Tập đoàn Dệt may VN phải thoái 100% vốn tại 37 doanh nghiệp

16/02/2013 07:39
Theo Dân trí
Theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) giai đoạn 2013 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn này phải thoái 100% vốn khỏi 37 doanh nghiệp, ngân hàng và quỹ đầu tư.
Hầu hết các doanh nghiệp mà Vinatex phải thoái 100% vốn đều là đầu tư ngoài ngành như công ty cổ phần đầu tư, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dịch vụ thương mại, trường đại học Trưng Vương, Quỹ đầu tư Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần như Hàng hải (Maritime Bank), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Nam Việt (Navibank)… Ngoài ra, theo đề án này thì trong giai đoạn 2013 - 2015, vinatex sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa. Sau khi tái cơ cấu sẽ có 4 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; 6 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ từ trên 50 - 65% vốn điều lệ và 20 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Mục tiêu của tái cơ cấu lần này nhằm bảo đảm cho Vinatex tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính (ảnh minh họa)
Mục tiêu của tái cơ cấu lần này nhằm bảo đảm cho Vinatex tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính (ảnh minh họa)
Mục tiêu của tái cơ cấu lần này nhằm bảo đảm cho Vinatex có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Trên cơ sở đó hình thành chuỗi cung ứng Sợi – Dệt – Nhuộm – May; nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Vinatex, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đề án này, chính phủ cũng xác định rõ ngành kinh doanh chính của Vinatex là sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm dệt may thời trang. Ngoài ra, Tập đoàn còn được kinh doanh một số lĩnh vực có liên quan như: sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, thiết bị, phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm, thiết bị phụ tùng ngành dệt may thời trang; đào tạo nghề, quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may… Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Vinatex sắp xếp lại các viện trường thuộc Tập đoàn như Viện Dệt may, Viện Mẫu thời trang Việt Nam, Trường cao đẳng Công nghiệp Dệt may và thời trang Hà Nội, Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Vinatex TPHCM… Chính phủ yêu cầu sắp xếp lại theo hướng thu gọn đầu mối, phù hợp với định hướng của Tập đoàn.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Dân trí