Nguy hiểm khó lường từ kiến nghị đánh thuế tiền tiết kiệm

04/03/2013 10:44
H.L
(GDVN) - Theo độc giả Trần Trung, điều nguy hiểm của kiến nghị này là nó đưa ra trong tình hình nền kinh tế nước ta đang khó khăn. Nếu các cơ quan nhà nước không sớm chính thức phản bác kiến nghị vô lý, phản đạo đức này thì nó sẽ là đòn tâm lý gây bất ổn xã hội. Và một khi dân chúng mất lòng tin, họ sẽ ồ ạt rút tiền tiết kiệm và hệ quả xã hội sẽ khó lường hết được.
Xung quanh phản ứng của dư luận trước đề xuất đánh thuế lãi từ tiền gửi tiết kiệm 500 triệu đồng trở lên của Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), phản hồi đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam sau bài viết "Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ cái tâm”, nhiều ý kiến độc giả cho rằng, người đưa ra kiến nghị không hiểu biết về hoạt động tài chính ở ngân hàng cũng như thuế thu nhập cá nhân, càng biện minh càng thể hiện mục đích vị kỷ, "lợi ích nhóm".
Kiến nghị đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của HOREA đang tạo ra nhiều ý kiến khác nhau (ảnh minh họa)
Kiến nghị đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của HOREA đang tạo ra nhiều ý kiến khác nhau (ảnh minh họa)
Độc giả Nguyễn Sơn viết: Là một người làm công ăn lương, khi đọc xong kiến nghị của Hiệp hội BĐS TP.HCM tôi thấy 3 thất vọng trước lập luận xung quanh kiến nghị này.

Thứ nhất:
Với suy nghĩ cho rằng gửi ngân hàng không phải là đầu tư cho sản xuất mà chỉ có người dân đầu tư trực tiếp mới là đầu tư sản xuất, BĐS là sai lầm lớn bởi lẽ theo tôi: Ngân hàng là trung gian giữa người tạm có tiền nhàn rỗi và người cần tiền để đầu tư kinh doanh. Cho nên thông qua ngân hàng là một hệ thống giúp huy động vốn lớn từ các nguồn vốn nhỏ cho đầu tư sản xuất, kinh doanh của người chuyên đầu tư. 
Thứ hai: Không thể nói là những người có từ 500 triệu lên nếu không gửi ngân hàng họ sẽ đầu tư sản xuất hoặc mua BĐS. Như trong suy nghĩ bản thân tôi đã từng tích lũy nhiều năm để có 560 triệu đến giờ này, tôi gửi ngân hàng không phải một lần mà nhiều lần tiết kiệm từ hai vợ chồng làm công ăn lương, chúng tôi chờ cho số tiền đủ để có thể mua một miếng đất hoặc một căn nhà gần nơi làm việc (xung quanh chỗ tôi thuê giá đất loại thấp trong hẻm cũng phải 600 triệu đồng/lô) trở lên. Như vậy một người có tiền bình thường từ tích lũy cũng muốn dùng vào việc gì cho cuộc sống của họ và họ tích lũy để chờ đợi. 
Thứ ba:
Khi gửi ngân hàng chúng tôi cũng đã tính toán, cũng muốn đầu tư nhưng đầu tư vào đâu? Với lại hai vợ chồng đi làm, lo cho con cái thì đầu óc, thời gian đâu mà nghĩ chuyện đầu tư? Rồi đầu tư thì ai đảm bảo đồng vốn bỏ ra? 
Qua đó tôi nói lên rằng người đề suất ý kiến thu thuế tiền gửi ngân hàng là một đề suất không thực tế, tận thu, duy ý chí. Việc so sánh với các nước ư? Quá kệch kỡm vì chỉ so sánh với những con số mà không so sánh các mối quan hệ với con số đó. Ví dụ nước ngoài người ta đi làm thì có thể mua nhà trả góp dễ dàng, mọi điều kiện an sinh xã hội tốt không phải lo về già, không phải lo cho cuộc sống cha mẹ, bệnh tật không phải lo tốn nhiều tiền vì chế độ an sinh cao... Cho rằng người đưa ra kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm "thiếu hiểu biết" về ngành tài chính, độc giả Trần Trung chia sẻ: Những người đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm dù là khoản tiền từ 500 triệu trở lên, không hiểu gì về thuế thu nhập cá nhân ở nước ta, càng không hiểu hay cố tình không hiểu quá trình Quốc hội bàn thảo và quyết định khi ban hành Luật thuế này. Mặc dầu bị phản đối kịch liệt, người đại diện của nhóm lợi ích đề xuất này đã lên tiếng biện minh, nhưng càng biện minh họ càng thể hiện mục đích vị kỷ "Lợi ích nhóm ".  Cũng theo độc giả Trần Trung, điều nguy hiểm của kiến nghị này là nó đưa ra trong tình hình nền kinh tế nước ta đang khó khăn, mà một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình hình khó khăn đó chính là sự kinh doanh theo kiểu "chụp giựt" vô tội vạ của chính những người đề xuất kiến nghị này. Đây chính là một “chiêu trò” khác của nhóm lợi ích nhằm gây áp lực với Nhà nước để bắt nhân dân ta đóng thuế vô lý. Hơn nữa, nếu các cơ quan nhà nước không sớm chính thức phản bác kiến nghị vô lý, phản đạo đức này thì nó sẽ là đòn tâm lý gây bất ổn xã hội. Và một khi dân chúng mất lòng tin, họ sẽ ồ ạt rút tiền tiết kiệm và hệ quả xã hội sẽ khó lường hết được! Trong khi đó, trước kiến nghị đầy "sáng tạo" của vị Chủ tịch HOREA, độc giả Đinh Minh Tùng chỉ đặt câu hỏi: Khi giá bất động sản bán gấp 3 lần giá thành, lãi ai hưởng? Những người có tiền gửi tiết kiệm có được hưởng không?. “Đến giờ này khi BĐS bán quá cao không ai mua lại kêu ca, mà các ông đòi đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm thì làm sao huy động được vốn trong dân” – độc giả Tùng thẳng thắn.* Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả!
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
H.L