Làm giá, gây nhiễu thị trường trứng, CP có thể bị phạt 20 triệu đồng

17/01/2013 10:40
Theo Vnexpress
Với hành vi làm giá, gây nhiễu thị trường trứng, CP và Emivest có thể bị phạt tới 20 triệu đồng, song mất mát lớn hơn là niềm tin người tiêu dùng giảm sút.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn luật sư TP HCM, CP, Emivest tự ý đẩy giá trứng lên cao là sai phạm, không khác gì hành vi đầu cơ. Bởi lẽ, trứng là mặt hàng thuộc chương trình bình ổn giá của thành phố, đồng thời là hàng tiêu dùng thường ngày của người dân. Nền kinh tế đang trong tình trạng lạm phát nên hiện tượng trữ hàng tạo khan hiếm giả, sau đó nâng giá lên là bất hợp lý. Quan trọng hơn, doanh nghiệp có thể "nếm trái đắng" vì người tiêu dùng sẽ tẩy chay những đơn vị làm ăn không minh bạch.
Theo điều 17, Nghị định 84 ngày 20/9/2011 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá, mức xử phạt đối với hành vi tăng giá quá mức từ 500.000 đến 20 triệu đồng đối với hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng có thời hạn 12 tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc loại giấy phép được cấp. Vi phạm nhiều lần sẽ tước quyền sử dụng giấy phép không thời hạn.
"Như vậy, chiếu theo Nghị định này, CP có thể nhận mức phạt tiền cao nhất là 20 triệu đồng", ông Hậu khẳng định.

Gây nhiễu động thị trường trứng, CP và Emivest có thể bị phạt 500.000-20 triệu đồng.
Gây nhiễu động thị trường trứng, CP và Emivest có thể bị phạt 500.000-20 triệu đồng. 



Trong khi đó, với Nghị định 116 hướng dẫn Luật Cạnh tranh, những đơn vị tham gia vào thị trường chiếm tỷ lệ 30% thị phần trên phạm vi cả nước, nếu tự tăng giá mà không có lý do phù hợp mới bị xử phạt. Do đó, nếu căn cứ vào Luật cạnh tranh, việc xác định CP chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần là yếu tố then chốt để xử phạt. Hiện thị phần trứng gia cầm của CP trên dưới 30%, theo đánh giá của cơ quan quản lý.
Theo ông Hậu, Tổng cục thuế, Sở Tài chính nên có kế hoạch thanh tra với những đơn vị này và đưa ra hình thức xử phạt hợp lý để làm gương cho các đơn vị khác.
Trao đổi pv, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết việc CP, Emivest tăng giá trứng gia cầm vừa qua là có dấu hiệu bất hợp lý. Tuy nhiên để xử lý vi phạm cụ thể thì cơ quan chức năng còn phải thu thập thêm chứng cứ mới có thể đưa ra hình thức xử phạt.
Giãi bày thay cho doanh nghiệp, phía Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, mặc dù CP, Emivest có dấu hiệu sai phạm nhưng họ cũng có những khó khăn riêng.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, sản lượng trứng cung ứng cho cả nước khoảng 9 tỷ quả. Trong đó, CP sản xuất ra 450-600 triệu quả, chiếm 6-7%. Ở hệ thống siêu thị, trứng gà công nghiệp chiếm khoảng 3,5 tỷ quả và cao nhất là 4 tỷ. Riêng CP cung ứng 450-460 triệu quả, đạt 13-17%.
"Như vậy, dù ở phân khúc nào, CP cũng không thể thống lĩnh thị trường, nên nếu xét theo Luật cạnh tranh CP không vi phạm pháp luật", ông Vang nói.
Thống kê của hiệp hội, từ tháng 3 đến tháng 12, các doanh nghiệp chăn nuôi lỗ khoảng 18.000 tỷ đồng vì bán dưới giá thành mà không ai bù đắp cho họ.
Ông Vang hiến kế, hiện TP HCM đang có chương trình bình ổn, CP nên theo chương trình của thành phố để được hỗ trợ, người tiêu dùng cũng sẽ biết đến tên tuổi và có cái nhìn thiện cảm hơn. Doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước nên ngồi với nhau để tính toán lại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Đồng Nai không đồng tình quan điểm này. Theo ông, CP và các doanh nghiệp khác không chỉ có lỗi với người tiêu dùng khi đẩy giá trứng lên cao, mà có lỗi với người chăn nuôi và gia công. Bởi doanh nghiệp tăng giá bán, nhưng không tăng giá thu mua từ người chăn nuôi.
"Người chăn nuôi không được hưởng và người gia công cũng không được hưởng nên đây là động thái không tốt", ông nói thêm.
Theo ông Công, người chăn nuôi không có lãi bao nhiêu còn người tiêu dùng phải mua với giá cao là do khâu trung gian đang có nhiều bất cập. Do đó cần xử lý nghiêm những khâu trung gian làm nhiễu thị trường.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi trong nước. Hiện nay, doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Họ đang thiếu vốn, vay ngân hàng thì chịu lãi suất cao, dây chuyền sản xuất kém chất lượng.
Cơn sốt trứng gia cầm bùng phát kể từ sau Tết Dương lịch, nguyên nhân được cho là Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, đơn vị chiếm thị phần lớn, đột ngột nâng giá bán lên cao. Sau các cuộc làm việc với cơ quan quản lý, giá trứng CP sáng 16/1 đã giảm 300 đồng, xuống 2.300 đồng mỗi quả và chào siêu thị với giá 2.160 đồng, song Co.op mart vẫn từ chối nhận hàng. Emivest cũng hạ giá bán 300 đồng mỗi quả trứng.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vnexpress