Đề nghị thu hồi lồng đèn Trung Quốc chứa chất gây ung thư

24/09/2012 14:25
Ông Trần Hùng - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương - khẳng định sẽ chỉ đạo rà soát kiểm tra, thu hồi và kiến nghị cấm nhập khẩu mặt hàng này.
Trao đổi với PV ngày 23/9, xung quanh việc mẫu lồng đèn con chuồn chuồn có chất độc gấp 123 lần mức cho phép, có khả năng gây ung thư, ông Trần Hùng - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương - khẳng định sẽ chỉ đạo rà soát kiểm tra, thu hồi và kiến nghị cấm nhập khẩu mặt hàng này.
Lồng đèn có xuất xứ từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường - Ảnh: T.T.D.
Lồng đèn có xuất xứ từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường - Ảnh: T.T.D.
Ông Hùng cho biết theo quy định, tất cả các loại đồ chơi đưa ra lưu thông trên thị trường phải đảm bảo chất lượng, được kiểm soát chặt chẽ về độ an toàn phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN3). Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu, tất cả sản phẩm đều phải được kiểm định, gắn dấu hợp quy trước khi nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm được quy định rất rõ do các đơn vị có chức năng bao gồm các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, 2 và 3, Trung tâm Chứng nhận phù hợp của Bộ Khoa học - công nghệ. “Đối với các sản phẩm đồ chơi trẻ em chứa hàm lượng độc tố vượt mức cho phép, cần xem xét lại việc kiểm định chất lượng, cho phép nhập khẩu sản phẩm đối với các trung tâm kiểm định. Vì hiện nay, những trung tâm kiểm định này là đơn vị “gác cổng” đầu tiên và quyết định cho sản phẩm này được phép nhập khẩu và lưu thông” - ông Hùng cho hay. Ông Hùng cũng cho biết thêm Cục Quản lý thị trường cũng chỉ đạo chi cục quản lý thị trường các tỉnh thành tăng cường kiểm soát đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em. Hiện nay tình trạng các sản phẩm đồ chơi trẻ em được nhập lậu, không được kiểm định độ an toàn cũng như các sản phẩm đồ chơi bạo lực bị cấm được bày bán khá nhiều trên thị trường. Hầu hết sản phẩm này có nguồn gốc từ Trung Quốc. “Hiện nay tình trạng kiểm soát việc lưu thông hàng hóa tại các tỉnh biên giới còn khá lỏng lẻo. Thậm chí hàng giả, nhập lậu từ Trung Quốc có thể đi nguyên xe tải lớn không có giấy tờ từ biên giới vẫn đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Nhiều cán bộ kiểm tra có dung túng cho hoạt động này” - ông Hùng khẳng định.
Mẫu lồng đèn con chuồn chuồn đã được xét nghiệm có chất độc gấp 123 lần mức cho phép.
Mẫu lồng đèn con chuồn chuồn đã được xét nghiệm có chất độc gấp 123 lần mức cho phép.
Theo quy định của Bộ Khoa học - công nghệ, kể từ ngày 15/4/2010, tất cả sản phẩm đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường phải có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu CR. Theo quy định này, sản phẩm đồ chơi trẻ em được kiểm tra rất chặt chẽ với các phương pháp thử: thử cơ lý, thử chống cháy, thử hóa học, các nguyên tố độc hại, hàm lượng formaldehyde... Tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay các sản phẩm đồ chơi trẻ em không đủ tiêu chuẩn vẫn được bày bán tràn lan tại các cửa hàng cũng như trước cổng trường học, vỉa hè... Khu vực Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM) được xem là nơi bán sỉ các loại đồ chơi trẻ em lớn nhất ở phía Nam. Tại đây, đồ chơi được đóng thành những bịch lớn hoặc đựng trong các rổ lớn bày la liệt cho khách lựa chọn. Những loại đồ chơi nhựa hình siêu nhân, robot, nhân vật hoạt hình... được sơn phết màu sắc lòe loẹt có giá 10.000-30.000 đồng/cái không hề có bất cứ thông tin gì về nhà sản xuất, thông tin chất lượng. Bà H., chủ sạp tại đây, cho biết sản phẩm chủ yếu được thương lái ở Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây mua về bán lẻ. Tất cả sản phẩm đều có nhãn mác đầy đủ nhưng “dán không xuể”. Đặc biệt, với sản phẩm “bong bóng trái tim” có dung dịch chứa trong bịch nhỏ. Khi tác động lực mạnh vào bịch, sản phẩm phình to thành hình trái tim. Tuy nhiên bao bì sản phẩm toàn chữ Trung Quốc, không có bất cứ thông tin cảnh báo về dung dịch này bằng tiếng Việt. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết sau một thời gian dài thực hiện quy định dán tem hợp quy CR trên đồ chơi trẻ em, nhiều đơn vị đã áp dụng. Tuy nhiên, tình trạng “quên” dán tem hoặc thậm chí sử dụng tem tự in để đối phó cơ quan chức năng, qua mặt người tiêu dùng vẫn còn nhiều. Từ đầu năm đến nay, đơn vị xử lý hàng chục vụ vi phạm không dán tem CR, sai phạm công bố chất lượng sản phẩm, nhãn hàng hóa... Vi phạm không dán tem CR được áp dụng theo khung xử phạt từ 10-15 triệu đồng. Trường hợp tái phạm nhiều lần, cơ sở bị tước giấy phép kinh doanh.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!