Trong 7 ngày rau xanh, thực phẩm "đội giá" đến 40%

21/08/2012 07:01
Theo Vef
7 ngày qua, do ăn theo giá xăng, các mặt hàng thực phẩm, rau, củ quả trên địa bàn Hà Nội tăng tới 10-40%, tùy theo từng loại. Cộng với mưa bão cuối tuần, thực phẩm lại đua nhau đội giá.

Hết xăng đến mưa bão

Ba lần tăng giá xăng, với mức hơn 10% trong vòng chưa đầy một tháng qua cộng với mưa bão đã khiến cho các loại mặt hàng rau, củ, quả... trên địa bàn Hà Nội đua nhau ăn theo. Nhưng nghịch lý, là tại chợ đầu mối, các mặt hàng chỉ tăng nhẹ còn đến tay người tiêu dùng thì giá đã đội lên nhiều lần.

Chị Hương, tiểu thương chợ Ngã Tư Sở, phàn nàn: "Khổ thế đấy, ở đây chúng tôi tăng giá cũng chỉ một đến ba giá nhưng các chủ bán lẻ  lấy về bán giá gấp năm, gấp mười lần". Khi trời khẽ mưa, các hàng này cũng lấy cớ rục rịch tăng giá.

Tại các chợ lớn như chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Ngã Tư Sở, chợ Phùng Khoang... các mặt hàng đều có xu hướng tăng.

Giá xăng tăng cộng với mưa bão khiến thực phẩm tăng giá kép (ảnh NH)
Giá xăng tăng cộng với mưa bão khiến thực phẩm tăng giá kép (ảnh NH)


Theo chị Đinh Thị Hòa (Quốc Oai - Hà Nội), "tuần trước, các mặt hàng tuy chưa tăng giá ào ạt mà chỉ tăng nhẹ, chia thành nhiều đợt. Từ cuối tuần qua, do mưa bão, giá rau xanh bắt đầu đội lên, đắt gấp nhiều lần".

Cụ thể, nếu ngày 13/8, rau muống tại chợ Mơ chỉ 3.000-5.000 đồng/bó, rau mồng tơi 4.000 đồng/bó, rau ngót 3.500 đồng/bó, bắp cải 8.000 đồng/kg, rau cải 3.000-4.500 đồng/bó, rau dền 6.000 đồng/bó. Đến sáng 17/8, rau muống đã tăng lên 8.000 đồng/bó, mồng tơi, rau ngót 5.000 đồng/bó, rau cải 6.000 đồng/bó, rau dền 9.000 đồng/bó, bắp cải lên 10.000 đồng/kg. Thậm chí, sáng 20/8, giá rau muống còn tăng lên 10.000 đồng/bó, rau cải 7.000 đồng/bó... Hầu hết các loại rau xanh đều tăng, thậm chí cao gấp rưỡi, với lý do: mưa bão, nước ngập nên rau bị úng hoặc không thể hái được, dẫn tới khan hiếm hàng.

Các cửa hàng rau tại chợ cóc, nhỏ lẻ cũng "đội giá" không kém.

Bác Triển, chủ quầy hàng rau tại chợ Nhân Chính - Vũ Trọng Phụng, than thở: "Mấy hôm nay đắt quá, nhiều loại rau không dám nhập vì sợ không bán được". Thông thường, bác nhập khoảng 1,2 triệu đồng tiền hàng mỗi ngày. Nhưng sang tuần này, bác phải nhập 1,8 triệu đồng cho cùng lượng hàng đấy.

Bác Triển nói thêm, các loại tăng ít như su su, mướp, bắp cải thì chỉ tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với giá bán hiện tại, từ 12.000-15.000 đồng/kg; nhưng cải ngọt, đậu, cà rốt mức chênh lệch giá đã tăng 8.000-10.000 đồng/kg. Tính ra có những sản phẩm tăng đến 40%.

Thịt, hải sản cũng đội giá

Tại chợ Phùng Khoang, cô Lâm, công nhân cổ phần len Hà Đông - Phùng Khoang, cho hay: "Bây giờ cái gì cũng tăng, nhiều người mua đi bán lại nên mới đắt thế". Chỉ tuần trước, cô mua thị lợn thường 70.000 đồng/kg vậy mà khi xăng tăng đã vọt lên 90.000 đồng/kg. Thịt nạc từ 85.000 tăng lên đến 100.000 đồng/kg. Gà mía tăng thêm 10.000 đồng/kg, thịt bò tăng thêm 20.000 đồng/kg.

Chị Thảo, tiểu thương bán hải sản tại chợ Phùng Khoang, chia sẻ: "Các loại hải sản như tôm, cua, cá cũng tăng từ 7.000 đồng/kg - 10.000 đồng/kg so với trước tuần trước". Giá bán hiện tại: cá trắm 55.000-60.000 đồng/kg, tôm nhỏ 80.000-85.000 đồng/kg, cá rô 35.000- 37.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị như BigC, Fivimart và các điểm bán hàng bình ổn giá cũng đồng loại tăng giá một số các mặt hàng.

Thường xuyên mua hàng tại BigC, cô Nguyễn Thị Thắm, một người nội trợ ở Trung Yên, nhận xét: "Các loại thịt, hải sản trong siêu thị này cũng tăng khoảng 5%. Như cá thu, mới tuần trước có 105.000 đồng/kg mà hôm nay đã vọt lên 159.900 đồng/kg". Các loại rau quả tăng 500-2.000 đồng/kg so với tuần trước. Riêng các mặt hàng như nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo, gạo... vẫn giữ giá.

Tại chợ Cửa Nam, chỉ có dầu ăn, mì tôm, nước mắm... là tăng nhẹ, hầu hết các mặt hàng đều giữ giá. Theo chị Trần Thị Lành, nhân viên bán hàng tại chợ Cửa Nam, "mặc dù xăng dầu tăng, giá các loại thực phẩm tăng nhưng chúng tôi vẫn cam kết bán hàng với giá cả hợp lý, ổn định nhằm đưa những thực phẩm tốt, hợp vệ sinh đến với người tiêu dùng".

Thực tế cho thấy, giá xăng tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả trên thị trường. Nhưng đáng lo ngại là tình trạng "tát nước theo mưa" xảy ra hầu hết tại những của hàng nhỏ lẻ. Vì vậy, người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ cùng đông đảo sinh viên - nguồn khách chủ yếu nuôi các tiểu thương nhỏ này, đang có xu hướng tẩy chay các khu hàng nhỏ, đển thẳng các chợ đầu mối và siêu thị vào mỗi buổi sáng.
Theo Vef