Thẩm định "qua loa", Techcombank dễ dàng bị chiếm đoạt gần 560 tỉ đồng

23/04/2013 08:40
Theo Thanh niên
Bị cáo Lương Hữu Lâm, nguyên Giám đốc Techcombank (TP HCM), cho biết Công ty Công Chính trước đây vay nhiều lần và rất sòng phẳng, là khách hàng lớn của Techconbank nên được tạo điều kiện vay vốn dễ dàng.
Ngày 22/4, TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm vụ 3 chị em lừa đảo chiếm đoạt gần 560 tỉ đồng của Ngân hàng Techcombank (TP.HCM). Cụ thể, ba bị cáo (ba chị em) bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Phan Thành Chính (49 tuổi), Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty CP XNK Công Chính (trụ sở TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng); Phan Thị Lan (53 tuổi), Phó TGĐ Công ty Công Chính và Phan Thành Lập (35 tuổi), Phó TGĐ Công ty Công chính kiêm Giám đốc Công TNHH XNK Thái Nguyên (trụ sở tại huyện Di Linh, Lâm Đồng). Cùng bị truy tố trong vụ án này có các bị cáo Lương Hữu Lâm (46 tuổi), Đinh Thị Hiền (51 tuổi) nguyên là Giám đốc và Phó giám đốc Techcombank (TP HCM); Bùi Minh Hải (32 tuổi), nguyên Phó phòng Doanh nghiệp Techcombank (TP HCM); Phạm Phú Phong (39 tuổi), Nguyễn Thúy Hằng (39 tuổi), nguyên chuyên viên khách hàng của Techcombank (TP HCM); Huỳnh Xuân Quang (52 tuổi), giám định viên Công ty Cafe Control (FCC), Trưởng trạm FCC tại Lâm Đồng.
Bị cáo Phan Thành Chính trước vành móng ngựa
Bị cáo Phan Thành Chính trước vành móng ngựa
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2009 đến 1/2011, ba chị em Chính đã dùng thủ đoạn gian dối trong việc lập hồ sơ vay vốn để Techcombank giải ngân đối với 63 khế ước và chiếm đoạt gần 560 tỉ đồng. Sau khi đại diện Viện KSND tỉnh Lâm Đồng đọc cáo trạng, Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Hoàng Thị Minh Hương đã dành trọn buổi sáng xét hỏi ba chị em Lan, Chính và Lập. Buổi chiều tòa xét hỏi bị cáo Huỳnh Xuân Quang và các bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng Techcombank.Bị cáo không có ý lừa đảo chiếm đoạt tài sản!? Phan Thành Chính khai nhận đến tháng 3/2010 tổng cộng tiền thua lỗ của Công ty Công Chính là trên 300 tỉ đồng. Nhưng để được Ngân hàng Techcombank (TP HCM) ký hợp đồng cấp hạn mức tín dụng 24 triệu USD, Chính đã lập báo cáo tài chính gởi kèm hồ sơ vay vốn thể hiện các năm từ 2005 đến 2008 kinh doanh đều có lãi. “Bị cáo muốn vay vốn để vực lại công ty chứ không có ý lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Techcombank”, Chính giãi bày tại phiên xét xử. Thủ đoạn lừa đảo của Chính là lợi dụng việc chỉ cần gởi bản fax hồ sơ vay vốn về Techcombank là được giải ngân, nên Chính đã chỉ đạo Lan và Lập chỉnh sửa nội dung, photo cắt dán chữ ký, con dấu của các đối tác trong và ngoài nước trước đây để làm giả tới 96 hợp đồng kinh tế đưa vào hồ sơ vay vốn. Bị cáo Phan Thị Lan và Phan Thành lập đều khai việc làm các bộ hồ sơ giả để vay tiền là theo sự chỉ đạo của Chính. “Bị cáo biết hành vi đó là sai nhưng vẫn làm vì mong muốn cứu công ty khỏi thua lỗ”, bị cáo Lan nói trước tòa. Còn bị cáo Lập khai làm hồ sơ giả vay tiền để giúp cho anh Chính, chị Lan trong lúc khó khăn chứ bị cáo không sử dụng số tiền vay của Techcombank.Cán bộ ngân hàng quá tin FCC Bùi Minh Hải, nguyên Phó phòng Doanh nghiệp Techcombank (TP.HCM) khai, thời điểm đó Techcombank ủy quyền cho Huỳnh Xuân Quang (Trưởng trạm FCC tại Lâm Đồng) giám định và xác nhận hàng hóa trong kho của khách hàng, chỉ cần Quang ký xác nhận là hồ sơ của Công Chính và Thái Nguyên fax về là hợp lệ. Hải thú nhận: “Bản thân bị cáo quá tin tưởng giám định của FCC nên mỗi khi lên Bảo Lộc chỉ kiểm tra qua loa”. Bị cáo Lương Hữu Lâm, nguyên Giám đốc Techcombank (TP HCM), cho biết Công ty Công Chính trước đây vay nhiều lần và rất sòng phẳng, là khách hàng lớn của Techconbank nên được tạo điều kiện vay vốn dễ dàng. Chủ tọa phiên tòa hỏi, có phải do các bị cáo nhận thức đã có FCC kiểm tra nên khi cho vay không cần kiểm tra? Bị cáo Lâm thừa nhận: “Tôi thấy việc quản lý có thiếu sót, có sơ hở trong việc ký hợp đồng vay tiền qua bản fax nên không phát hiện ra những sai trái của khách hàng”. Còn bị cáo Đinh Thị Hiền, nguyên Phó giám đốc Techcombank (TP HCM), người đã ký cho Công ty Thái Nguyên vay 134 tỉ đồng, khai “Bị cáo có kiểm tra… trên bề mặt hồ sơ. Bị cáo tin sự giám sát hàng hóa của FCC, vì quy định nếu FCC kiểm tra hàng hóa của khách hàng mà không đủ số lượng thì FCC phải bồi thường”. Các bị cáo Phạm Phú Phong và Nguyễn Thúy Hằng, nguyên chuyên viên khách hàng của Techcombank (TP.HCM), cũng thừa nhận vì quá tin vào FCC nên thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát lại hồ sơ giải ngân dẫn đến việc trình hồ sơ cho vay không đúng. Bị cáo Huỳnh Xuân Quang khai: “Trong quá trình kiểm tra hàng hóa của Công Chính và Thái Nguyên, bị cáo chỉ đếm bao cà phê theo từng dãy và ước lượng, không cân ký cụ thể. Bị cáo cảm thấy mình làm chưa hết trách nhiệm”. Ngày mai phiên tòa tiếp tục diễn ra và dự kiến đến ngày 24/4 sẽ kết thúc.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Thanh niên