Hiệp hội xăng dầu VN: Xăng tăng giá, chúng tôi rất bất ngờ

30/03/2013 07:31
Vũ Vũ
(GDVN) - Chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam, một thành viên của Hiệp hội xăng dầu VN cho biết: Họ cũng rất bất ngờ về việc xăng tăng giá “kỷ lục” lần này.
“Sốc” trước quyết định của Bộ Tài chính
Chiều tối 28/3, Bộ Tài chính bất ngờ phát đi thông báo cho phép doanh nghiệp xăng dầu được điều chỉnh tăng giá từ 362 đồng – 1.430 đồng/lít, kg xăng dầu, có hiệu lực từ 20h cùng ngày.
Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới liên tục sụt giảm, các đại lý xăng dầu được tăng hoa hồng gấp 3 – 4 lần những ngày trước còn doanh nghiệp đầu mối vẫn được sử dụng quỹ bình ổn ở mức rất cao. Quyết định tăng giá này của Bộ Tài chính khiến không chỉ người dân ngỡ ngàng mà Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cũng bất ngờ không kém.
Do mới thành lập, đang hoàn thiện các thủ tục công nhận nên Hiệp hội xăng dầu VN cho biết: Hiệp hội chưa đủ “danh chính ngôn thuận” để có thể lên tiếng vào lúc này, tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, một người đang công tác tại Hiệp hội cho biết: “Chúng tôi cũng rất bất ngờ trước thông tin này. Tuy nhiên, đó là quyết định của Bộ Tài chính”.

Chiều tối 28/3, Bộ Tài chính bất ngờ phát đi thông báo cho phép doanh nghiệp xăng dầu được điều chỉnh tăng giá từ 362 đồng – 1.430 đồng/lít, kg xăng dầu, khiến người dân vô cùng bất bình.
Chiều tối 28/3, Bộ Tài chính bất ngờ phát đi thông báo cho phép doanh nghiệp xăng dầu được điều chỉnh tăng giá từ 362 đồng – 1.430 đồng/lít, kg xăng dầu, khiến người dân vô cùng bất bình.
Sở dĩ giá xăng lần này tăng đột biến, theo lý giải của Bộ Tài chính, bộ phải tăng giá xăng là do quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp hầu như đã hết, trong khi giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới với nước ta lại rẻ hơn từ 2.000 – 5.000 đồng/lít, dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp.
Tuy nhiên, lý giải này không được người dân đồng tình, các chuyên gia kinh tế cũng bất bình.
“Chính quỹ bình ổn đã làm rối giá xăng dầu” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Chia sẻ trên báo Lao động online, ông Phong nói: “Vào thời điểm cuối tháng 2, lẽ ra có thể tăng giá bán lẻ xăng dầu do giá thế giới lên cao nhưng cơ quan quản lý không cho tăng giá mà tăng xả quỹ bình ổn để bù đắp. Đến lúc này, giá thế giới đã giảm tới hơn 10 USD/thùng thì chúng ta lại cho tăng giá vì cạn quỹ. Như vậy, giá xăng dầu trong nước luôn bị nén lại và có độ trễ, đến lúc tăng thì phải tăng “sốc”. “Cách điều hành này khiến người dân bức xúc và làm mất uy tín của cơ quan điều hành giá. Hơn nữa, quỹ bình ổn do DN quản lý không minh bạch, càng khiến người dân mất niềm tin hơn”.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì phản đối: Nếu khẳng định quỹ đã cạn thì phải tính toán và công khai cho người dân. Hơn nữa, quỹ bình ổn giá đã trích ra cao hơn mức lỗ thực và các công ty siêu lãi trong suốt thời gian giá xăng dầu thế giới giảm.
“Như vậy người dân phải đóng 300 đồng/lít cho quỹ bình ổn giá mà trích quỹ như thế  là vi phạm quá rõ ràng” - ông Doanh nói.

Chắc chắn chỉ số giá tiêu dùng tháng tới sẽ tăng

Đó là khẳng định của một chuyên gia kinh tế khi trao đổi với báo Tiền Phong. “Giá điện, giá xăng dầu đều tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi tăng giá, mọi thứ đầu vào sẽ tăng. Điều này càng làm cho DN khó khăn và đời sống người dân thêm khốn khó”, vị chuyên gia kinh tế băn khoăn.
Theo chuyên gia này, điều khó hiểu là, tại sao Bộ Công Thương và Tài chính không để giá xăng dầu vận hành theo quy định tại Nghị định 84. “Nếu cứ đúng quy định tại Nghị định 84, giá xăng dầu không thể cứ tăng mãi như hiện nay. Vì thực tế, giá thế giới đã giảm trong suốt 20 ngày qua”, vị chuyên gia nói.
Tối muộn 28/3, ngay sau khi có thông tin tăng giá, một lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khi trao đổi với PV Tiền Phong cũng cho biết: Ngay sau khi Bộ Tài chính thông báo tăng giá xăng dầu từ 8 giờ tối 28/3, đơn vị nhận được nhiều ý kiến phản đối từ phía người dân. Đa số người dân đều bức xúc với quyết định này.
Vị lãnh đạo này cho rằng, việc Bộ Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu là “không có sự lựa chọn nào khác”, vì thực tế, giá xăng một số nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Trung Quốc đang cao hơn Việt Nam.
Theo giám đốc một đơn vị thuộc Tổng Cty Dầu Việt Nam (PVOIL), việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tăng giá xăng dầu sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng trong nước. Tuy nhiên, theo vị giám đốc này, nếu không tăng, sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới gia tăng và Nhà nước sẽ rất khó kiểm soát.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Vũ Vũ