Nestle, Abbott, Mead Johnson... bị điều tra vì nghi ngờ thao túng giá

05/07/2013 14:35
Đức Long (tổng hợp)
(GDVN) - Hồi đầu tháng này, Bloomberg dẫn tuyên bố chính thức của Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, họ quyết định điều tra 5 hãng sữa bột nước ngoài bao gồm Nestle, Abbott, Mead Johnson, Danone's Dumex và Wyeth Nutrition và một hãng sữa nội Biostime International bị nghi ngờ có hành vi thao túng giá cả và chống cạnh tranh.
NDRC cho biết họ có bằng chứng cho thấy các công ty trong danh sách trên đã bán sản phẩm với giá cao hơn ở Trung Quốc. Cũng theo báo cáo, trích dẫn từ số liệu thống kế của đơn vị giám sát và chống độc quyền trực thuộc NDRC, kể từ năm 2008 đến nay, giá sữa do các công ty này niêm yết tăng tới 30%.

Một thương hiệu sữa công thức nổi tiếng, Enfrapro, được bán khoảng 22 USD/hộp tại Canada, nhưng khi tới Trung Quốc nó được bán với giá trung bình là 44 USD. 

Đứng giữa núi sữa ngoại, nhiều người Trung Quốc có thực sự yên tâm?
Đứng giữa núi sữa ngoại, nhiều người Trung Quốc có thực sự yên tâm?
Vụ bê bối sữa nhiễm độc melamine năm 2008 làm 6 trẻ em thiệt mạng và khoảng 300.000 trẻ bị ảnh hưởng đã khiến các bậc phụ huynh Trung Quốc mất niềm tin vào sữa nội và đổ xô đi mua các loại sữa mang thương hiệu nước ngoài. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến sữa ngoại mặc sức tăng giá vô tội vạ, các nhà chức trách nước này thừa nhận. 
Theo một số ước tính, các nhãn hiệu nước ngoài hiện chiếm khoảng một nửa doanh số sữa bột trẻ em ở Trung Quốc. Tesco Plc, nhà bán lẻ lớn thứ ba thế giới về doanh thu, sữa nhập khẩu là một trong những loại mặt hàng đang phát triển mạnh trong thị trường Trung Quốc với doanh số năm này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo hãng này, sữa New Zealand được người Trung Quốc ưa chuộng hơn cả và họ thường mua vài hộp mỗi lần. 
Hệ thống bán sữa ngoại trên mạng internet của Trung Quốc cũng nở rộ. Trên Yihaodian, một cửa hàng tạp hóa trực tuyến lớn được hỗ trợ bởi Wal-Mart Stores Inc của Mỹ trên trang chủ với các khuyến mãi lớn lên tới mức mua 1 tặng 1. Đại diện của hãng cho biết, tháng đầu tiên mới khai trương họ bán được 1 container sữa ngoại (khoảng 30 tấn). Hiện nay, mỗi ngày họ bán hơn 4 container sữa ngoại các loại.

Yihaodian đang bán 74 nhãn hiệu sữa từ 21 quốc gia nước ngoài. Các sản phẩm bán chạy nhất là Oldenburger của Đức và Devondale của Úc. 
Người Trung Quốc đại lục đổ tới Hồng Kông mua sữa ngoại.
Người Trung Quốc đại lục đổ tới Hồng Kông mua sữa ngoại.
Nghi ngờ chất lượng sữa công thức nội, các bà mẹ Trung Quốc đổ xô chọn sữa ngoại, nhất là hàng xách tay, để chắc chắn hơn rằng nó không bị làm giả. Nhiều người Trung Quốc còn tận dụng mọi cơ hội đi ra nước ngoài, người thân ở nước ngoài để đem sữa về nước cho con cái họ sử dụng. 

Tình trạng này buộc chính quyền Hồng Kông hồi đầu năm nay phải áp đặt quy định giới hạn mua sữa đối với người Trung Quốc sau khi xảy ra làn sóng người Trung Quốc đổ tới thành phố này mua sữa. Các nhà bán lẻ tại Úc và Anh cũng ra quy định hạn chế số lượng sữa công thức có thể được bán cho một khách hàng trong vòng một ngày.

Mặc dù chuộng sữa ngoại, tuy nhiên, theo tờ China Daily ngày 4/7, người tiêu dùng Trung Quốc lại hiểu biết rất ít về sữa ngoại.
Đứng trước gian hàng chất như núi sữa nhập khẩu trong một cửa hàng Wal-Mart Qinghe ở Bắc Kinh, Liu Ying, một bà mẹ 30 tuổi, dù đã chọn đầy giỏ sữa ngoại nhưng cũng vẫn tỏ ra lúng túng.
"Con gái tôi chuẩn bị dừng sữa công thức chuyển sang sữa tươi. Vì vậy tôi phải chọn cho con loại sữa chất lượng tốt nhất. Nhưng tôi không biết nhiều lắm về các thương hiệu tôi đã mua. Tôi chỉ biết một số quốc gia sản xuất sữa nổi tiếng thế giới như Hà Lan, Úc hoặc New  Zealand", cô Liu tâm sự.

Trung Quốc siết chặt thị trường sữa ngoại để khuyến khích sữa nội giành lại niềm tin từ người tiêu dùng.
Trung Quốc siết chặt thị trường sữa ngoại để khuyến khích sữa nội giành lại niềm tin từ người tiêu dùng.

Liu cho biết cô chọn sữa nhập khẩu với hạn sử dụng dài và mất nhiều thời gian vận chuyển có thể khiến nó không được tốt như sữa tươi trong nước. Nhưng với cô, "an toàn là trên hết" và sữa ngoại đem lại cho cô sự yên tâm đó.

"Con tôi chỉ uống sữa công thức được gửi trực tiếp từ Nhật bởi một người họ hàng đang du học bên đó. Khi nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản bị rò rỉ, con trai tôi chuyển sang uống sữa công thức của Mỹ được gửi trực tiếp về từ Mỹ", Liu Fang, một bà mẹ có con trai 3 tuổi ở Bắc Kinh nói với BBC.
"Giá sữa bột, đặc biệt là các loại mang thương hiệu nước ngoài, đã tăng chóng mặt vì tâm lý không tin tưởng vào sản phẩm trong nước của người Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc tin rằng "tiền nào của nấy", do đó giá càng cao thì sản phẩm càng an toàn", nhà phân tích thị trường tại China Market Research, ông James Roy, nói.
Trong nỗ lực giành lại niềm tin từ công chúng, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để giải quyết vấn đề sữa bột trẻ em bằng cách tăng cường hệ thống giám sát thực phẩm. Tuy nhiên, kế hoạch này lại nhận được rất ít sự quan tâm của công chúng. 
"Chúng tôi đang khó kiếm được sữa xách tay. Nó khá dễ mua vài tháng trước, nhưng bây giờ tôi nghe nói Hải quan Trung Quốc đang xiết chặt hơn. Dù chỉ có 1% sữa nội không đảm bảo thì tôi cũng không muốn mạo hiểm với 1% đó", một phụ nữ họ Liu tỏ vẻ thất vọng nói với BBC tại Bắc Kinh hồi tháng 4 khi cô vừa sinh con.
Đức Long (tổng hợp)