cụ thể: Trong quá trình tiến hành thử nghiệm chỉ tiêu protein, phòng KN Hóa Lý -  Vi sinh Viện Pasteur đã nhầm lẫn trong tính toán kết quả cuối cùng là không chia cho khối lượng mẫu cân nên báo cáo kết quả gửi khách hàng là 4,13% và kết quả tính toán lại là 13,2% so với hàm lượng protein ghi trên nhãn là 12,8%.
Vợ chồng chị Cao Ngân Hà tranh luận với nhà sản xuất trong buổi họp báo diễn ra sáng nay do Công ty Mạnh Cầm tổ chức.
Vợ chồng chị Cao Ngân Hà tranh luận với nhà sản xuất trong buổi họp báo diễn ra sáng nay do Công ty Mạnh Cầm tổ chức.
Mặc khác, thông báo cũng cho biết có nhầm lẫn đã ghi phương pháp áp dụng là TCVN3705:90 phương pháp kiểm nghiệm protein cho thủy sản. Chỉ tiêu Kala và Natri đã ghi sai đơn vị tính (Ml/g) thay vì mg/kg hoặc % (Kl/kl).
Chính những sai sót của Viện Pasteur TP.HCM khiến nhiều khách hàng nghi ngờ kết quả kiểm tra "có vấn đề". Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sáng nay, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, đơn vị đã tiến hành kiểm tra mẫu sản phẩm sữa dê Danlait từ đội quản lý thị trường số 12 của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Theo kết quả kiểm nghiệm, hàm lượng Protein của mẫu sữa dê Dnalait 1 là 13,4% (trên nhãn là 12,8%). Hàm lượng protein của sữa Danlait 2 là 17,4% (trên nhãn lã 17,5%) mẫu sữa Danlait 3 là 18% (trên nhãn là 18%). Bà Hảo khẳng định kết quả kiểm nghiệm trên hoàn toàn chính xác và Viện sẽ chịu trách nhiệm về kết quả kiểm nghiệm của mình.NTD muốn kiểm nghiệm lại, Công ty Mạnh Cầm: "Không cần thiết!" Nghi ngờ kết quả kiểm nghiệm bị "bẻ cong", trong cuộc họp báo nhiều khách hàng bày tỏ mong muốn có một đơn vị thứ 3 kiểm nghiệm lại sữa dê Danlait với sự chứng kiến của các bên. Tuy nhiên, ông Đặng Quang Mạnh - Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm cho rằng: "Sản phẩm sữa dê Danlait rất tốt, đạt chất lượng sản phẩm nên chúng tôi không cần phải đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm ở một đơn vị nào khác. Thực tế kết quả kiểm nghiệm của cơ quan quản lý ở Pháp và ở Việt Nam hoàn toàn chính xác". Ông Mạnh chỉ thừa nhận: "Chúng tôi đã có thiếu sót trong ghi sai nhãn mác phụ không làm chủ được thông tin để người tiêu dùng có lúc hiểu sai về sản phẩm" và gửi lời xin lỗi tới khách hàng vì "công ty vẫn còn non trẻ". Về chất vấn của người tiêu dùng quanh nghi ngờ nguồn gốc sản phẩm Danlait không được bán ở Pháp, thậm chí có thể xuất xứ từ Trung Quốc, ông Hervé Lanoë -  Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty FIT (đơn vị sản xuất sản phẩm Danlait) khẳng định: Sản phẩm sữa dê Danlait được sản xuất tại nhà máy ở Pháp, áp dụng các quy chuẩn của châu Âu đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em, mà cụ thể là chỉ thị 2006/141/EC của Ủy ban Châu Âu ban hành ngày 22/12/2006. Sản phẩm sữa dê Danlait với vỏ hộp, mẫu mã, thiết kế bao bì thuộc Công ty FIT, còn nhãn hiệu Danlait thuộc sở hữu của Công ty Mạnh Cầm, được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và tại Pháp.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Bình An