Hiệp hội bán lẻ VN: Webtretho, Lamchame gây nhiễu loạn thông tin

25/06/2013 14:57
Hà Nhi
(GDVN) - Ông Vũ Vinh Phú - Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội bán lẻ VN cho rằng: Dù diễn đàn mở ra tôn trọng quyền tự do ngôn luận của mọi người nhưng “phải có tổ chức, chứ không thể muốn nói thế nào thì nói, gây ra việc loạn, nhiễu thông tin”.
Bộ Thông tin&Truyền thông cần phải vào cuộc
Gần đây, không ít các doanh nghiệp đã lên tiếng phản đối các diễn đàn như Webtretho, Lamchame khi các thành viên trên diễn đàn này đăng nhiều thông tin sai lệch, chưa có kiểm chứng ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp Việt.
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam về “vấn nạn” này, ông Vũ Vinh Phú - Ủy viên Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đề nghị: Bộ Thông tin&Truyền thông cần phải có những quy định rõ ràng nêu trong thông tư, hướng dẫn để các diễn đàn cũng như mọi người tiêu dùng phải có trách nhiệm trước lời nói của mình, nói chuẩn, nói đúng và phải có địa chỉ chính xác. 
“Tất cả những công bố vu vơ, không có trách nhiệm, không có giá trị sẽ có hình thức xử lý” – ông Phú kiến nghị.
Theo ông Vũ Vinh Phú - Ủy viên Hiệp hội bán lẻ Việt Nam: Bộ Thông tin và Truyền thông cần vào cuộc để xử lý tình trạng đăng thông tin không kiểm soát tại không ít các diễn đàn như Lamchame, Webtretho,...
Theo ông Vũ Vinh Phú - Ủy viên Hiệp hội bán lẻ Việt Nam: Bộ Thông tin và Truyền thông cần vào cuộc để xử lý tình trạng đăng thông tin không kiểm soát tại không ít các diễn đàn như Lamchame, Webtretho,...

Ông Phú cho rằng: Không ai cấm diễn đàn bởi mọi người đều có quyền tự do dân chủ nhưng đều phải trong khuôn khổ cho phép. “Diễn đàn nào thì diễn đàn cũng phải có tổ chức, chứ không thể muốn nói thế nào thì nói, như thế gây ra việc loạn, nhiễu thông tin” – ông Phú nói.
Trên thực tế, trong một môi trường kinh doanh khốc liệt, chuyện đối thủ lợi dụng nói xấu doanh nghiệp khác không hề hiếm, việc một thế lực nào đó trong bóng tối nói xấu người ngoài ánh sáng là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nếu diễn đàn không kiểm soát thông tin, cho phép các thành viên tự do ngôn luận, không ít các chuyên gia đều đánh giá: Như thế chẳng khác “tiếp giáo cho giặc”.
"Các doanh nghiệp bị thiệt hại từ những thông tin đăng tải không chính xác trên trang Webtretho, lamchame hoàn toàn có quyền khởi kiện nhờ cơ quan pháp luật can thiệp. Về mức xử phạt sẽ dựa trên tổn hại về kinh tế, thương hiệu từ thông tin này gây ra", Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư Bắc Giang đã từng chia sẻ trên Giaoduc.net.vn.
Đây là thời điểm các DN Việt chứng minh: Tôi chính trực

Có thể thấy, trước khi có mạng xã hội, các forum được sử dụng như một tính năng của web 2.0, tuy nhiên, về sau này, các forum dần dần bị biến mất chỉ còn lại một số forum về chuyên ngành vẫn sống được.

“Biến mất là bởi vì những người lên đăng ký nickname trên đó không cần phải lộ rõ danh tính. Ví dụ, mạng xã hội ngày nay như Facebook phải có danh tính thì người ta mới kết bạn hoặc ít ra là phải có ảnh đại diện để nhận biết, có giới tính nữ hay nam, thậm chí, người ta có thể sẽ phải xem trước abum ảnh của gia đình hay cá nhân, nhận thấy là người tử tế thì người ta mới kết bạn” – ông Trần Chiến Bình, Giám đốc điều hành, Teamwork PR nhận xét. 

Trong khi đó, trên các forum, người đọc sẽ không biết các thành viên kia là ai, là trai hay là gái, chính vì vậy forum dần mất đi sức mạnh của mình. 

“Theo tôi, những forum đó không đáng sợ… Khi mọi người trên diễn đàn kêu gọi tẩy chay một sản phẩm, một đơn vị, một doanh nghiệp nào đó, điều đó có nghĩa là mọi người rất quan tâm tới tính chính trực của thông tin ấy. Theo cách nhìn nhận của một chuyên gia, tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để doanh nghiệp chứng tỏ: Tôi là chính trực, tôi là người tử tế” – ông Bình đưa ra quan điểm của mình.

Theo ông Bình, trước thông tin bị bêu xấu trên diễn đàn Lamchame hay Webtretho hoặc bất kỳ diễn đàn nào khác, các doanh nghiệp “không có gì phải hoảng sợ”. Điều mà doanh nghiệp cần làm là đến topic đó để chứng minh “tôi là đúng”.

“Thông thường khi không có tin đồn, nếu anh (doanh nghiệp - pv) tự lên nói “tôi tốt, tôi đẹp” thì sẽ không ai nghe, nhưng khi có người đặt vấn đề hoài nghi về chất lượng của sản phẩm thì đây chính là cơ hội tốt để chứng minh trước đám đông rằng: Tôi là một đơn vị uy tín khi công khai đưa ra những chứng chỉ công nhận đảm bảo chất lượng để chứng minh” – ông Bình nói.

Bên cạnh đó, không ít các DN thường xử lý khủng hoảng khi bị bêu xấu bằng cách yêu cầu website, diễn đàn rút bài, tuy nhiên theo ông Bình đây không phải là cách làm hay.

“Rất nhiều khách hàng khi gặp các chuyên gia PR thường đặt vấn đề mong muốn rút bài ở chỗ A, rút bài ở chỗ C… Hiện tượng này tồn tại ở xã hội VN cũng như ở Trung Quốc hay Nga đã rất lâu rồi. Tuy nhiên, tôi nghĩ: không việc gì phải rút bài cả. Nhiệm vụ của tôi là phải chứng minh tôi là sạch sẽ, tôi là chính trực, tôi là vì người tiêu dùng. Cần phải làm sâu việc đó” – ông Bình nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên của ông Bình, một doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành bán lẻ cũng cho rằng: Những lời bêu xấu trên diễn đàn Lamchame hay Webtretho tuy có ảnh hưởng tới tình cảm của người tiêu dùng nhưng quyết định của họ sẽ dựa trên nhu cầu và trải nghiệm thực tế chứ không phải phụ thuộc vào những lời bôi nhọ thiếu căn cứ.

“Vì người đã “dính” sự cố thì nhiều khả năng họ không dùng lại sản phẩm hoặc dịch vụ là đương nhiên. Người chưa “dính” sự cố thì vẫn tiếp tục, còn người chưa có dịp trải nghiệm thì không vì comment trên diễn đàn mà không trải nghiệm” – doanh nghiệp trên cho biết.
Hà Nhi