Đến cuối năm, Hà Nội có gần 700 điểm bán hàng bình ổn giá

23/08/2011 20:25
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục mở thêm khoảng 100 điểm bán hàng bình ổn giá, nâng tổng số điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn Thủ đô lên gần 700 điểm.
Nhằm góp phần bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố, từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục mở thêm khoảng 100 điểm bán hàng bình ổn giá, nâng tổng số điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn Thủ đô lên gần 700 điểm.
Khách hàng lựa chọn hàng tại một điểm bán hàng bình ổn giá.
Khách hàng lựa chọn hàng tại một điểm bán hàng bình ổn giá.
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết tại cuộc họp báo về chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố, do Sở Thông tin Truyền Thông và Sở Công thương Hà Nội tổ chức, chiều 23/8.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, đến thời điểm này, sau bốn tháng triển khai Chương trình ”Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội năm 2011” thành phố đã tạm ứng vốn đợt 1 cho 11 doanh nghiệp tổng số tiền trên 319 tỷ đồng.

Hơn 560 điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó có tới 271 điểm ở khu vực ngoại thành (tăng gấp ba lần so với năm 2010) đang tổ chức bán với giá bình ổn đúng các mặt hàng thiết yếu đã cam kết.

Giá hàng hóa tại các điểm bán hàng bình ổn đều được niêm yết rõ ràng và tương đối ổn định, không có tình trạng tăng giá bất thường tại các điểm bán.

Hàng hóa tại các điểm bán nhìn chung phong phú, đa dạng, có bao bì, nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo chất lượng.

Các doanh nghiệp cũng đã tổ chức bán hàng bình ổn thường xuyên, liên tục; cam kết không để xảy ra thiếu hàng, đặc biệt những thời điểm xảy ra mưa bão.

Việc sắp xếp, trang trí hàng hóa tại các điểm bán hàng bình ổn cũng đảm bảo văn minh thương mại, thuận tiện cho khách hàng đến mua sắm.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở Công thương và Sở Thông tin-Truyền thông Hà Nội nhấn mạnh, để chương trình bình ổn giá đến được với đông đảo người dân hơn, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng chương trình này đến người dân và cả doanh nghiệp; Chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất; Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm đồng thời hỗ trợ kịp thời những doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình triển khai công tác bình ổn giá…

Theo TTXVN/Vietnam+