Thủ tướng chỉ đạo kìm lạm phát năm 2011 ở mức 18%

26/09/2011 18:12
Thủ tướng chỉ đạo việc điều hành theo lạm phát mục tiêu: năm 2011 bằng các giải pháp kiềm chế bằng được lạm phát ở mức 18%...
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ đã dành nhiều thời gian để phân tích, thảo luận về nguyên nhân lạm phát cao và các giải pháp kiềm chế lạm phát thực hiện trong thời gian tới.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu làm rõ vì sao trong những năm gần đây và hiện nay tốc độ tăng chỉ số giá (CPI ) ở nước ta cao hơn các nước trong khu vực và thế giới, đề xuất các giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô trước mắt và lâu dài, trình Chính phủ thảo luận tại Phiên họp thường kỳ tháng 9.
Theo phân tích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số thành viên Chính phủ, trong các nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao thì các nguyên nhân nội tại là chủ yếu, trong đó nguyên nhân chính yếu là do chính sách tài chính tiền tệ nới lỏng kéo dài. - Ảnh: Chinhphu.vn
Theo phân tích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số thành viên Chính phủ, trong các nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao thì các nguyên nhân nội tại là chủ yếu, trong đó nguyên nhân chính yếu là do chính sách tài chính tiền tệ nới lỏng kéo dài. - Ảnh: Chinhphu.vn

Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành trình Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong tháng 9, các Bộ, ngành chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề về lạm phát, trong đó có phân tích rõ thực trạng, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp kiềm chế.

Theo đó, trong 5 năm qua (từ năm 2007), chỉ trừ năm 2009 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 so với tháng 12 năm trước tăng 6,5%, còn các năm khác đều tăng trên 10%/năm. Trước đó, trong giai đoạn 2001 – 2010, CPI tăng bình quân 8,31%/năm. Các nước đều lạm phát, nhưng lạm phát của nước ta tăng cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Xuất phát từ phân tích thực trạng, nguyên nhân, dự báo tình hình kinh tế thế giới, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Ngân hàng Nhà nước… đã đề xuất các giải pháp kiềm chế lạm phát, thực hiện trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Ông Vũ Đức Đam.
Ông Vũ Đức Đam.
Theo phân tích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số thành viên Chính phủ, trong các nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao thì các nguyên nhân nội tại là chủ yếu, trong đó nguyên nhân chính yếu là do chính sách tài chính tiền tệ nới lỏng kéo dài.

Việc kiềm chế lạm phát phải được thực hiện hiệu quả bằng cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Theo đó, phải kiên định chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chặt chẽ; thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm đầu tư công, giảm chi thường xuyên và giảm bội chi ngân sách; thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà trước mắt tập trung vào 3 khâu (tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc hệ thống tài chính tiền tệ); khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao hiệu quả nền kinh tế; tăng cường công tác phân tích, dự báo....

Thủ tướng chỉ đạo việc điều hành theo lạm phát mục tiêu: năm 2011 bằng các giải pháp kiềm chế bằng được lạm phát ở mức 18% và kéo xuống dưới 10% trong các năm tiếp theo để đến năm 2015 kìm lạm phát ở mức khoảng 5%.

Trong các nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao có nguyên nhân lạm phát tâm lý, lạm phát kỳ vọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin định hướng vì mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, tuyên truyền hướng dẫn, giải thích chủ trương chính sách để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về diễn biến tình hình kinh tế, về thị trường, giá cả, lạm phát… tránh lạm phát tâm lý.

Theo chinhphu.vn