Nhiều ngân hàng miễn phí giao dịch ATM

10/01/2013 16:28
Theo Vnexpress
Để có thêm khách, một số ngân hàng sẽ không tính phí giao dịch ATM nội, ngoại mạng sau ngày 1/3. Các nhà băng này cho hay sẽ "bấm bụng" bù lỗ để phát triển số lượng khách hàng thay vì tận thu bằng mọi loại phí.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thu phí nội mạng kể từ ngày 1/3, nhiều khách hàng đã phản đối và thậm chí, một số cho biết sẽ không dùng ATM để tránh mất phí. Trước thực trạng trên, nhiều ngân hàng đã thông báo miễn phí toàn bộ chi phí giao dịch nhằm "câu" thêm nhiều khách hàng. Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết sẽ tiếp tục miễn phí rút tiền tại hơn 14.000 ATM nội địa trong 6 tháng với các khách hàng mới mở tài khoản. Từ tháng thứ bảy trở đi, nếu duy trì số dư trung bình trên tài khoản tháng trước từ 500.000 đồng trở lên, khách hàng sẽ tiếp tục được rút tiền miễn phí. Lý giải quyết định trên, ông Richard Hariss – Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB - cho rằng, chính sách này nằm trong định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ giai đoạn hiện nay của VIB để giúp khách hàng tiết kiệm thời gian nhất. "VIB muốn chú trọng việc phát triển số lượng khách hàng cá nhân và sản phẩm dịch vụ cho đối tượng này thay vì quan tâm lệ phí thu được. Đây cũng chính là tiền đề để VIB đẩy mạnh những sản phẩm dịch vụ khác như Mobile Banking, Internet Banking trong tương lai”, ông Richare Hariss cho biết. Tương tự, Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank) cũng khẳng định chưa thu phí ATM nội và ngoại mạng đối với các chủ thẻ. Hiện tại, mọi giao dịch rút tiền ATM ngoại mạng (ngoại trừ tại ATM của Ngân hàng ANZ, HSBC và Citibank) đều được miễn phí. Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết: "Chủ trương hiện tại của ngân hàng là sẵn sàng bù lỗ để mở rộng khách hàng. Mọi chi phí tại các giao dịch của khách hàng hiện nay đều do ngân hàng chịu". Từ chối cung cấp chi tiết chi phí bù lỗ hàng tháng nhưng ông Hưng cho biết cũng "kha khá". "Ví dụ như với mỗi giao dịch rút tiền, TienPhong Bank vẫn phải trả cho ngân hàng bạn 3.300 đồng. Do đó, hoạt động ATM chưa bao giờ lãi". Ở phía Nam, hai đơn vị là Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á và Ngân hàng Phát Triển Mê Kông (MDB) cũng sẽ tiếp tục miễn toàn bộ phí đối với các giao dịch ATM (cả nội lẫn ngoại mạng). Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Việc khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất quan trọng nên NamA Bank xe, quyết định không thu phí giao dịch ATM như một giá trị cộng thêm để thu hút khách hàng". Theo ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MDB, việc gia tăng giá trị cộng thêm và sự tiện lợi cho khách hàng quan trọng hơn nhiều so với việc ngân hàng tận thu các loại phí. Nhìn nhận động thái một số ngân hàng miễn phí giao dịch ATM cho khách hàng dù đã được "bật đèn xanh" bằng Thông tư 35, một quan chức của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều này là đáng ghi nhận. "Việc này không trái với Thông tư, các ngân hàng có thể thu phí 0 đồng đối với khách hàng, tùy vào chính sách cạnh tranh của mỗi nơi", vị này trả lời. Cũng theo ông, những quy định được đưa ra trong Thông tư chỉ mang tính định hướng và cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc một số nhà băng tự ý thu phí với mức quá cao, không phù hợp. Trong khi đó, nhiều nhà băng có hệ thống máy ATM lớn vẫn đang cân nhắc kỹ việc thu phí. Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sacombank Phan Huy Khang cho biết, dù chưa quyết định cụ thể nhưng đảm bảo không thu nhiều để khách hàng phải bức xúc. "Sacombank có thể cân nhắc miễn giảm phí với những đối tượng thu nhập thấp, học sinh, sinh viên và đưa ra mức phí hợp lý cho các đối tượng khác", ông Khang cho hay. Còn theo ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng cũng đang cân nhắc chính sách thu phí và sẽ thu phí theo đúng quy định của Thông tư 35. Tuy nhiên, lãnh đạo này từ chối tiết lộ có miễn phí cho khách hàng hay không. Theo tổng giám đốc của một ngân hàng phía Nam có trên 800 ATM trên toàn quốc, nếu hạch toán thì kinh doanh dịch vụ thẻ ATM trước đến nay đều lỗ. "Mỗi máy ATM giá mười mấy nghìn USD cộng với chi phí thuê địa điểm ngày càng đắt. Phí bảo trì, sửa chữa hàng năm cũng khá lớn nên số lãi từ tiền gửi không kỳ hạn mà chủ thẻ gửi vào không đủ bù đắp", ông cho hay. Mặt khác, theo vị lãnh đạo này, nhà băng còn phải duy trì số dư thấp nhất vài trăm triệu đồng mỗi máy. Hiện nay, chỉ cần vài trăm máy ATM đã có thể ngốn hàng trăm tỷ đồng số tiền không sinh lãi. Chia sẻ với pv, tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ vẫn duy trì chính sách miễn phí ATM thừa nhận: "Có lẽ ngân hàng chỉ miễn phí được thêm một thời gian nữa để tăng số lượng khách hàng chứ không thể chấp nhận bù lỗ mãi. Để nâng cao chất lượng dịch vụ thì có thể ngân hàng sẽ thu phí nhưng khoanh vùng đối tượng chứ không thu toàn bộ". Đồng tình với quan điểm này, một nữ tổng giám đốc tại ngân hàng cổ phần khác nói thẳng: "Khách hàng nên chia sẻ cùng ngân hàng và nên hiểu những dịch vụ miễn phí mãi sẽ khó đi kèm với chất lượng cao".
Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, trong đó có biểu phí mới về các giao dịch thẻ được thực hiện tại máy rút tiền tự động (ATM).

Theo đó, từ ngày 1/3/2013 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng được khống chế không quá 1.000 đồng mỗi giao dịch. Sang năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp đôi và gấp ba vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch. Các mức phí này đều chưa có Thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo Vnexpress