Nhà mạng phân trần: 2G đang phải “cõng” 3G

30/09/2013 07:54
Nguyên An
(GDVN) - Với gói cước giá rẻ và smartphone đang tăng mạnh, dịch vụ 3G của Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Thế nhưng phát triển 3G của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức ẩn chứa bởi 3G đang được bán dưới giá thành tới trên 50%.
Cước 3G đang bán dưới giá thành  

Tuy thị trường di động Việt Nam đang có 5 mạng di động gồm MobiFone, VinaPhone, Viettel, Vietnamobile và Gmobile, thế nhưng, 3G lại là cuộc chơi của những đại gia MobiFone, VinaPhone, Viettel. Năm ngoái, Vietnamobile nhập cuộc đua 3G nhưng chỉ phủ sóng ở 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Tại Hội thảo về tương lai viễn thông Việt Nam hồi năm ngoái, Vietnamobile cũng đã ngỏ lời với Bộ TT&TT muốn có nốt 1/2 giấy phép để cung cấp 3G. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết,  Vietnamobile có thể thương thảo với Viettel để có 1/3 giấy phép này sau khi EVN Telecom “chuyển khẩu” về Viettel. Thế nhưng, đối với Vietnamobile 3G thực sự là canh bạc. 3G sẽ phải đầu tư quá lớn, nhưng khả năng thu hồi vốn xem ra khá mịt mù. Vì vậy cho đến thời điểm này, Vietnamobile mới chỉ cung cấp 3G được ở 3 thành phố lớn.

Ông Nguyễn Đình Chiến – Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết, hiện giá 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn tận 40 lần so với các nước Châu Âu. Theo thống kê sơ bộ của các nhà mạng thì giá dịch vụ 3G được bán ra chỉ bằng 35 - 68% so với mức giá thành của dịch vụ. Như vậy, các mạng di động đang phải bù chéo lợi nhuận từ dịch vụ 2G sang khoản lỗ của 3G. 

Với gói cước giá rẻ và smartphone đang tăng mạnh, dịch vụ 3G của Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Với  gói cước giá rẻ và smartphone đang tăng mạnh, dịch vụ 3G của Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Ông Chiến cũng khẳng định, hiện 3G đang bán dưới giá thành rất nhiều và các mạng di động đang phải lấy 2G để “nuôi” 3G. Như vậy, về lâu dài sẽ không ổn bởi các mạng sẽ không có lợi nhuận để tái đầu tư. Khi các mạng không tái đầu tư cho mạng lưới thì sẽ thiệt cho khách hàng vì mạng lưới không được nâng cấp và phát triển. 

Lý giải về vấn đề cước 3G quá thấp hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cũng cho biết thêm, 4 năm trước, các nhà mạng bắt đầu đầu tư vào mạng 3G. Trong giai đoạn đầu phát triển, để kích cầu cho dịch vụ mới, nhiều nhà mạng đã giảm giá cước dưới mức giá thành. Hiện giá cước 3G tại Việt Nam rẻ nhất thế giới.

"Khi sinh ra mạng 3G, các nhà mạng ở Việt Nam tính giá thành theo giá trị cận biên vì nghĩ rằng 3G sẽ tạo ra nguồn doanh thu mới bên cạnh doanh thu từ mạng 2G và chỉ dùng khoản chi phí tăng thêm để tính giá thành. Đến nay 3G dần thay thế 2G và tất cả chi phí cho 2G dồn hết cho 3G phải "gánh", vì vậy nhà mạng phải tính chuyện tăng giá cước 3G", ông Hùng nói.

Thật ra những cảnh báo về nguy cơ đối với 3G đã được đưa ra ngay từ thời điểm Bộ TT&TT cấp giấy phép 3G cho các nhà mạng. Phát biểu ngay tại buổi lễ nhận giấy phép 3G năm 2009, Tổng giám đốc Viettel - Hoàng Anh Xuân từng nói rằng: "Thời gian đầu thì chúng tôi rất háo hức với giấy phép 3G. Nhưng sau này khi đi khảo sát tìm hiểu việc triển khai 3G ở các nơi thì bắt đầu lo với việc được cấp giấy phép 3G. Không cảnh giác thì 3G là một cái bẫy, có thể làm mình sập tiệm không chừng".

Nhà mạng đồng loạt xin tăng cước 3G

Mới đây, MobiFone và VinaPhone và Viettel đã chính thức đề xuất lên Bộ TT&TT tăng cước 3G vì hiện tại dịch vụ này đang bán dưới giá thành. VinaPhone cho biết số thuê bao 3G chỉ chiếm 15-20% tổng số thuê bao có trên mạng và doanh thu từ dữ liệu 3G ở mức 5-10% doanh thu toàn mạng, trong khi đó, chi phí đầu tư cho mạng 3G rất lớn tới hàng tỷ USD. Phía Viettel cũng đưa ra con số mặc dù đầu tư cho 3G rất lớn, nhưng đến thời điểm này doanh thu 3G thì chỉ ở khoảng hơn 10% doanh thu của dịch vụ di động. 

Cục Viễn thông cũng xác nhận giá cước 3G của Việt Nam đang ở nhóm rẻ nhất thế giới và chỉ chưa bằng 50% cước 3G của khu vực ASEAN. Cục Viễn thông nếu để mức cước 3G quá thấp như hiện nay thì nhà mạng sẽ không đầu tư vào 3G nữa thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt. Vì vậy, cần phải có được dịch vụ có chất lượng phù hợp và tương xứng với giá thành. Khi tăng cước 3G thì nhà mạng sẽ có điều kiện đầu tư cho mạng lưới và nâng chất lượng dịch vụ. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, việc giá cước 3G dần dần đi lên dựa trên cơ sở giá thành là một xu hướng tất yếu. Trong thời gian đầu triển khai dịch vụ 3G, để thu hút người dùng và kích cầu cho thị trường, doanh nghiệp phải bấm bụng bán dưới giá thành, đưa ra mức cước rất rẻ. Đồng thời, Bộ cũng chưa quản lý giá cước để tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi số lượng thuê bao và tỷ lệ sử dụng 3G tăng mạnh thì doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại giá cước tiệm cận với giá thành. 

Tuy nhiên một câu hỏi mà nhiều người dùng 3G sẽ đặt ra là mạng đang bán dưới 50% của gia thành, như vậy nếu muốn đưa giá giá cước 3G về giá thành nhà mạng sẽ phải tăng khoảng 100% cước 3G? 

Trả lời về vấn đề này, Cục viễn thông của Bộ TT&TT cho biết, việc tăng cước 3G là việc chắc chắn các mạng sẽ phải thực hiện, nhưng việc tăng cước này cũng phải có lộ trình chứ không thể tăng đột biến để đảm bảo không gây xáo trộn cho khách hàng. Các mạng di động có trách nhiệm phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả, nhưng cũng phải chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn. Vì vậy, trước mắt sẽ chỉ tăng cước 3G ở mức độ vừa phải và sẽ có lộ trình tăng cước tiếp trong năm 2014. 

Nguyên An