Unilever Việt Nam: Bán hàng khi chưa có giấy phép nhập khẩu

25/07/2012 14:17
Theo Báo Đầu tư
Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã tiêu thụ toàn bộ lô hàng trên thị trường. Các sản phẩm của Unilever được bày bán trên thị trường
Hàng thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu tự động, nhưng trong khi chưa xin được giấy phép và hàng vẫn thuộc diện giám sát của cơ quan chức năng, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã tiêu thụ toàn bộ lô hàng trên thị trường.
Tháng 5/2011, Unilever Việt Nam mở tờ khai nhập khẩu cho các hàng hóa thuộc 3 lô hàng, với khai báo là hơn 27.008 kg sữa rửa mặt các loại và hơn 534 kg phấn trang điểm làm trắng da, tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng. Cũng theo khai báo của doanh nghiệp, lô hàng sữa rửa mặt các loại có mã số 3401.30.00.00.

Các sản phẩm của Unilever được bày bán trên thị trường
Các sản phẩm của Unilever được bày bán trên thị trường

Do nghi ngờ, cơ quan hải quan đã yêu cầu phân tích phân loại để xác định mã số của hàng hóa nhập khẩu. Trong thời gian chờ kết quả phân tích phân loại, theo đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan hải quan đã tạm thời giải phóng hàng, giao doanh nghiệp mang về tự bảo quản, chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định. Xin được nhắc lại, “mang về tự bảo quản” khác hẳn khái niệm hoàn thành thủ tục thông quan.
Tới đầu tháng 8/2011, qua kiểm tra thực tế và căn cứ Thông báo kết quả phân tích phân loại hàng hóa của Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu Chi nhánh TP.HCM, hàng hóa trong 3 lô hàng nhập khẩu nói trên được xác định là “chế phẩm chăm sóc da dạng kem”, có mã số đúng là 3304.99.10.00.
Theo quy định của Bộ Công thương tại Thông tư số 24/2010/TT-BCT về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép tự động đối với một số mặt hàng, mặt hàng có mã số 3304.99.10.00 thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu tự động của Bộ Công thương. Tuy nhiên, Unilever Việt Nam đã không thể xuất trình với cơ quan hải quan giấy phép nhập khẩu cấp cho các lô hàng trên. Điều này đồng nghĩa với việc, Công ty đã có hành vi vi phạm về nhập khẩu hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép, mà không xuất trình được giấy phép trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hàng về đến cửa khẩu.
Ngày 29/12/2011, cơ quan hải quan đã tiến hành lập biên bản vi phạm với Unilever Việt Nam về hành vi nêu trên. Cũng để đảm bảo thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cơ quan hải quan đã ra thông báo về việc kiểm tra hiện trạng hàng hóa theo biên bản vi phạm. Tuy nhiên, bất ngờ thay, số hàng hóa thuộc các tờ khai nói trên không còn trong kho, bởi Unilever Việt Nam đã tiêu thụ hết trên thị trường.
Thực tế này khiến cơ quan hải quan quyết định lập Biên bản số 101/BB-HC1 với Unilever Việt Nam về hành vi tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát của hải quan. Tiếp đó, cơ quan hải quan đã có Quyết định số 52/QĐ-HQHCM xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với Công ty, với số tiền phạt là 50 triệu đồng, bao gồm phạt 20 triệu đồng cho hành vi nhập khẩu hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép mà không xuất trình được giấy phép trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi hàng về đến cửa khẩu và phạt 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý tiêu thụ hàng hóa được giao bảo quản chờ hoàn thành thông quan theo quy định.
Cũng tại Quyết định số 52/QĐ-HQHCM, cơ quan chức năng đã yêu cầu doanh nghiệp nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ trái với quy định của pháp luật theo quy định tại Nghị định 18/2009/NĐ-CP: “Tịch thu tang vật vi phạm nếu tang vật vi phạm là hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc không đủ điều kiện để xuất khẩu, nhập khẩu; trường hợp tang vật vi phạm không còn thì buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật”.
Sau khi có quyết định xử phạt, Unilever Việt Nam đã xuất trình với cơ quan hải quan 3 giấy phép nhập khẩu tự động do Bộ Công thương cấp đối với 3 lô hàng mỹ phẩm đăng ký nhập khẩu trong tháng 5/2011, đồng thời kiến nghị xem xét giảm nhẹ mức phạt. 
Tuy nhiên, 3 giấy phép do Công ty xuất trình với 3 tờ khai đăng ký trong tháng 5/2011, dù cơ bản phù hợp khai báo, nhưng lại có thời gian khá đặc biệt. Cụ thể, 3 giấy phép này có thời gian dự kiến làm thủ tục nhập khẩu từ ngày 6/4/2012 đến ngày 6/5/2012, sau thời gian nhập khẩu 3 lô hàng trên gần 1 năm.
Trước khi có kết luận cuối cùng, cơ quan hải quan đã có công văn xin ý kiến của Bộ Công thương về việc xác định 3 giấy phép nhập khẩu tự động do Unilever Việt Nam xuất trình có được xem là hợp lệ với 3 tờ khai nhập khẩu đã đăng ký trong tháng 5/2011. 
Đến thời điểm này, Bộ Công thương chưa có công văn trả lời, nhưng dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu Bộ Công thương có “nhầm lẫn về thời gian” khi cấp giấy phép tự động cho 3 lô hàng nói trên theo đề nghị của doanh nghiệp hay không?
Theo Báo Đầu tư