Vay cổ đông từ 1 tỷ: "Sức khỏe" tài chính Quốc Cường Gia Lai có vấn đề

12/09/2012 14:31
Bình An
(GDVN) - Một chuyên gia kinh tế cho rằng việc công bố cả mức vay tiền của cổ đông từ 1 tỷ đồng trở lên của QCG khiến nhiều người nghi ngờ “sức khỏe tài chính” của công ty này.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG), tổ chức này có một số hoạt động vay và cho vay qua lại với cổ đông. Các khoản vay của công ty với cổ đông nội bộ lên tới gần 150 tỷ, trong khi khoản cho vay lại cũng xấp xỉ 100 tỷ đồng. Cá biệt trong đó QCG vay của cổ đông Lầu Đức Duy 1 tỷ đồng và ông Duy vay lại QCG 33,5 tỷ đồng.

"Công ty lớn mà phải dùng vốn vay cá nhân thì nên xem xét lại”
Nhận định về hiện tượng vay cá nhân này trong một công ty có quy mô nghìn tỷ như Quốc Cường Gia Lai, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định:“Đối với một công ty nhỏ việc huy động vốn từ nguồn vốn cá nhân của những người trong công ty được xem là một giả pháp tài chính khá tốt thay vì thực hiện các thủ tục rườm rà vay vốn từ ngân hàng. Nhưng đối với các tổng công ty, tập đoàn lớn mà phải dùng đến nguồn vốn của cá nhân thì cũng nên xem xét lại”.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc huy động vốn trong công ty lớn không được hợp lý
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc huy động vốn trong công ty lớn không được hợp lý
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc doanh nghiệp vay tiền của cá nhân trong  hay ở ngoài doanh nghiệp không phải là sai lầm. Trong nhiều trường hợp những doanh nghiệp nhỏ, đang trong giai đoạn thành lập, sắp thành lập họ thường dùng tiền tiết kiệm trong nhà, bạn bè trong gia đình vay vốn. Điều này thường xảy ra, đặc biệt trong nền kinh tế chưa phát triển như ở Việt Nam thì hình thức này là hình thức thông dụng. Tuy nhiên, nếu đi vào trong giai đoạn phát triển hơn thì việc vay vốn từ cá nhân cũng có vấn đề rủi ro cho cả người vay và người cho vay.
Còn đối với một tập đoàn lớn hay công ty lớn như Quốc Cường Gia Lai, việc vay vốn trong cá nhân là một điều không hợp lý lắm. Bởi, nguồn vốn từ cá nhân chỉ là nguồn vốn nhỏ, không đủ lớn cung cấp cho tập đoàn, công ty lớn. Một vài tập đoàn nào đi vay cá nhân có thể xảy ra trong một vài trường hợp nhỏ lẻ như cá nhân, đại gia, người cho vay đó có ưu đãi, lãi suất hạ không có ràng buộc gì từ các ngân hàng. Thường, các tập đoàn không ai vay của cá nhân. Bàn về trường hợp một vị chủ tịch hội đồng quản trị có khả năng cho chính doanh nghiệp của mình vay khi cần dòng vốn lưu động mình cần tìm ngay cổ đông, doanh nghiệp của mình có khả năng làm điều đó xét ở một phương diện tạm thời cũng chấp nhận được. Một cá nhân làm được việc đó thì có lợi cho người vay và người đi vay. Nhưng cũng cần xét kỹ trong trường hợp cổ đông rút vốn trước thời hạn cũng có thể xảy ra. Thường lệ, vay cá nhân với cá nhân hay cá nhân với một doanh nghiệp cũng cần có những hợp đồng, thời hạn cho vay cụ thể. Nếu cá nhân cổ đông rút vốn sớm trước thời hạn tức là bên cho vay đã vi phạm hợp đồng. Trong một khía cạnh khác cũng cần được bàn đến là việc cá nhân cho tập đoàn, công ty lớn vay họ đã chấp nhận rủi ro lớn vì cá nhân không phải tổ chức kinh tế, không có đủ sức mạnh để đi đòi tiền. Nếu cá nhân cho vay với lãi suất nặng lãi, cao hơn mức lãi xuất ngân hàng theo kiểu tín dụng đen thì không thể chấp nhận được. Trong nền kinh tế như ở Việt Nam thời gian qua, tín dụng đen khá phố biến vì điều kiện vay ngân hàng không đủ nên họ tìm đến các tổ chức tín dụng đen để vay nóng với lãi suất cao thậm chí lên đến 200% năm. Tập đoàn lớn vay cá nhân 1 tỷ đồng: Chuyện khó tin? Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG), Công ty này có một số hoạt động vay và cho vay qua lại với cổ đông. Cụ thể, QCG vay của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT khoản tiền 77,5 tỷ đồng, bà Nguyễn Ngọc Huyền My 70,1 tỷ đồng và cổ đông Lầu Đức Duy 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà My cũng vay lại của QCG 29,1 tỷ đồng và ông Duy vay 33,5 tỷ đồng. Việc sử dụng dòng tiền của QCG hơi bất hợp lý bởi công ty này luôn được coi là một công ty lớn. Trao đổi ở một góc độ vay từ 1 tỷ đồng, một chuyên gia kinh tế khác lại cho rằng việc công bố cả mức vay tiền của cổ đông từ 1 tỷ đồng trở lên của QCG cũng khiến nhiều người nghi ngờ “sức khỏe tài chính” của công ty này. Thông thường, việc huy động vốn từ cá nhân của công ty lớn rất ít nhất là vốn từ nội bộ cổ đông.  Lịch sử đã để lại nhiều bài học cho doanh nghiệp từ việc huy động vốn lưu động từ chính các cổ đông của mình. Khi công ty lâm vào tình trạng khó khăn việc thoái vốn khỏi công ty sẽ xảy ra, tình hình lúc đó ai cũng nắm được sẽ như thế nào. Với mức vay từ cá nhân cả trăm tỷ hay vài trăm tỷ của công ty lớn trong bối cảnh thiếu vốn còn tạm chấp nhận chứ công ty lớn mà vay từ 1 tỷ đồng thì cần xem xét lại – vị chuyên gia nhấn mạnh.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Bình An