"Tôi tin nhiều nhà mạng sẽ bắt tay với tin nhắn, gọi điện miễn phí"

17/04/2013 14:37
Tiểu Phương
(GDVN) - “Tôi tin rằng các nhà mạng sẽ dễ bắt tay hợp tác với họ để cùng nhau chia lợi nhuận” – ông Thịnh dự đoán.
Zalo, Viber, Wala, Line, WhatsApp, KakaoTalk..., những ứng dụng OTT (Over The Top) cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí đang nở rộ như nấm sau mưa tại Việt Nam, tỷ lệ thuận với số người dùng smartphone càng ngày càng lớn.
Những ứng dụng OTT phải chăng là mối "đe dọa" đối với các nhà mạng lớn ở Việt Nam? Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Vương Quốc Thịnh - Tiến sĩ về ngành viễn thông, hiện đang công tác tại France Telecom - Orange, Pháp (Orange là một trong 4 nhà mạng lớn nhất ở Pháp), Quản lý dự án (project manager) cho biết: Số lượng người dùng smartphone với các ứng dụng OTT ngày càng nhiều - thực tế này đã và đang góp phần làm tụt giảm doanh thu của các nhà mạng.

Mặc dù các dịch vụ OTT khuyến khích người dùng sử dụng Internet di động, lợi nhuận thu được từ dịch vụ Internet di động không đủ để bù vào phần doanh thu mất đi bởi sự cạnh tranh của OTT theo các nhà mạng ở Việt Nam. 

Doanh thu của các nhà mạng tụt giảm vì OTT
Trước sự lớn mạnh của các ứng dụng OTT, theo ông Thịnh, có 3 hướng mà các nhà mạng có thể linh hoạt kết hợp thực hiện.

Số lượng người dùng smartphone với các ứng dụng OTT ngày càng nhiều - thực tế này đã và đang góp phần làm tụt giảm doanh thu của các nhà mạng.
Số lượng người dùng smartphone với các ứng dụng OTT ngày càng nhiều - thực tế này đã và đang góp phần làm tụt giảm doanh thu của các nhà mạng.
Đầu tiên, một trong những giải pháp mà các nhà mạng có thể làm là đưa ra các gói dịch vụ trả sau bao gồm thoại, tin nhắn, Internet di động với giá cả cạnh tranh hợp lý để  khuyến kích người dùng chuyển dần sang mô hình trả sau (postpaid) hay mô hình khoán dịch vụ (flat price).  

“Thực tế, các ứng dụng OTT chưa thay thế hoàn toàn được các dịch vụ truyền thống vì nó chỉ tương thích với người dùng smartphone. Hơn nữa, các ứng dụng OTT không đảm bảo được 100% chất lượng dịch vụ, do vậy nếu có gói dịch vụ hợp lý thì tôi nghĩ rằng người dùng sẽ hạn chế dùng các dịch vụ OTT” – ông Thịnh nhận xét.

Ngoài ra, các nhà mạng cũng có thể linh động cho phép người dùng sử dụng các ứng dụng OTT trong một số điều kiện nhất định, ví dụ khi và chỉ khi họ thuê bao gói dịch vụ “cao cấp”. Chỉ có người dùng gói dịch vụ cao cấp mới có thể có được tốc độ truyền tải dữ liệu uplink (đường lên) đủ lớn để có thể dùng các ứng dụng OTT. 
Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng có thể cấm một số dịch vụ OTT cho phép thực hiện cuộc gọi VoIP, trong khi đó vẫn cho phép các dịch vụ tin nhắn và chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên việc làm này cần phải có sự nhất quán từ phía các nhà mạng. Nếu chỉ một hai nhà mạng làm như thế mà các nhà mạng khác không làm theo thì người dùng sẽ chạy sang dùng dịch vụ của các nhà mạng khác. 

Giải pháp thứ hai: Các nhà mạng có thể bắt tay hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ OTT để cùng mang đến cho người dùng những trải nghiệm dịch vụ mới để sau đó cùng chia sẻ lợi nhuận.

Giải pháp thứ ba, về lâu dài, các nhà mạng cần phải phát triển các dịch vụ mới, cạnh tranh được với các ứng dụng OTT.

Các nhà cung cấp dịch vụ nên chăng mở rộng thị trường của họ sang các ngành dọc có chọn lọc, ví dụ về lĩnh vực cung cấp lưới điện thông minh hay lĩnh vực sức khỏe điện tử (e-health). Vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ có thể được tăng cường bằng cách tạo ra các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực y tế, giao thông vận tải, ngân hàng, bán lẻ và nhiều hơn nữa. 

"Tôi tin nhà mạng sẽ dễ bắt tay với nhắn tin, gọi điện miễn phí"

Theo ghi nhận của các chuyên gia công nghệ - viễn thông: Mặc dù đã được cảnh báo về mối đe dọa lớn từ các OTT nhưng cho tới nay, các công ty viễn thông vẫn chưa hoạch định rõ một kế hoạch toàn diện để bảo vệ doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn SMS cũng như tìm và mở rộng ra các thị trường mới. 

Cần phải thay đổi chiến lược, trở thành telco 2.0 (telco – các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông), để đối đầu với sự vươn liên của nhà cung cấp nội dung OTT – đó là lời khuyên của không ít các chuyên gia đối với các công ty viễn thông, truyền thông
Ông Thịnh phân tích: Đối với các nhà cung cấp OTT thuần túy, ngoại trừ Skype (Microsoft), các OTT còn lại đa phần là có nguồn lực tài chính và nhân lực hạn chế so với các nhà mạng. Hầu như họ điều cung cấp dịch vụ OTT miễn phí hoặc với giá rất thấp. Đó là điểm mạnh của họ nhưng cũng chính là điểm yếu. Việc sống còn của các OTT thuần túy này phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng hái ra tiền của họ trong tương lai. 

Mô hình kinh doanh của các nhà cung cấp OTT thuần túy là: hoặc bán ứng dụng OTT và bán thuê bao hằng năm với giá thấp (như WhatsApp), hoặc dựa trên quảng cáo, hoặc đợi đến khi có một số lượng người dùng đủ lớn thì bán đi. Về lâu dài, những nhà cung cấp OTT thuần túy khó mà đối đầu được với các nhà mạng.
 
“Tôi tin rằng các nhà mạng sẽ dễ bắt tay hợp tác với họ để cùng nhau chia lợi nhuận” – ông Thịnh dự đoán.

“Đáng lo ngại hơn hết đối với các nhà mạng chính là những ông lớn trong lĩnh vực web. Những OTT này có đặc thù là có nguồn lực dồi dào và có sẵn số lượng lớn người dùng. Đối với các OTT này, đối đầu không thể là giải pháp lâu dài” – ông Thịnh nhấn mạnh. 
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Tiểu Phương